Sự thật và đồn thổi về siêu Trăng tối nay

14/11/2016 10:45 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trăng tròn vào tối 14 tháng 11 này sẽ lớn hơn bình thường, và được nhiều người gọi là "siêu Trăng". Tuy nhiên trên thực tế, nó không phải hiện tượng đặc biệt và rất khó để có thể phân biệt bằng quan sát thông thường.

Việc Trăng tròn tháng 11 (dương lịch) này sẽ lớn hơn và sáng hơn thông thường đang được rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, và cũng như mọi lần, không ít phương tiện trong số đó vì mục đích câu khách đã thổi phồng sự kiện lên và thậm chí gán thêm cho nó nhiều yếu tố khác thường hoặc kịch tính. Mặc dù vậy, sự thật là đây không phải một hiện tượng thiên văn đặc biệt, thậm chí rất khó nhận ra.

Siêu Trăng là gì?

Nói một cách ngắn gọn nhất, siêu Trăng (supermooon) chỉ là sự trùng hợp khi Mặt Trăng đi vào điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quĩ đạo của elip của nó quanh Trái Đất) vào đúng hoặc lân cận thời điểm Trăng tròn hoặc không Trăng. Với người quan sát trên Trái Đất, thời điểm không Trăng là không thể quan sát được, chỉ có thể quan sát sự trùng hợp này vào thời điểm Trăng tròn. Khi siêu Trăng xảy ra vào đêm Trăng tròn, đĩa sáng Mặt Trăng có đường kính lớn hơn thời điểm Mặt Trăng ở điểm viễn địa (điểm xa nhất trên quĩ đạo) khoảng 14% (diện tích lớn hơn khoảng 30%) và độ sáng lớn hơn khoảng 30%. Trên thực tế, so với hầu hết những lần Trăng tròn thông thường, siêu Trăng chỉ có đường kính lớn hơn dưới 10%, không gây ra khác biệt đáng kể khi quan sát trực tiếp.


So sánh Mặt Trăng khi ở vị trí cận điểm và viễn điểm. Lưu ý rằng Mặt Trăng vào những đêm Trăng tròn thông thường lớn hơn ở viễn điểm, nên thực tế độ lớn của những lần siêu Trăng so với Trăng tròn thông thường chỉ như hình dưới.


Trăng tròn thông thường (trái) so với Trăng tại cận điểm/siêu Trăng. Độ khác biệt là không đáng kế

Siêu Trăng tháng 11 năm 2016 có gì khác không?

Như mọi lần trùng hợp khác, Mặt Trăng vào đêm 14 tháng này sẽ đạt điểm Trăng tròn (full moon) chỉ sau khoảng hơn hai giờ kể từ thời điểm nó đạt cận địa. Thời điểm cận địa của Mặt Trăng sẽ rơi vào lúc 18h30 ngày 14/11 còn điểm Trăng tròn sẽ là 20h52 hôm đó (giờ Việt Nam)

Tại cận địa lần này, Mặt Trăng sẽ cách Trái Đất 356.536km. Việc này được cho là đặc biệt vì đây là lần Mặt Trăng đến gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948 (68 năm trước), khi đó nó còn tới gần hơn lần này 48km. Lần tiếp theo Mặt Trăng đến gần Trái Đất như vậy là ngày 25 tháng 11 năm 2034.

Nghe thì hiếm có như vậy, nhưng hãy nhớ rằng khoảng cách trung bình của Mặt Trăng tới Trái Đất là 384.000km, còn khoảng cách trung bình của các lần cận địa là khoảng 360.000km. Như vậy độ chênh lệch giữa lần cận địa này so với những cận địa khác là không hề nhiều, chỉ khoảng 1%. Do đó những nguồn tin cho biết nó sẽ gây ảnh hưởng đến các thiên tai như sóng thần, động đất đều là bịa đặt, không chính xác. Thực tế lực hấp dẫn của giữa hai thiên thể gần như không tăng lên, có chăng đủ làm cho thủy triều cao hơn một chút, nhưng cũng không đủ để bạn nhận ra bằng quan sát thông thường.

Đối với việc quan sát Mặt Trăng vào tối 14 này: So với những lần Trăng tròn thông thường, đường kính biểu kiến của Mặt Trăng trên bầu trời sẽ lớn hơn thông thường khoảng 7% và độ sáng sẽ lớn hơn khoảng 14%. Những con số này thực tế là rất nhỏ và không thể nhận ra khi quan sát bằng mắt thường. Hầu hết người quan sát bằng mắt thường nhận ra sự khác biệt này đều là vì yếu tố tâm lý, đó là những người đã được nghe nói trước về việc Mặt Trăng sẽ lớn hơn thông thường.

Tất nhiên, với những người quan sát có kính thiên văn có gắn kính lọc ánh Trăng (moon filter) thì việc quan sát có lẽ cũng thú vị hơn đôi chút.

Về cơ bản, đây không phải một hiện tượng gì đáng chú ý, và nên đặc biệt lưu ý rằng nó không gây ra bất cứ ảnh hưởng nào cho hoạt động của con người cũng như các điều kiện tự nhiên của Trái Đất.

Theo Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch VACA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm