"Người bay" Thụy sĩ tái xuất

07/11/2010 11:24 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Yves Rossy, người duy nhất trên thế giới có khả năng bay lượn bằng một đôi cánh phản lực tự chế, vừa “tái xuất” hôm 5/11 với một màn trình diễn kỹ thuật khó và mới. Đây cũng là lần đầu tiên Rossy thử bay với đôi cánh mới dài 2,5m.

Trong khi người bình thường thích dùng thời gian rảnh rỗi để đi câu cá, thăm bạn bè hoặc vui thú với vợ con thì Yves Rossy lại thích leo lên máy bay cùng một đôi cánh do ông chế ra để... tập bay.

Icarus thời hiện đại


"Người bay" Yves Rossy
Hôm 5/11 vừa qua, Rossy, 51 tuổi, đã thử nghiệm đôi cánh mới do ông hợp tác cùng công ty Thụy Sĩ RUAG sản xuất, tại vùng Vaud. Đôi cánh này có sải cánh 2,5m và không có bộ phận nào có thể gấp lại được như những đôi cánh trước đây. Cùng với cánh mới, Rossy đã thử nghiệm một động tác khó là bay lượn vòng. Ông đeo cánh, leo lên một khinh khí cầu và nhảy xuống từ độ cao 2.400m. Ngay khi nhảy xuống, Rossy kích hoạt các động cơ phản lực để có thể bay và lượn vòng tròn theo phương thẳng đứng (loop).

“Ông ấy bay trong vài phút để ổn định đôi cánh và tìm góc tối ưu để bắt đầu thực hiện hai vòng lượn loop” - trang web của Rossy ở địa chỉ www.jetman.com thông báo. Rossy đã vẫy vùng trong không khí khoảng 18 phút trước khi tắt động cơ và đáp xuống đất bằng dù. Ông nhận xét những trải nghiệm mới là “hết sức tuyệt vời”. “Chuyến bay diễn ra tốt đẹp, dù gặp một chút vấn đề nhỏ khi khởi động các động cơ phản lực. Tôi đã có thể thực hiện hai vòng loop và tôi hết sức vui sướng” - Rossy nói. Tuy nhiên theo tờ 20 Minutes của Thụy Sĩ, Rossy đã không thực hiện một kế hoạch ban đầu là bay vòng quanh quả khinh khí cầu đã mang ông lên trời, “vì những lý do kỹ thuật và an ninh”. Rossy có lần biểu diễn đầu tiên trước công chúng vào tháng 5/2008. Kể từ đó tới nay, ông đã lập được thêm vài kỳ tích khác như băng qua eo biển Manche với tốc độ 200km/h vào tháng 9/2008.

Thôi thúc bởi đam mê


Yves Rossy thực hiện vòng loop trong lần biểu diễn mới nhất hôm 5/11
Yves Rossy sinh ngày 27/8/1959 và đã có thời gian làm phi công máy bay quân sự trước khi chuyển sang làm phi công dân sự của hãng hàng không Thụy Sĩ. Thời gian phục vụ ở không quân, Rossy đã bay trên những chiếc chiến đấu cơ “thứ dữ” của Không quân Thụy Sĩ như Dassault Mirage IIIs, Northrop F-5 Tiger IIs và Hawker Hunters. Khi chuyển sang làm phi công dân sự, ông lái máy bay Boeing 747 và sau đó là Airbus.

Nhưng những chiếc máy bay này không làm Rossy thỏa mãn. “Đó là những cỗ máy mà mình phải bị giam trong đó, cách biệt với thế giới bên ngoài. Muốn lăn bánh, cất cánh và hạ cánh đều phải chờ lệnh. Chẳng bao giờ có được tự do” - ông than thở. Để tìm kiếm tự do và cảm giác mạnh, ông tham gia nhảy dù và sau đó là biểu diễn trên không, một điều hiếm có đối với những phi công thường chịu áp lựng nặng như Rossy.

Trải nghiệm mang tới từ hơn 1.000 lần tham gia nhảy dù, rơi tự do trong không gian khiến Rossy mê mẩn. “Một cảm giác không thể tin được. Bạn được tự do hoàn toàn. Nhưng lại quá ngắn. Chỉ được 1 phút để thưởng thức cảm giác kỳ diệu này”. Kể từ đó, Rossy bắt đầu bị ám ảnh bởi giới hạn của cảm giác tự do và ham muốn mở rộng giới hạn này.

Ông loay hoay tìm kiếm nhiều phương pháp khác nhau và cuối cùng dừng lại ở ý tưởng chế tạo một đôi cánh nhỏ, để có thể lướt được lâu hơn trên không gian.

Thành quả của trí tuệ

Là người giỏi về cơ khí, Yves Rossy dùng thời gian rảnh ít ỏi của một cơ trưởng để phục vụ đam mê. Ông sử dụng sợi tổng hợp kevlar để chế tạo một đôi cánh cứng có khả năng gấp lại ở hai đầu và mở ra khi cần thiết nhờ các chai khí nén. Cách này giúp Rossy có thể nhảy ra khỏi máy bay một cách gọn gàng.

Chiếc cánh đầu tiên do Rossy chế ra dài 2m. Năm 2002, ông đã thử nghiệm nó trên vùng hồ Leman của Thụy Sĩ. Nhảy xuống từ độ cao 5.000 m, Rossy đã lướt đi được 12km trước khi chạm tới giới hạn rơi tự do. Một kết quả không tồi.

Tuy nhiên Rossy vẫn muốn bay lâu hơn nữa và từ chỗ đã có thể bay theo chiều ngang, ông muốn bay lên cao. Để làm được việc đó, Rossy gắn thêm các động cơ phản lực vào đôi cánh, một hành động điên rồ và nguy hiểm nếu xét tới việc ông phải hạ cánh bằng dù. Jet Cat, một công ty Đức chuyên chế tạo động cơ phản lực kích thước nhỏ, chấp nhận lao vào cuộc phiêu lưu với ông. Từ kích thước 2m, cánh được tăng lên 2,5m. Từ hai động cơ lên bốn động cơ phản lực. Sau hàng trăm lần thử nghiệm, gặp vô số trục trặc, có những lúc tưởng mất mạng vì mất lái, vì dù không mở kịp thời hoặc bị nhà chức trách sờ gáy, cuối cùng Rossy đã thành công. Sau khi vượt eo biển Manche, Rossy đã từng thử băng qua eo biển Gibraltar từ phía Morocco bay sang Tây Ban Nha song không thành công vì bị gió tạt văng xuống biển. Ông cũng đang hy vọng sẽ bay qua thung lũng Grand Canyon nổi tiếng ở bang Arizona, nhưng vẫn phải chờ sự cho phép của nhà chức trách Mỹ.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm