Người chuyển đổi giới tính sẽ được phép kết hôn

08/08/2008 04:25 GMT+7 | Thế giới

Những trường hợp đã chuyển đổi có thể xem xét cho sửa hộ tịch. Nếu “hình thức” và “nội dung” không trùng nhau thì cho dù đã chuyển đổi cũng không được sửa hộ tịch và đương nhiên sẽ không được phép kết hôn.

 Trường hợp ca sĩ Cát Tuyền có thể được xem xét cho sửa hộ tịch và được kết hôn. Tháng 4-2008, Cát Tuyền đã lên xe hoa mà không có hôn thú. 
Cách đây chưa lâu, những trường hợp đi chuyển đổi giới tính tại nước ngoài như ca sĩ Cát Tuyền, Cindy Thái Tài từng nhiều lần than thở về việc họ gặp rắc rối khi làm các giấy tờ, thủ tục liên quan đến giới tính sau khi chuyển đổi.

Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5-8 về xác định lại giới tính cho phép những người bị khiếm khuyết về giới tính được chuyển đổi giới tính, kèm theo đó họ sẽ được chuyển đổi hộ tịch và các giấy tờ tùy thân theo giới tính mới. Tuy nhiên, có phải mọi trường hợp lỗi đều được xác định lại giới tính? Sau khi chuyển đổi họ có đầy đủ các quyền dân sự theo giới tính mới không?

Sẽ được kết hôn

Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp, những người chuyển đổi giới tính phải là những người phiếm khuyết về bộ phận sinh dục, về gien (nhiễm sắc thể), mà có thể xác định được bằng phương pháp y học, chứ không phải theo sở thích, mong muốn cảm tính của cá nhân. Do đó, sau khi xác định lại giới tính bằng phương pháp y học đồng thời về pháp lý cũng cho phép họ đăng ký lại hộ tịch. Các quyền dân sự khác liên quan đến hộ tịch (như quyền kết hôn, nuôi con...) sẽ được thực hiện bình thường.

Sau khi xác định lại giới tính, họ sẽ được sửa hộ tịch và các quyền nhân thân liên quan trên giấy tờ: hộ tịch, khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân, văn bằng, chứng chỉ, được đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con (nếu có)...

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, đối với trường hợp cả hai cùng lỗi về giới tính, đã xác định lại giới tính thì một nam, một nữ hoàn toàn có thể kết hôn với nhau. Lúc này họ không được coi là người đồng giới. Trước đây, những người bị khuyết tật giới tính thường chỉ căn cứ vào bộ phận sinh dục rồi đăng ký khai sinh. Việc cho phép cá nhân xác định lại giới tính thông qua việc sửa lại hộ tịch thể hiện sự tôn trọng quyền tự nhiên của con người, trong đó có quyền được sống đúng giới tính của mình.

Không có lỗi thì không được sửa

Theo ông Quang, những người vẫn được coi là đồng tính về tâm lý mà không có các khuyết tật bẩm sinh thì không được xác định lại giới tính vì liên quan đến vấn đề đạo đức. Nghị định chỉ quy định là xác định lại giới tính cho những người khuyết tật về giới hay chưa phân biệt được là nam hay nữ chứ không phải là chuyển đổi giới tính cho những người đã hoàn thiện về giới bởi có thể đó là những trường hợp có sự lệch lạc về tâm lý. Mặt khác, việc xác định lại giới tính cũng có thể bị lạm dụng vì nhu cầu thương mại, hoặc trong thi đấu thể thao.

Ông Nguyễn Huy Quang lưu ý thêm, những người không có khuyết tật về giới tính nhưng đã chuyển giới ở nước ngoài sẽ không được công nhận. Tuy nhiên, những trường hợp đã xác định lại giới tính bằng cách chuyển đổi giới tính tại nước ngoài (trước khi nghị định có hiệu lực) cũng phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra xem có đúng là đã xác định đúng giới tính hay không. Nếu thấy “hình thức” thống nhất với “nội dung” thì cơ sở y tế cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính và họ được đăng ký lại hộ tịch. Nếu “hình thức” và “nội dung” không trùng nhau thì cho dù đã chuyển đổi cũng không được sửa hộ tịch và đương nhiên sẽ không được phép kết hôn.

Về vấn đề này, ông Cường khẳng định: Về nguyên tắc, dù đã chuyển đổi giới tính nhưng kiểm tra vẫn không có khiếm khuyết về nhiễm sắc thể mà tự ý chuyển đổi giới tính thì không cho sửa lại hộ tịch. Tuy nhiên, ông Cường nêu ra một gợi ý đối với những trường hợp đã “lỡ” chuyển: Những trường hợp đã chuyển đổi, tùy trường hợp cụ thể sẽ xem xét cho sửa hộ tịch. Còn những trường hợp chuyển đổi sau khi nghị định có hiệu lực thì buộc phải làm đúng thủ tục xác định thông qua xét nghiệm y tế”.

Một vấn đề đặt ra: Sau khi kiểm tra, cá nhân được xác định là được quyền chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, do chi phí khá cao, lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe do can thiệp bằng nhiều lần phẫu thuật, cá nhân đó không giải phẫu chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, họ có nguyện vọng được sửa lại hộ tịch thì có được không?

Về vấn đề này, ông Quang cho rằng: Nguyên tắc của nghị định này là cho phép những người bị khiếm khuyết về giới tính muốn được xác định lại giới tính, đã thực hiện chuyển đổi giới tính bằng phương pháp y học thì sẽ được sửa lại hộ tịch. Do đó về nguyên tắc, không chuyển đổi thì không thể sửa hộ tịch.
 
Theo PL.TPHCM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm