21/03/2021 16:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, xã hội lớn có vị trí và vai trò rất quan trọng, là đầu tàu, đô thị hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở điểm giao nối giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành cửa ngõ giao thương, là đầu mối giao thông vận tải lớn nhất cả nước. Trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy, nâng tầm du lịch nội địa.
Đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hệ thống giao thông vận tải thành phố với các loại hình vận tải như: Đ̛ường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, hiện chiếm tỷ trọng đáng kể trong việc phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách, vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và xuất khẩu. Phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò rất quan trọng, có tác động sâu rộng và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng về kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của thành phố.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, thực hiện Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030 theo Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND thành phố, Sở đã và đang nâng cấp, mở rộng các tuyến cửa ngõ, trục chính ra vào thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu đầu tư đồng bộ những trục giao thông chính phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch tại khu đô thị Tây Bắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Sở đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu trong năm 2021 hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), xây dựng tuyến metro số 2 và các tuyến còn lại theo quy hoạch...
"Đối với Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 3998/QĐ-UBND ngày 27/10/2020 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để phát triển đầu tư, nâng cấp cầu bến tại huyện Côn Đảo, khai thác tuyến du lịch đường thủy Sài Gòn-Côn Đảo.
Cùng với đa dạng hóa loại hình vận tải thủy, buýt đường thủy, taxi thủy... phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch (6 tuyến vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy), trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh còn đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách đường thủy từ Thành phố Hồ Chí Minh đi hai tỉnh Tiền Giang, Long An... ", đại diện Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho hay, về công tác phối hợp với các địa phương, Công ty tích cực tham gia làm cầu nối để đa dạng chương trình tạo sản phẩm dịch vụ liên kết vùng như Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh - các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ... Công ty cũng chủ động rà soát lại toàn bộ sản phẩm dịch vụ cung ứng trong nước trong bối cảnh sản phẩm dịch vụ nước ngoài bị tạm dừng. Trong đó, Công ty cũng như những doanh nghiệp khác, tập trung vào việc khắc phục những tồn tại và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ thông qua việc chọn những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng nhất từng địa phương để tạo nên chuỗi sản phẩm mới.
Mặt khác, Công ty bám sát bộ tiêu chí an toàn trong du lịch và các quy định an toàn phòng dịch của Bộ Y tế, cơ quan chức năng... trong thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19, cũng như đảm bảo an toàn điểm đến cho du khách.
Số hóa kênh tiếp thị điểm đến
Đối với ngành du lịch, hiện nay đầu tư về công nghệ để chuyển đổi từ phương thức kinh doanh truyền thống tại điểm kinh doanh sang bán hàng trực tuyến (online), tối ưu hóa chi phí và nhân sự... là những yêu cầu cấp thiết hiện nay, đáp ứng xu hướng mới của thị trường là đơn giản, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Nếu đẩy nhanh tiến độ số hóa và chuyển đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm cung cấp khi nhu cầu và thói quen tiêu dùng, du lịch của người dân đã có thay đổi sẽ là hướng đi bền vững cho doanh nghiệp du lịch trong tương lai. Do đó, những doanh nghiệp du lịch đã chú trọng phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi toàn bộ điều hành hoạt động kinh doanh và quản trị công ty trên nền tảng kỹ thuật số, sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới.
Thống kê thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đạt được thành công số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến nâng cấp hệ thống chatbot, vận hành hệ thống bigdata trong phân tích và xử lý dữ liệu lớn; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản...
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả này, đòi hỏi doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ. Trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7. Đặc biệt, cùng với dịch vụ sẵn có, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho khách hàng có thể chủ động tự lên kế hoạch và thiết kế chuyến đi phù hợp với bản thân, gia đình và trên hết là đảm bảo tất cả tiêu chí du lịch an toàn.
Với chủ trương phát triển mạnh mẽ mảng kinh doanh thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, Công ty cũng làm mới ứng dụng Saigontourist Travel và hệ thống thẻ khách hàng thân thiết. Khách hàng của Lữ hành Saigontourist hiện nay không chỉ có nhiều lựa chọn sản phẩm dịch vụ mà còn mua tour nhanh chóng, tiện lợi, cũng như được hưởng nhiều ưu đãi riêng. Đây là những nỗ lực không ngừng mà Lữ hành Saigontourist mang đến cho khách hàng nhằm sẵn sàng đón đầu khi ngành du lịch phục hồi. Mặt khác, Lữ hành Saigontourist còn triển khai đa dạng chương trình huấn luyện nhân sự cho công ty nhanh chóng được tổ chức, mảng kinh doanh trực tuyến và chăm sóc khách hàng được nâng cấp toàn diện. Bộ phận sản phẩm tour du lịch trong nước cũng đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, mới mẻ hơn để phục vụ nhu cầu du lịch trong nước.
Nhằm khôi phục ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021, các chuyên gia cũng đưa ra đề xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp, sở, ngành thành phố cần có giải pháp tổ chức cụ thể chương trình liên kết giữa hàng không, đường sắt và vận tải đường bộ, đơn vị cung ứng dịch vụ, đơn vị lữ hành và khách sạn, điểm mua sắm... để triển khai gói kích cầu quy mô lớn, phạm vi cả nước, với sản phẩm, dịch vụ có chính sách giá tốt thu hút du khách.
Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phải nỗ lực hơn nữa trong đa dạng và đổi mới phương thức truyền thông, đưa công nghệ số vào việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đặc biệt là khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ bán hàng để mỗi sản phẩm được đưa đến khách hàng được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh riêng biệt, mang nét đặc trưng của từng điểm đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những liên kết vùng đã triển khai như Thành phố Hồ Chí Minh - 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh - miền Đông Nam Bộ... Thành phố Hồ Chí Minh nên phát huy hơn nữa vai trò đầu mối triển khai thêm những liên kết mới như Thành phố Hồ Chí Minh – Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh – Bắc Trung Bộ... từ đó hình thành thêm sản phẩm tour du lịch đa dạng, đảm bảo tiêu chí an toàn thu hút khách đến và đi từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài cuối: Đa đạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu du khách
Mỹ Phương - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất