Đã 'quét' qua xác MH370 mà không biết?

04/07/2015 05:06 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Không khí sốt ruột và bực dọc đang ngày càng tăng lên, vì cuộc tìm kiếm tốn kém mà không đem lại kết quả quanh chiếc máy bay bị mất tích mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines. Giới chuyên gia đã bắt đầu chất vấn năng lực của công ty Hà Lan được giao trách nhiệm tìm kiếm.

Họ thậm chí còn đặt ra tình huống có phải đội ngũ tìm kiếm đã bỏ qua xác chiếc máy bay và không thể phát hiện?

Giao trọng trách cho một công ty "non kinh nghiệm"

Họ nghi ngờ công ty tìm kiếm đã sử dụng trang thiết bị không phù hợp, có kỹ năng tồi và chỉ quan tâm tới tốc độ xử lý công việc thay vì tìm kiếm thật cẩn thận, nhằm tìm ra chiếc máy bay mất tích trong ngày 8/3 năm ngoái, cùng 239 hành khách trên khoang.

"Tôi thấy thật kỳ khi người ta thuê một công ty không có trang thiết bị, không có bề dày thành tích để thực hiện cuộc tìm kiếm" - Steven Saint Amour, một chuyên gia trục vớt máy bay ở Annapolis, Maryland (Mỹ), nhận xét về Fugro Survey Pty. Ltd, công ty Hà Lan được giao trách nhiệm truy tìm dấu vết MH370 dưới đáy biển.


Một số hình ảnh đáy biển ở khu vực tìm kiếm MH370, được tàu kéo thiết bị sonar của Fugro ghi lại

Fugro thực tế đã có thành tích. Công ty đã phát hiện xác của một tàu buôn có từ thế kỷ 19, nằm sâu dưới 3.900 mét nước. Theo quan chức Fugro là Paul Kennedy, việc tìm MH370 sẽ diễn ra thuận lợi, bởi mảnh vỡ của chiếc máy bay được cho là lớn hơn khoảng 10 lần mảnh vỡ của con tàu đắm kể trên.

Kennedy, người có 2 thập kỷ kinh nghiệm trong việc điều khiển các thiết bị dò đáy biển bằng sonar, đã bác bỏ các chỉ trích nhằm vào công ty. Ông cũng khẳng định phương thức tìm kiếm của công ty không có vấn đề gì và thiết bị của công ty là đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

 "Tôi không quan tâm nhiều tới những lời cáo buộc đó. Tôi chỉ tiếp tục làm công việc của mình" - ông nói.

Một số nhà phê bình nói rằng Fugro có thể đã bỏ lỡ chiếc máy bay vì các tàu tìm kiếm của họ đã sử dụng sai một thiết bị sonar dùng sóng 75Hz. Thiết bị này đã được dùng để "quét" một hành lang tìm kiếm rộng tới 2.000 mét, với chiều sâu khoảng 4.000 mét. Tuy nhiên một số chuyên gia nói rằng chiều rộng như vậy là quá lớn, vượt ngoài khả năng xác định chính xác của sonar. Nguyên nhân do tín hiệu càng phải di chuyển trên một quãng đường lớn thì hình ảnh sonar thu được càng tồi.

Các hình ảnh sẽ không bị suy giảm nếu Fugro sử dụng thiết bị hiện đại hơn có tên Sonar khẩu độ tổng hợp (SAS). Đã có nhiều lời kêu gọi sử dụng SAS, nhưng Kennedy lại nói rằng đây là một công nghệ đang phát triển, có nhiều dấu hỏi về độ tin cậy.

Bởi phải tìm kiếm trong một khu vực hẻo lánh, xa xôi nên Fugro lựa chọn việc sử dụng các công nghệ đã được chứng minh, sẵn thiết bị thay thế trong tình huống có hỏng hóc. Giới chức Australia hiện đồng tình với quan điểm rằng bề rộng của hành lang quét sonar không quá lớn và thiết bị đã được kiểm tra kỹ trong suốt quả trình thử nghiệm trên biển.


Tàu tìm kiếm của công ty Fugro

Đã bỏ qua xác máy bay?

Ngoài ra đã có lời kêu gọi Australia, nơi lãnh đạo cuộc tìm kiếm MH370, công bố thông tin sonar thô hoặc chuyển dữ liệu cho một bên giám sát độc lập, để đảm bảo không có gì bị bỏ sót.

Tuy nhiên giới chức chính quyền đã bác bỏ điều này, nói rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý, phân tích dữ liệu để công chúng có thể hiểu được. Việc này sẽ khiến hoạt động tìm kiếm bị xao lãng, chậm trễ không mong muốn.

Nếu Fugro không phát hiện được gì, hoạt động tìm kiếm sẽ kết thúc vào năm tới, sau khi công ty đã rà soát một khu vực rộng tới 120.000 km2. Nhưng theo cảnh báo của Mike Williamson, Chủ tịch công ty Williamson & Associates chuyên về tìm xác tàu và máy bay đắm, việc phát hiện bất kỳ sai lầm nào sau khi hoạt động tìm kiếm kết thúc cũng có thể là quá muộn.

"Nếu Fugro không tìm kiếm cẩn thận, mọi điều họ đã làm trong 14 tháng qua là vô ích. Người ta sẽ phải rà soát lại" - Williamson nói. Một số chuyên gia tin rằng mọi khu vực cần phải được tìm kiếm tới 2 lần, trước khi người ta có thể tuyên bố dưới đáy biển không có xác máy bay.  

Theo các nhà phê bình, hình ảnh sonar do Australia công bố có nhiều bóng tối - những khu vực tín hiệu sonar không thể đi tới do bị núi hoặc vật cản chắn. Các bóng tối này đủ lớn để che giấu một bãi mảnh vỡ, như đã xuất hiện trong vụ rơi chiếc máy bay Air France số hiệu AF 447 ở Đại Tây Dương hồi năm 2009.

Cho tới trước vụ MH370, việc tìm kiếm AF 447 mang tới thách thức lớn nhất mà con người từng đối mặt, khi xử lý hậu quả một vụ rơi máy bay. David Gallo, người lãnh đạo cuộc tìm kiếm AF 447, nói rằng ông phải chịu sức ép khổng lồ từ các nhà phê bình, các gia đình nạn nhân và giới chức chính quyền. Ông cho biết cảm giác chung là "rất nản". Thậm chí, chính những người tìm kiếm cũng nghi ngờ vào khả năng thành công.

Một đội tìm kiếm quốc tế đã phân tích các tín hiệu mà MH370 để lại trước khi biến mất, kết hợp với dữ liệu thu từ vệ tinh, và cho rằng, nó có thể đã rơi xuống nơi nào đó trong một khu vực đáy biển rộng tới 60.000 km2. Các tàu tìm kiếm thường phải mất 1 tuần để tới khu vực tìm kiếm hiện nay, nằm cách xa cảng Fremantle của Australia.

Nếu Fugro ra về trắng tay, nhiều khả năng chiếc máy bay không rơi xuống khu vực người ta đã quy hoạch tìm kiếm. Nhưng cũng có khả năng lực lượng tìm kiếm đã lướt qua xác máy bay mà không biết.

Chị Danica Weeks, một người New Zealand có chồng đi trên MH370, hiện hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động tìm kiếm của Fugro. Nhưng chị cũng muốn người ta xem xét lại dữ liệu đã thu được để đề phòng có manh mối quan trọng nào đó bị bỏ lỡ. "Tôi đang ngày càng mất dần niềm tin. Tôi nghĩ bất kỳ ai ở trong tình huống giống mình cũng đều thế cả" - chị buồn rầu cho biết.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm