Người lính già 17 năm “vác tù và” tìm hài cốt liệt sỹ

27/07/2012 10:10 GMT+7 | Thế giới

Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ, nhưng mỗi khi nghĩ đến hàng ngàn gia đình đang phải chịu những nỗi đau quặn lòng, bởi chồng con họ nằm lại ở các chiến trường, nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, trái tim ông Tiêu Văn Tấn lại nhói đau.

Với suy nghĩ “làm được gì đó cho các gia đình và tri ân đồng đội,” suốt 17 năm qua, ông Tấn đã nguyện đạp xe rong ruổi khắp các chiến trường Đông Dương để đưa 1.677 hài cốt liệt sỹ trở về với gia đình, quê hương.

Hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ

Giữa những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ, chúng tôi tìm gặp ông Tiêu Văn Tấn (Binh đoàn 11, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) để nghe ông kể lại hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ đầy chông gai suốt 17 năm qua.

Ông Tiêu Văn Tấn bên kỷ vật theo suốt hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Có mặt trong gian nhà tĩnh lặng, sau một vài ván cờ xã giao, ông Tấn niềm nở kể, năm 1992 về nghỉ hưu, sống cuộc sống an nhàn bên vợ con, nhưng mỗi khi lật lại ký ức thời lửa đạn, nghĩ đến cảnh hàng ngàn gia đình vô vọng không thấy chồng con trở về, nước mắt ông lại tuôn trào.

"Ngày đất nước thống nhất, mình trở về sống yên ấm bên gia đình, còn đồng đội nằm lại chiến trường khiến lòng tôi không thể nào yên được. Sau những đêm trằn trọc, tôi tự nhủ phải cố làm được việc gì đó cho gia đình, thân nhân đồng đội," ông Tấn trải lòng.

Nói là làm, đúng vào ngày 27/7/1995, khi cả nước đang háo hức kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ, ông Tấn quyết định tạm gác lại việc nhà cho người vợ, rồi vào miền Nam tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Ông Tấn cho biết, để tìm đúng người, rõ danh tính, ông đã ấn định cho chuyến tìm kiếm đầu tiên là anh họ - liệt sỹ Nguyễn Văn Tân, ở thôn Kỳ Tây, xã Cẩm Chế, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Và rồi, bằng chiếc xe đạp Thống Nhất C380, được ấn định điểm xuất phát từ Hà Nội vào Quảng Trị với quãng đường gần 500 km. Sau 11 ngày đêm ròng rã với một tuần dò hỏi thông tin, ông Tấn phát hiện anh họ mình đã hy sinh và được mai táng tại xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Ông Tấn xúc động nói: “Sau nhiều năm chờ đợi, hài cốt anh họ cũng được tìm thấy và đưa về quê nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình, họ hàng. Qua đây, tôi cũng thấu hiểu được nỗi lòng của hàng ngàn gia đình liệt sỹ đang mong được đưa hài cốt các đồng chí về quy tụ gia tiên.”

Sau lần tìm kiếm thành công trên, ông Tấn quyết định lên kế hoạch mới cho những chuyến tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Ông Tấn cho biết, việc tìm kiếm chính xác tên tuổi, quê quán các liệt sỹ đã khuất khó như “mò kim đáy bể,” cũng chả ai muốn làm. Thế nhưng, khi hay tin người thương binh về hưu còn đạp xe đi tìm hài cốt liệt sỹ, nhiều người lại cho rằng ông bị “hâm,” rồi gọi “Tấn ma khô.”

Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, bằng cái tâm, cái tình của người lính già, ông Tấn vẫn quyết định gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” như thể cái nghiệp của cuộc đời.

Chiếc xe đạp chở... "nghĩa tri ân"

Thấm thoắt đã 17 năm đi tìm hài cốt liệt sỹ, giờ đây kỷ vật duy nhất gắn bó với ông Tấn là chiếc xe đạp Thống Nhất mang biển số C380 và cuốn sổ ghi chép lại ngày tháng, địa điểm, danh tính của 1.677 hài cốt liệt sỹ đã được ông tìm thấy và đưa về với thân nhân.

Tới nay, trong căn nhà nhỏ khoảng 30m2 nằm ở tầng 2 khu tập thể Binh đoàn 11, chiếc xe đạp ấy vẫn được ông Tấn lau chùi, nâng niu như thể “đứa con” của mình.

Ngẫm lại những chuyến hành trình đi tìm hài cốt đồng đội, ông mới chợt nhận ra rằng "dấu chân mình đã in hằn trên khắp chiến trường Đông Dương, nhất là 18 tỉnh thành của Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên".

Ông chia sẻ: “Đã có rất nhiều lần đạp xe mệt mỏi, thậm chí gục ngã trên đường, nhưng tôi vẫn quyết tâm vượt qua tất cả cho những cuộc hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sỹ”.

Ông kể, trong những chuyến đi ấy, ông thường dừng nghỉ tại các nghĩa trang, xin ở nhờ tại nhà dân, hay thông qua các binh đoàn, doanh trại quân đội nơi ông đặt chân tới.

Không chỉ vậy, ngoài hàng trăm chuyến đi xuyên Việt, ông Tấn còn lên lịch cho những cuộc hành trình tìm sang đến vùng biên giới nước bạn Lào, Campuchia.

"Trong suốt hành trình tìm kiếm liệt sỹ, tôi đã có ba chuyến đi qua nước Lào và tìm được 250 hài cốt liệt sỹ; Campuchia tìm được 407 hài cốt, trong đó có 277 hài cốt ông mới tìm thấy trong năm 2011 tại vùng biên giới giáp ranh Campuchia", người lính già cho biết.

Với kinh nghiệm của mình, để thuận lợi cho việc tìm kiếm, khi đến các cửa khẩu ông thường liên hệ với đồn biên phòng địa phương và chia sẻ tâm nguyện rồi xin qua biên giới.

Khó khăn nhất là do không biết tiếng nước bạn nên ông phải rất vất vả để tìm gặp những người Việt kiều và nhờ họ giúp đỡ.

Ông Tấn giãi bày: “Mỗi khi nhận được thông tin, tôi tổng hợp lại rồi lên đường tìm kiếm. Từ một nguồn thông tin ban đầu, tôi lân la dò hỏi thêm, từ đó phát hiện ra những liệt sỹ cùng hoạt động tại cứ điểm đó”.

Tới nay, sau 17 năm ròng đạp xe, băng đèo lội suối, ông Tấn đã phát hiện và đưa gần 1.677 hài cốt liệt sỹ trở về với quê hương. Điều đáng nói là dù công sức ông bỏ ra là không nhỏ nhưng ông chưa bao giờ đòi hỏi một đồng bạc nào từ các thân nhân liệt sỹ.

Ông Tấn háo hức: “Sống làm phúc cho con cháu, cũng như để thanh thản tuổi già. Thế nên, còn sống ngày nào thì tôi còn đi tìm kiếm và mang hài cốt các anh trở về với gia đình, quê hương”.

Với những đóng góp lớn lao trong việc phát hiện và đưa 1.677 hài cốt liệt sỹ trở về với thân nhân, ông Tấn đã được Hội Cựu chiến binh quận Thanh Xuân (Hà Nội) trao tặng nhiều bằng khen. Trong đó, tiêu biểu nhất là tấm bằng khen “Cựu chiến binh gương mẫu” năm 2011.

Theo VietnamPlus

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm