Mỗi ngày, hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ Công an tham gia mặt trận chống dịch

10/04/2020 15:20 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Lực lượng Công an mỗi ngày phải huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia chống dịch COVID-19, nhất là làm việc tại tuyến đầu. Do vậy, mỗi ngày sẽ có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ Công an có nguy cơ bị lây nhiễm dịch trong bất cứ lúc nào.

Giám đốc Công an Hà Nội trực tiếp kiểm tra chốt trực giám sát cách ly xã hội dịch COVID-19

Giám đốc Công an Hà Nội trực tiếp kiểm tra chốt trực giám sát cách ly xã hội dịch COVID-19

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Bí Thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội cùng chỉ huy một số đơn vị chức năng thuộc CATP Hà Nội đã đi kiểm tra, động viên CBCS làm nhiệm vụ tại một số điểm chốt ứng trực trên các tuyến quốc lộ, cửa ngõ ra vào thành phố, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương vừa tiếp tục triển khai nghiêm các phương án, thực hiện "rà từng ngõ, gõ từng nhà" để phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, tăng cường các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm.

Đây là thông tin Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19. Hội nghị diễn ra sáng 10/4 tại Hà Nội.

Những tác động của dịch đến an ninh, trật tự

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tác động toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, trong đó tác động công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm phân tích, dịch tác động đến nhiệm vụ chính trị - xã hội, an ninh quốc gia và đối ngoại. Điều này rất rõ trong năm 2020, Việt Nam giữ vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Chủ tịch ASEAN 2020. Song, các hoạt động đều phải giãn ra ảnh hưởng đến công tác chính trị, ngoại giao. Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch, phản động gia tăng tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá, nếu không sớm kiểm soát dịch bệnh, sẽ làm gia tăng tâm lý bất ổn, hỗn loạn trong xã hội, tiềm ẩn "điểm nóng" về an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến ổn định chính trị, xã hội.

Chú thích ảnh
Chủ phương tiện kê khai thông tin tại chốt kiểm soát phía Bắc cầu Chương Dương hướng vào nội thành. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN

Dịch tác động đến kinh tế, an ninh kinh tế, khiến nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng toàn cầu sẽ tác động tiêu cực lên tăng trưởng của Việt Nam, nhất là nền kinh tế của đất nước có độ mở lớn. Dịch cũng tác động đến công tác quản lý xuất, nhập cảnh quản lý biên giới, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý cư trú của người nước ngoài.

Lợi dụng dịch bệnh, nhiều đối tượng thiết lập các website giả mạo tiến hành nhiều thủ đoạn nhằm đánh cắp thông tin tài khoản khách hàng để chiếm đoạt tiền, dẫn đến tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động trên không gian mạng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến quá trình giao dịch, an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thông tin, tuyên truyền sai sự thật liên quan đến bệnh dịch để gây tâm lý bất an, hoang mang dư luận, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Dịch cũng tác động lĩnh vực kinh tế, việc làm, thu nhập, nảy sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự, tình trạng các cá nhân, tổ chức có hành vi găm hàng, vật tư y tế, đẩy giá lên cao để trục lợi...

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông hướng dẫn phương tiện dừng xe kiểm soát khi vào nội đô. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Duy trì an toàn xã hội rất quan trọng

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong bối cảnh dịch, tình hình tội phạm có thể sẽ có tác động,  diễn biến phức tạp, nhất là số đối tượng chống đối không thực hiện các quy định pháp luật, quy định về phòng, chống dịch. Tội phạm hình sự như: cướp giật tài sản, giết người cướp tài sản, gây rối, buôn lậu, sản xuất hàng giả nhất là hàng hóa liên quan đến phòng, chống dịch bệnh; hoạt động đầu cơ, nâng giá, trực lợi các vật tư thiết bị y tế... gia tăng.

Do đó, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, việc duy trì xã hội ổn định, đảm bảo an sinh xã hội để dập dịch, đồng thời đấu tranh trấn áp các loại tội phạm phục vụ phát triển kinh tế là rất quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phương án công tác Công an ứng phó với các cấp độ chống dịch. Bộ Công an đã ra các Công điện, mệnh lệnh công tác về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu tổ chức tốt công tác nắm tình hình, chủ động dự báo những tác động của dịch COVID-19 và hậu COVID-19 đến các vấn đề kinh tế, đời sống, an sinh xã hội có thể phát sinh những phức tạp về tội phạm và trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, lĩnh vực để có các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu lực lượng Công an phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án cùng cấp lựa chọn một số vụ án điểm thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe vi phạm.

Xuân Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm