Năm gà nói chuyện gà trống Gaulois: 'chân dẫm phân vẫn gáy bình minh'

28/01/2017 19:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Gà trống là con vật tượng trưng của Pháp, còn gọi là gà trống Gaulois. Gaulois chỉ dân tộc Pháp xưa. Gà trống là con vật duy nhất gáy báo hiệu bình minh, một ngày bắt đầu.

Khi gáy, gà kiêu hãnh, ngẩng đầu sẵn sàng chiến đấu. Tiếng gáy của nó vang lên trong không gian. Nhiều vị thần trong thần thoại Hy Lạp gắn với hình tượng gà trống: Jupiter, Mars, Apollon…

Thời Phục hưng, rồi đến thời kỳ Ánh sáng, văn hóa thịnh vượng đua nở, gà trống bắt đầu xuất hiện trong các biểu tượng Pháp. Nhưng gà trống chỉ thực sự thành biểu tượng chính thức khi được cuộc Cách mạng Pháp 1789 dùng để đón chào thế kỷ mới: thế kỷ Ánh sáng.


Hình ảnh gà trống trên cổng Cung điện Elysée nổi tiếng của Pháp

Napoléon đã cho bỏ hình tượng con ó, thay bằng gà trống kiêu hãnh. Từ “gáy” trong tiếng Pháp còn dùng chung động từ “hát”. Vì vậy, những người lính đi chiến trường đều hát trước lúc ra trận và đem theo biểu tượng gà trống.

Gà trống có mặt ở khắp nơi trên nước Pháp. Trong các tượng đài kỷ niệm, tòa thị chính, nhất là trên nóc các nhà thờ Pháp thường có con gà trống. Nhà thờ trước kia là một thế lực mạnh ở nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Đà Lạt - một đô thị kiến trúc Pháp trên cao nguyên Lâm Viên - được coi là một “tiểu Paris” của Việt Nam, có nhà thờ Con gà với điêu khắc gà trống trên đỉnh.

Gà trống cũng là một hình tượng được Hội Tam Điểm dùng, vì báo ánh sáng cho một ngày mới sau khi màn đêm đã hết. Trong điện ảnh Pháp cũng lấy hình gà trống. Là hình tượng cho thể thao Pháp từ năm 1909: khỏe, dũng cảm, gà trống chính thức đăng ký thương hiệu trang phục thể thao nổi tiếng ở Pháp từ 1951.

Thời kỳ hoàng kim mênh mông thuộc địa Pháp, gà trống cũng là biểu tượng trên các tượng đài lớn khi triển lãm về Đông Dương.

“Gà trống Gaulois” thất trận Điện Biên Phủ, nhưng di tích lịch sử vẫn được giữ để con cháu hiểu thêm về chiến tranh, thuộc địa, con người Pháp. Khi người ta nói nước Pháp đang suy yếu hay thua, thường giễu: “Gà trống Gaulois hết gáy”.



Gà trống trên nhà thờ Bissert (Bas-Rhin) Alsace

Gà trống được vinh danh ở Pháp. Nhưng người Pháp không mê tín và cuồng tín. Dù các nhà thờ, cung điện có biểu tượng gà trống, gà là một đặc sản truyền thống của Pháp vào dịp lễ Noel, đón năm mới.

Yêu gà nhưng gà vẫn lên bàn ăn, vì thế nhiều họa sĩ biếm họa chú gà trống Gaulois. Có họa sĩ vẽ tranh đùa con gà trống Pháp say rượu vang. Vì tên món ăn là gà trống trong rượu vang (Coq au vin). Vậy là gà say sưa đón năm mới.

Ngoài ra, gà trống còn in trên các đặc sản để khẳng định sản phẩm chính hiệu Pháp với hương vị Pháp 100%. Rượu nho, phô-mai (fromage) Pháp là sản phẩm lừng danh thế giới, nên kèm theo hình gà trống để khác với rượu nho, phô-mai nước khác.


Gà trống in trên tiền của Pháp với hàng chữ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”

Ở nước Pháp, gà trống thuần túy chỉ là biểu tượng, người ta không cúi lạy thờ gà như dân Ấn Độ thờ bò giữa đường. Trong các trại gà, nông dân Pháp cũng không kiêng kỵ. Để năng suất cao, gà trống choai đều có tuổi thọ non, vì không đem lợi nhuận, không đẻ trứng. Người ta chỉ giữ giống vài con khỏe, còn tất cả đem bán thịt ra thị trường gọi là gà tơ choai.

Năm nay 2017 gọi là năm Gà (Đinh Dậu) theo chu kỳ 12 con giáp. Một năm mới đến, gà đem lại may mắn gì, không ai biết hết, nhưng ai cũng hy vọng. Và chắc chắn, đón năm mới, nhiều gia đình ở Việt Nam cúng gà trống. Trên mâm cưới, cỗ, tiệc đều bày món gà giống như nước Pháp. Vậy 12 con giáp chẳng qua để phân biệt năm. Mê tín tuổi gà, có ai kiêng gà bao giờ đâu.


Di tích tượng đài với chú gà đứng trên quả địa cầu trong triển lãm thuộc địa 1908.

Tiếng Việt có thành ngữ: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, để chỉ sự ganh tị nhau trong đời sống loài người.

Thành ngữ Pháp lại có câu: “Gà gáy hay không, trời vẫn sáng”, với ý có tiếng gáy của gà không cũng không quan trọng, vì quả đất vẫn quay và mặt trời vẫn dậy, nhằm khuyên đừng mê tín, đừng cho mình là quan trọng nhất cuộc đời.

Đón năm mới là đón bình minh buổi sáng, không phải chờ tiếng gà gáy hay chờ ai thức dậy. Hãy làm việc vui vẻ trong cả năm dù năm gà, hay rồng, trâu cũng thế. Đó là hạnh phúc chào năm mới của người Pháp.

Ở phương Tây, hài hước là một nét tính cách hấp dẫn, được yêu chuộng. Sự hài hước đem lại niềm vui cho tất cả. Colluche (1944-1986) - nhà hài hước nổi tiếng Pháp và một trong những sáng lập viên những quán ăn nhân ái đầu tiên ở Pháp đã nói câu đùa nổi tiếng: Nước Pháp sở dĩ chọn gà trống làm hình tượng vì đó là con vật duy nhất chân dẫm phân vẫn gáy (hát) khi bình minh.

TS Trần Thu Dung (Paris)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm