06/06/2018 15:58 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, ngày 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có 61 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, mang tính xây dựng cao. Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, xác định rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và đưa ra giải pháp, lộ trình thực hiện. Nhiều đại biểu đã tranh luận với Bộ trưởng, làm rõ các vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách về giáo dục đào tạo, trong đó quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh lộ trình triển khai đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đại học; thu hút thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào giáo dục đào tạo; quy hoạch lại hệ thống đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm... để đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo thời kỳ mới.
Chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế
Tham gia phát biểu giải trình về vấn đề hợp đồng đối với giáo viên, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, vừa qua nhiều địa phương và các cơ sở giáo dục công lập thực hiện số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn, có những đơn vị biên chế được giao chưa sử dụng hết, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện cho được hợp đồng.
Do đó, trong Nghị quyết 19 vừa rồi và trong Nghị quyết 08 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19 đã nêu rất rõ là chấm dứt tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Việc rà soát, sắp xếp lại phải thực hiện ngay trong năm 2018.
Để thực hiện nghiêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị các địa phương, các cơ sở giáo dục công lập phải rà soát lại biên chế được giao và đánh giá về năng lực đối với các giáo viên thực hiện hợp đồng trong thời gian vừa qua.
Đối với Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị phải có quy định để gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục, tức là những người ưu tiên làm chuyên môn, nghiệp vụ phải chiếm tỷ lệ trên 65%. Hiện nay làm công tác hành chính, quản lý chuyên môn chiếm tỷ lệ còn khá lớn.
Cân đối lại số biên chế được giao
Nếu những nơi nào còn thiếu thì chúng ta phải tuyển ngay để đáp ứng được yêu cầu, không thể để cho học sinh không có giáo viên dạy và cân đối trong số biên chế đã được giao.
Bộ trưởng Nội vụ đề nghị phải sắp xếp và tính toán lại định mức trong các trường đối với số lớp trong trường, số giờ dạy của giáo viên. Tính toán lại tất cả định mức này để cân đối lại trong số giáo viên, số biên chế được giao trong thời gian vừa qua.
Đối với những trường hợp tuyển dụng viên chức thừa so với được giao thì giao cho các địa phương phải rà soát và phải bố trí giải quyết công việc cho những giáo viên này trước và sau đó nếu trường hợp không được thì chúng ta sẽ thực hiện tinh giản biên chế.
Đối với những địa phương tăng dân số cơ học, không thể cân đối được cần xem xét, bổ sung biên chế, tránh trường hợp thiếu giáo viên hoặc thiếu người phục vụ trong các trường học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cũng giải trình một số vấn đề liên quan đến biên chế giáo viên mầm non; chính sách đối với giáo viên mầm non…
Sẽ quy định cụ thể về giáo dục hướng nghiệp
Đầu giờ sáng đã có 63 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung; Nguyễn Văn Thân, Đào Tú Hoa,... chất vấn về vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục chất lượng cao; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...
Về vấn đề phân luồng, Bộ trưởng cho rằng đây không phải là vấn đề mới, Trung ương đã chỉ đạo nhiều, nhưng kết quả thực hiện chưa đạt như mong đợi, nguyên nhân thì có nhiều nhưng cốt lõi là do chương trình giáo dục chưa rõ nét trong quy định về hướng nghiệp và phân luồng; hiện cơ quan chức năng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về phân luồng, trong đó trong chương trình phổ thông có quy định về giáo dục hướng nghiệp, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực làm công tác hướng nghiệp nhằm khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, trong thiết kế chương trình phổ thông phải quán triệt tinh thần là lồng ghép thông tin về cuộc Cách mạng 4.0 vào kiến thức lý thuyết để các em ngay trên ghế nhà trường đã nắm được thông tin thực tiễn; đồng thời tạo đam mê, động lực cho học sinh với nghề nghiệp tương lai,...
Làm gì để ngăn chặn tình trạng sinh viên thất nghiệp?
Trả lời chất vấn của đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) về tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, gây bức xúc cho dư luận và nhân dân. Bộ trưởng cho rằng, để giải quyết căn cơ tình trạng thất nghiệp phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.
Theo đó, “chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường”, phải có sự phối hợp giữa đào tạo với thị trường lao động, nâng cao chất lượng, đào tạo theo vị trí.
Bộ trưởng cho biết, vừa rồi, Bộ đã ban hành quy chế cho một số ngành như công nghệ thông tin và du lịch, đào tạo gắn liền với thị trường lao động. Qua đó, mở rộng và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình khác nhau của quá trình đào tạo.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Các trường phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình trước yêu cầu của thị trường lao động và trước người học; “tránh tình trạng khi tuyển sinh thì hứa hẹn rất nhiều, nhưng khi học xong thì không có trách nhiệm gì”.
Về phía Bộ, sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát “mặc dù trường tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa muốn mở ngành nào thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng khẳng định và cho biết “tăng hậu kiểm, không nặng về tiền kiểm như trước”, đồng thời công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, dùng thông tin dư luận để điều chế lại các trường tuyển sinh cũng như đào tạo chất lượng không tốt.
Thu hút đầu tư giáo dục chất lượng cao
Về giáo dục chất lượng cao, Bộ GDĐT đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao; theo đó ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học; tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này...
Về tiến độ đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần có thời gian thực hiện, trong nhiệm kỳ của mình Bộ trưởng cố gắng hoàn thiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của các cơ sở đào tạo;...
Sáp nhập, giải thể các trường ĐH kém hiệu quả
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) chất vấn: Các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.
Về nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các địa phương, cơ quan liên quan hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Cách đây 5, 7 năm công tác này rất hiệu quả. Nhưng gần đây hoạt động này có vấn đề, vì nhiều người đi học về không bố trí được việc làm.
Bộ đã tiến hành khảo sát tại các vùng khó khăn, vùng 30a,... phương hướng sắp tới là phải gắn trách nhiệm của địa phương đối với các đối tượng cử tuyển.
Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ
Về giáo dục mầm non, Bộ trưởng cho biết hiện chúng ta có hơn 15.000 cơ sở giáo dục mầm non, về cơ bản các cô yêu nghề, yêu trẻ.
Theo Bộ trưởng, những chuyện bạo hành trẻ gây bức xúc xã hội thời gian qua chủ yếu xảy ra ở các nhóm trẻ, cơ sở tư thục... Việc bạo hành trẻ là không thể chấp nhận được, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Tinh thần của Bộ là xử lý nghiêm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những người bạo hành trẻ, những giáo viên yếu kém về phẩm chất, năng lực, đình chỉ hoặc đóng cửa các cơ sở sai phạm, không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Về căn cơ là phải triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên mầm non, xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non chuyên nghiệp, đi kèm với nâng cao cơ chế đãi ngộ để các cô yên tâm gắn bó với nghề,...
Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) về giải pháp đảm bảo nơi giữ trẻ an toàn, nhất là cho con em người lao động từ 6 tháng đến 5 tuổi (các cơ sở giáo dục mầm non công lập chỉ nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định “chúng tôi rất quan tâm đến đối tượng này, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Bộ trưởng cho biết tới đây, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ có những chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ nhà trẻ tư thục, để làm sao thực hiện tốt công tác chăm sóc, đặc biệt đối với trẻ cho những đối tượng khó khăn, tránh những hiện tượng đáng tiếc.
Không để "con sâu làm rầu nồi canh"
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu quan điểm: Thời gian qua, các thầy cô đều mẫu mực, nhưng cũng có những trường hợp gây bức xúc, như cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng, hoặc phải quỳ hàng tiếng trên bục giảng... Những hiện tượng này có phải do thầy cô chịu quá nhiều áp lực nên có hành xử không phù hợp không, Bộ trưởng có giải pháp nào? Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn hỏi.
Đối với hiện tượng xuống cấp đạo đức của một bộ phận thầy cô, Bộ trưởng nhấn mạnh: Các thầy cô nhìn chung đều yêu trường, mến trẻ, nhưng xuất hiện một số giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến trường, mà còn ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục.
Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, truyền thông..., trong đó có nguyên nhân đến từ ngành, vì tuyển chọn chưa sát sao nên có tuyển thầy cô kém năng lực, bộc phát. “Số báo chí đưa ra chưa hết, thực tế còn nữa”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, sự lên án của xã hội, báo chí đối với hành vi phi nhân tính đã cảnh tỉnh với thầy cô này, là cảnh tỉnh trách nhiệm của trường.
“Tất nhiên, một cô giáo cả kỳ không nói từ nào thì Hội đồng sư phạm, Hội đồng trường phải xem xét trách nhiệm của mình”. Những hiện tượng này có một phần vì áp lực. “Cộng đồng giáo viên gần đây chịu áp lực lớn và tôi thường xuyên động viên các thày cô”. Nêu thực tế này, song Bộ trưởng cũng chỉ rõ: “Chúng ta phải minh bạch, không vì thiểu số mà đánh đồng, cũng như phải kiên quyết không để “một con sâu làm rầu nồi canh”.
Dù nhận định vậy, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, giải pháp khắc phục là “đưa vào trong chương trình đào tạo môn giáo dục đạo đức”. Thực tế “khi đưa môn giáo dục công dân - đạo đức vào chương trình thi, học sinh đã đăng ký, quan tâm nhiều hơn”, Bộ trưởng tổng kết.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng cho biết “sẽ nhấn mạnh về giáo dục công dân, đào tạo con người”, đồng thời khẳng định, “gốc của vấn đề là đào tạo giáo viên”. Với tư cách tư lệnh ngành GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng “xin nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng”.
Địa phương phải vào cuộc
Bộ trưởng cho biết, để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, về khung khổ pháp luật cơ bản chúng ta đã có, vấn đề là ở khâu tổ chức thực hiện. Bộ trưởng đề nghị các bộ có liên quan và địa phương tăng cường giám sát các cơ sở giữ trẻ tư thục.
Các tổ chức chính trị - xã hội như phụ nữ, mặt trận, và đặc biệt chính quyền phường xã phải vào cuộc giám sát, cùng đồng hành với ngành giáo dục trên tinh thần phòng ngừa là chính, phòng ngừa quan trọng hơn xử lý. Bên cạnh đó, Bộ trưởng mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ về điều kiện cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên đủ số lượng, chất lượng để không tạo áp lực.
Liên quan đến vấn đề bạo hành trẻ, xuống cấp đạo đức của một số giáo viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Vừa qua dư luận rất bức xúc, tuy nhiên vấn đề xuống cấp đạo đức khá cá biệt. "Chúng ta đừng nhìn vào đó để đánh giá rằng các thế hệ nhà giáo chúng ta xuống cấp về đạo đức", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trường mầm non, tiểu học, THCS có địa chỉ cụ thể, tại đó có cộng đồng dân cư, chính quyền, các ban ngành đoàn thể để xảy ra những việc như vậy hiệu trưởng có biết hay không? Giáo viên có biết hay không? Chính quyền địa phương có biết hay không? Khi các phương tiện truyền thông lên tiếng, chúng ta mới biết và lên tiếng, xử lý.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trách nhiệm ở đây là của cả cộng đồng, hệ thống, chứ không chỉ riêng về trách nhiệm Bộ trưởng bộ GDĐT".
Cuối tháng 6 sẽ ban hành hệ thống chương trình học mới
Trả lời đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) về lộ trình triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện Bộ đã chỉ đạo thẩm định xong chương trình từng môn học và trong tháng 6 này sẽ quay về chương trình tổng thể. Như vậy, cuối tháng 6 sẽ ban hành hệ thống chương trình học mới.
Và để triển khai chương trình học mới, Bộ trước mắt sẽ tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt cán, trong đó chú trọng giáo viên cấp I, vì theo kế hoạch từ năm 2019 sẽ thực hiện với lớp 1, chương trình đào tạo mới thực hiện theo phương thức cuốn chiếu.
Khi xây dựng chương trình mới sẽ chú trọng vào xây dựng phương thức tổ chức hoạt động giáo dục, theo hướng lấy học trò làm trọng tâm, ứng dụng các phương thức tiến bộ để tăng tính chủ động của giáo viên, học sinh, qua đó nhằm khắc phục tính bị động, tăng kỹ năng cho học sinh.
Không chấp nhận “nợ chuẩn”, học lệch
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nêu hai vấn đề: Thực tế nhiều địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên xin được nợ chuẩn giáo dục; tình trạng học tủ, học lệch của học sinh và đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về vấn đề này?
Thừa nhận có thực tế “nhiều địa phương xin nợ chỉ tiêu để đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 2 chỉ tiêu liên quan đến GDĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Chúng tôi không đồng tình với việc cho nợ chuẩn để đạt chỉ tiêu nông thôn mới” và khẳng định “tới đây, khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới”.
Với tình trạng một số học sinh bỏ không học các môn không thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, “đúng là có thật”, cụ thể là hiện tượng học tủ, học lệch, bố mẹ muốn các con chỉ chú trọng môn thi.
Khẳng định không đồng tình với thực trạng này, Bộ trưởng lý giải: Giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện, chú trọng dạy con người, chứ không phải chú trọng môn thi. “Chúng tôi kiên quyết là để các cháu học toàn diện, không phải học để đi thi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu giơ biển tranh luận, đồng thời dẫn chứng: “Trường đạt chuẩn quốc gia không có gì là chuẩn cả. Sân trường tập trung các cháu mà chỉ mời mỗi lớp 5 cháu. Trường THCS nhưng bàn ghế là của tiểu học. Gia đình không chịu nổi phải bỏ tiền ra mua. Sau đó bàn ghế hỏng, nhà trường lại gọi phụ huynh đến sửa”.
Về hiện trạng các cháu bỏ môn không thi, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, Bộ trưởng mới trả lời được một vế. Liên quan đến vấn đề đạo đức xã hội, dư luận nhắc đến rất nhiều, trong đó có việc bố mẹ học sinh nộp tiền cho các cháu để cháu đạt chuẩn, được đi thi. “Thực trạng như vậy, học sinh sẽ nghĩ gì về thầy cô”, đại biểu hỏi.
Thừa nhận ngoài chuẩn nông thôn mới, còn nhiều cái chuẩn khác như chuẩn sĩ số lớp, sân chơi, Bộ trưởng lấy ví dụ: Ngay tại Hà Nội, cũng có trường hợp sĩ số lớp quá đông, không đạt chuẩn quốc gia. “Chúng tôi khẳng định lại, không chấp nhận nợ tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới”, Bộ trưởng nói.
Với tình trạng phụ huynh nộp tiền cho con em đạt chuẩn, được đi thi mà chính con em mình thấy được là không đúng, nhưng vẫn làm, Bộ trưởng “mong phụ huynh không có hành động này và xin hãy phối hợp cùng nhà trường, cùng Bộ để cùng có giải pháp hạn chế, ngăn chặn”.
Ngăn chặn "bệnh thành tích"
Về giải pháp ngăn chặn "bệnh thành tích", "lạm phát khen thưởng" trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, hiện nay vẫn còn phổ biến, tinh thần của Bộ là nói không với bệnh thành tích, tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa.
Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế khuyến khích người dạy, nhằm bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đích thực chất lượng giáo dục và năng lực thầy cô;...
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục tiến hành đổi mới công tác thi đua trong trường học theo hướng thi đua phải thiết thực, hiệu quả, tránh chạy theo bệnh thành tích;...
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông. Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập. Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Với tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, để khắc phục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Trong đó, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020; quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học; đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường...
Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo: Phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng và tập huấn cho giáo viên cách nhận diện và phòng ngừa những tình huống, nguy cơ có thể dẫn đến hành vi vi phạm đạo đức. Hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học khi có tình huống xảy ra.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra nền nếp, kỷ cương trường học. Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên, người lao động có hành vi vi phạm đạo đức, bạo hành thể chất, tinh thần học sinh và người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra các vụ việc vi phạm. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục...
Theo Thông tin Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất