Nan giải xóa điểm đen ùn tắc giao thông Hà Nội (Bài 1): 'Điểm mặt' thủ phạm gây ùn tắc

24/10/2015 13:35 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng ùn tắc giao thông đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô mỗi khi ra đường vào giờ cao điểm. Lưu lượng giao thông tăng đột biến khiến các nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, cầu vượt Ngã Tư Sở, các tuyến đường Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng… biến thành những “nút thắt cổ chai” chật cứng người và phương tiện, gây ùn tắc trầm trọng.

Cảnh ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân, tạo nên bức tranh ảm đạm của giao thông Thủ đô.

"Thủ phạm" mới làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông vốn như một "căn bệnh kinh niên" ở Thủ đô Hà Nội chính là công trường thi công các công trình giao thông trọng điểm.

Điểm mặt

Điểm mặt những "thủ phạm" gây ùn tắc giao thông, tại cuộc họp với các chủ đầu tư và nhà thầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cho Hà Nội ngày 22/10, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân đã chỉ rõ các điểm gây ách tắc nhất trên địa bàn hiện nay là 7 cụm công trình giao thông lớn đang thi công gồm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, hầm chui đường 5 kéo dài, nút giao trung tâm Long Biên…

Trong các tuyến đường trên, hai tuyến đường sắt đô thị và các điểm thi công nhỏ thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, dự án đường vành đai 2 và gần 1.000 họng nước cứu hỏa. “Thời gian này có thể coi Hà Nội như một đại công trường.


Hàng nghìn phương tiện giao thông chen chúc nhau trên đường phố. Ảnh: TTXVN

Phát triển hiện đại công trình hạ tầng giao thông, đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân nên rất cần sự chia sẻ của người dân. Để giải quyết ùn tắc giao thông tại khu vực công trường, yêu cầu số 1 đối với nhà thầu là làm đến đâu phải thu hẹp công trường đến đó. Nhà thầu phải đảm bảo an toàn cho người dân đi lại”, ông Tân nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn thành phố có 11 công trình lớn, thi công kéo dài với 27 điểm rào chắn thu hẹp mặt đường tạo ra các điểm thắt nút gây nguy cơ ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, nhất là 2 tuyến thi công đường sắt Nhổn – ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông.

Ngoài ra, tại các dự án giao thông khác như nâng cấp mở rộng đường vành đai 2, dự án buýt nhanh BRT, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, nút giao trung tâm quận Long Biên, hầm chui Trung Hòa, Thanh Xuân, cải tạo nút giao quốc lộ 5 cũng phát sinh các điểm ùn tắc do rào chắn công trường.

Tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy (cửa ngõ phía Tây Thủ đô) vốn là một trong những "điểm đen" về ùn tắc giao thông từ trước tới nay và tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng khi đơn vị thi công rào chắn để thi công hai dự án chạy qua là cầu vượt vành đai 2 và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Ngay đoạn đầu Cầu Giấy đường thành "nút thắt cổ chai", còn đoạn từ ngã ba Chùa Hà đến ngã ba Trần Đăng Ninh bị rào chắn chiếm một nửa đường. Lưu lượng phương tiện qua lại trên tuyến đường này rất đông nên tình trạng ùn tắc diễn ra càng thường xuyên do lòng đường bị rào chắn thu hẹp.

Chị Minh Yên (nhà ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thường xuyên phải đi lại qua con đường này phàn nàn: "Tôi không hiểu lắm về quy trình thi công các loại cầu, đường nhưng thấy rằng, công trình trọng điểm, cần tiến độ nhanh nhưng hàng ngày đi làm qua các đoạn công trình đó thì thấy lượng lao động rất ít và họ làm rất chậm rãi... Mà vào các giờ cao điểm ùn tắc giao thông nhà thầu cần tăng cường người để đảm bảo giao thông chứ cảnh sát giao thông làm gì có đủ lực lượng mà bố trí giúp họ".


Lực lượng CSGT vất vả điều tiết giao thông. Ảnh: TTXVN

Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của các nhà thầu làm tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng, đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố nêu rõ, hầu hết các dự án giao thông trên đều triển khai chậm tiến độ, việc rào chắn thi công kéo dài, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn giao thông, an toàn lao động và vệ sinh môi trường như rào chắn quá diện tích, quá thời gian; phần đường còn lại để lưu thông không được cải tạo êm thuận, bằng phẳng; thiếu hệ thống vạch sơn, biển báo, đèn cảnh báo, đèn chiếu sáng và đặc biệt không có nhân viên hướng dẫn giao thông 24/24 giờ tại các điểm rào chắn.

Vẫn là tiến độ các dự án

Nhằm tìm các giải pháp cấp bách giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn, Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội đã có những động thái quyết liệt đối với việc thi công tại các công trường gây ách tắc giao thông.

Theo đó, kiên quyết xử lý các nhà thầu thi công chậm tiến độ cũng như các chủ đầu tư dự án chậm tiến độ gây ùn tắc giao thông. Qua đó đã tạo chuyển biến, một số nhà thầu đã điều chỉnh thời gian thi công, rào chắn để hạn chế ùn tắc giao thông.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau khi có thông báo của Sở Giao thông Vận tải yêu cầu nhà thầu tăng cường các biện pháp đảm bảo giao thông, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tăng cường cảnh báo, biển báo, đồng thời tập trung thiết bị thi công trên tuyến.

Thi công xong đến đâu tháo dỡ rào chắn đến đó, dự kiến trong tháng 11 và tháng 12 sẽ tháo dỡ khoảng 400 m rào chắn thi công tuyến đường sắt trên cao, hoàn trả đường để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ông Hoàng cũng giải thích, sở dĩ có đoạn công trường không thấy công nhân thi công là do phải chờ để tuân thủ quy trình kỹ thuật.

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông do rào chắn công trường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho biết, Sở Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu cam kết thi công xong đến đâu tháo dỡ rào chắn ngay đến đó, để hoàn trả mặt đường phục vụ giao thông.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu liên ngành rà soát, thống kê, phân loại đường, nút giao thông để đề xuất các biện pháp tổ chức điều hành giao thông cho phù hợp. Đồng thời phối hợp, đôn đốc chủ đầu tư các dự án trọng điểm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo đưa công trình vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư theo đúng tiến độ và thiết kế được duyệt.

Theo dự kiến cuối năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành các công trình như hầm chui Thanh Xuân, hầm chui Trung Hòa, nút giao Trung tâm Quận Long Biên, vành đai 2 (đoạn Bưởi - Đào Tấn), vành đai 2 (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng), vành đai 1 (Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái), đường 5 mới (Hà Nội - Hải phòng), Quốc lộ 1B, đường 5 kéo dài - Võ Văn Kiệt, dự án Thoát nước giai đoạn 2.

Bài 2: Chống ùn tắc cần bắt đầu từ ý thức

Tuyết Mai (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm