20/08/2021 10:15 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sự lan tỏa tinh thần nhường cơm, sẻ áo trong nhân dân trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Thủ đô thu được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Trải qua bốn lần bùng phát dịch COVID-19, thành phố Hà Nội tiêu hao rất lớn cả sức người và sức của. Trong lúc gian nan, khó khăn, người dân Thủ đô như những cánh tay nối dài của chính quyền trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19.
Tiếp sức cho cuộc chiến cam go
Trong lời kêu gọi nhân dân Thủ đô tham gia phòng, chống COVID-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định trong lúc khó khăn, người dân Hà Nội luôn biết phát huy những truyền thống quý báu, phẩm chất tốt đẹp, cao cả của người Tràng An để chung sức, chung lòng gánh vác cùng Đảng bộ, chính quyền Thủ đô.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Bí thư Thành ủy Hà Nội, người dân Hà Nội sáng tạo, đi đầu trong nhiều phong trào, mô hình hay. Điển hình là mô hình "3 lớp" của nhân dân của huyện Đông Anh có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ nhân dân mà vẫn hoạt động sản xuất tại chỗ ở những nơi an toàn.
Từng là Trưởng Phòng Nội vụ của quận Long Biên, am hiểu địa bàn, hiểu về công tác cán bộ cơ sở, nay để phòng chống dịch, chị Vũ Thị Thành được Quận ủy luân chuyển làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận.
Chị Thành tâm niệm vai trò của nhân dân rất quan trọng. Chính quyền đưa ra chính sách đúng nhưng để thành công phải dựa vào dân. Vì vậy, chị Thành đã "3 cùng" với các cán bộ phong trào để thực hiện nhiều cách làm hay, lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân như: phong trào "Thuê phòng trọ," "Bữa xôi sáng," "Cơm tình thương" của phường Phúc Lợi; "Đi chợ giúp dân" của phường Thạch Bàn... Quận Long Biên trở thành một trong những điển hình về phong trào vận động nhân dân phòng, chống dịch.
Đồng cảm, sẻ chia với những vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch, chị Dương Thị Hồng, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thượng Thanh (Long Biên) đã vận động chị em cho mượn nhà để hằng ngày nấu trên 100 suất cơm miễn phí, đủ dưỡng chất, bảo đảm an toàn thực phẩm cho những người chiến sỹ cắm chốt.
Không những vậy, chị Hồng còn không quản ngại đến các doanh nghiệp, Ban Quản lý các chợ để vận động xã hội hóa kinh phí cho hoạt động này.
Mặc dù bận rất nhiều việc, lại chuẩn bị gấp gáp đi tiễn các tăng ni của Hà Nội vào chi viện, giúp đỡ miền Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - trụ trì chùa Quán Sứ, Bái Đính, Tam Chúc, Linh Tiên vẫn ra sức vận động các nhà hảo tâm để mỗi ngày nấu trên 300 suất cơm chất lượng dành cho y, bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai và Công an phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, nhất là hàng hóa thiết yếu, hàng tài trợ từ tỉnh ngoài vào địa bàn, nhóm Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Hà Nội mang tên Sen Trắng đã phối hợp với Thành Đoàn Hà Nội tổ chức hàng ngàn chuyến xe tình nguyện miễn phí chở hàng thiết yếu đi khắp các địa bàn thành phố và một số tỉnh ở xa.
Anh Vũ Hữu Tân, Trưởng nhóm Sen Trắng cho biết nhóm có khoảng 60 xe bán tải chạy liên tục, có lúc hết công suất, với phương châm "nơi nào cần, xe có mặt." Nhóm còn cử 3 xe để chuyên chở cơm từ chùa Linh Tiên đến Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả thành viên của nhóm đều xác định tư tưởng "tiếp xe cho tiền tuyến."
Tại quận Hà Đông, các ngành, đoàn thể, UBND các phường trên địa bàn đã chủ động rà soát, hỗ trợ cho tất cả hộ cận nghèo, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ, người dân ở khu vực phong tỏa, lao động tự do ngoại tỉnh, sinh viên ngoại tỉnh không về được quê, người lang thang cơ nhỡ với nhiều tỷ đồng.
Chị Cấn Thị Việt Hà, Chủ tịch UBND quận chia sẻ: Sự thuận lợi của quận là nhờ nhân dân luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao và luôn phát huy truyền thống văn hóa của người dân xứ Đoài, Hà Đông.
Tại quận Ba Đình, bên cạnh công tác chống dịch, quận đã hình thành nhiều đội tình nguyện đến từng nhà giúp dân. Các cơ sở Hội Phụ nữ và Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp quận đã tặng 530kg gạo, 1.800 quả trứng, 250kg rau xanh, hàng trăm thùng nước uống, dầu ăn, nước mắm; 210 suất quà cho gia đình thực hiện cách ly, lao động tự do, sinh viên không về quê.
Các bếp ăn "Bữa cơm ấm tình" duy trì nấu 1.209 suất cơm chuyển tới Trung tâm Y tế quận, các Trạm Y tế phường và các chốt trực, xóm trọ nghèo, người già neo đơn. Hội Phụ nữ phường Ngọc Khánh có mô hình "Bữa sáng 0 đồng" hỗ trợ người già neo đơn, gia đình khó khăn 1.000 suất…
Sự lan tỏa tinh thần nhường cơm, sẻ áo trong nhân dân trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để Thủ đô thu được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Dồn sức cho những chiến dịch thần tốc
Xác định "chống dịch như chống giặc," Hà Nội đã sẵn sàng mọi điều kiện để bước vào các chiến dịch lớn; trong đó có chiến dịch thần tốc tiêm vaccine diện rộng miễn phí cho nhân dân và chiến dịch huy động sức dân đóng góp tạo nguồn quỹ phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp trong thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin để làm tốt nhất có thể chiến dịch tiêm vaccine. Thành phố đã chủ động lực lượng y tế và đội ngũ phục vụ cho hàng trăm dây chuyền tiêm một cách đồng loạt.
Chiến dịch đóng góp tạo nguồn quỹ phục vụ công tác phòng, chống dịch đã và đang được Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai sâu rộng. Đến nay, toàn thành phố đã nhận được đóng góp tự nguyện từ người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cho công tác phòng, chống dịch là 1.700 tỷ đồng; trong đó số tiền đăng ký hưởng ứng từ các quận, huyện là 1.410 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, các nước vì Hà Nội," thành phố nhận được nhiều sự chia sẻ tình cảm, vật chất của các tỉnh, thành. Điển hình như tỉnh Thanh Hóa ủng hộ 2 tỷ đồng; tỉnh Hòa Bình tặng 70 tấn hàng hóa và nhiều tỉnh khác hỗ trợ máy móc y tế, thực phẩm trị giá gần 120 tỷ đồng...
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đang phát động chương trình "Đoàn kết chống dịch," công khai đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và 30 quận, huyện, thị xã, lập trang Fanpage "Đoàn kết chống dịch."
Chỉ trong một tuần triển khai, fanpage này đã tiếp cận trên 6.000 người, tiếp nhận trên 2.000 cuộc điện thoại đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ khó khăn của người dân, người lao động. Sau khi tiếp nhận phản ánh, 307 trường hợp đã được các cấp Mặt trận xác thực và trao quà hỗ trợ.
Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội được Bộ Tư lệnh Thủ đô ủng hộ phương tiện, nhân lực tổ chức rất thành công mô hình "Chợ 0 đồng" tại 4 quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và Tây Hồ. Mô hình tiếp tục triển khai tại quận Hoàn Kiếm, Đông Anh và tới đây nhân rộng ra nhiều địa bàn. Từ mô hình này, đã có 2.021 người nghèo, khó khăn, sinh viên, người lao động mất việc được phát phiếu đi chợ 0 đồng.
Ngoài các đối tượng đã được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đã hỗ trợ 100% các hộ nghèo 3.400 suất quà trị giá 3,4 tỷ đồng; phối hợp với các nhà hảo tâm tặng 80.000 suất quà, trị giá 29 tỷ đồng cho nhiều đối tượng.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, cho biết qua những đợt vận động lại càng thấm nhuần bài học dựa vào sức dân. Người dân Thủ đô sẵn lòng đóng góp, tin tưởng các chính quyền, đồng thời đùm bọc, chia sẻ nhau lúc khó khăn. Các cấp, các ngành của thành phố sẽ hành động để xứng đáng với niềm tin ấy.
Nguyễn Văn Cảnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất