Afghanistan phát cuồng vì 'siêu nhân một mình giết sáu'

28/06/2015 07:42 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Người lính ấy được ca ngợi là "siêu anh hùng", được các chính trị gia Afghanistan phủ lên người vô số món quà và phần thưởng bằng tiền mặt. Tuy nhiên, câu chuyện quanh kỳ tích “một mình giết sáu” kẻ tấn công tòa nhà Quốc hội Afghanistan của anh còn cho thấy nhiều mặt tối khác về đất nước này.

Từ một kẻ vô danh, Trung sĩ Essa Khan Laghmani, 28 tuổi, trở thành người hùng ở Afghanistan trong tuần này, sau khi lần lượt tiêu diệt những tay súng Taliban táo tợn dùng súng máy và lựu đạn tấn công tòa nhà Quốc hội.

Được tung hô lên tận mây xanh

Laghmani, một người lính dong dỏng cao nhưng rắn rỏi, đã kể lại với phóng viên hãng tin AFP về khoảnh khắc anh trở thành một hiện tượng mang tầm quốc gia. "Tôi chĩa súng về phía những gã khủng bố đó, nói Bismillah (nhân danh Thượng đế) và rồi "Taq Chapako!" - anh cho biết.

"Taq Chapako!" (thổ ngữ Dari có nghĩa "Đoàng, một tên bị hạ!") đã trở thành "thương hiệu" của Laghmani, sau khi anh nói câu này trong một số cuộc phỏng vấn trên truyền hình, cho thấy bản thân đã diệt mục tiêu rất nhẹ nhàng, giống như chúng chỉ là các con ky chờ bị quả bóng bowling lao trúng vậy.


Essa Khan Laghmani kể lại việc anh đã bắn hạ sáu tay súng Taliban ra sao, trong cuộc trao đổi cùng AFP

Kỳ tích của Laghmani đã khiến anh được tưởng thưởng. Tổng thống Ashraf Ghani tặng cho Laghmani một căn hộ có ba phòng ngủ. Cựu lãnh chúa Dostum biếu anh một chiếc xe bán tải. Một số nghị sĩ cũng cam kết sẽ tặng cho anh 1 tháng lương của họ, bên cạnh các món tiền khác để thể hiện sự cảm kích.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Các bức hình của Laghmani nhanh chóng xuất hiện quanh Kabul. Một tỉnh trưởng ở Afghanistan thậm chí còn đặt tên anh cho một con phố lớn. Thanh niên Afghanistan, ngưỡng mộ trước kỳ tích do Laghmani thực hiện, đã chế đề can có câu nói "Taq Chapako!" và tải nhiều bài thơ lên mạng xã hội, ca ngợi hành động anh hùng có một không hai của anh.

Một trong số các bài thơ "nổi" nhất có những dòng sau: "Những kẻ đánh bom liều chết lặng lẽ tìm tới mà không ai hay biết/ Nhưng Essa Khan đã ở đó chờ chúng/ Với tay lấy khẩu M-16, anh hạ chúng trong nháy mắt/ Taq Chapako! Taq Chapako!"

"Anh ấy giết sáu gã khủng bố bằng sáu viên đạn. Anh ấy cứu mạng các nghị sĩ" - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dawlat Waziri nói với hãng tin AFP - "Sự can đảm của anh ấy xứng đáng được ca ngợi, tôn vinh."


Thi thể của một trong số các tay súng Taliban bị tiêu diệt tại vụ tấn công tòa nhà Quốc hội hôm 22/6

Xây dựng anh hùng để che giấu tình hình bết bát

Nhưng các màn ca ngợi ấy diễn ra trong bối cảnh công chúng Afghanistan đang ngày càng tức giận trước một cuộc chiến kéo dài suốt 13 năm trời, gây tổn thất nặng nề cho thường dân.  

"Thông qua việc ca tụng quá mức Essa Khan, chính quyền Afghanistan đang cố che giấu sự bất lực, trong việc ngăn cản các vụ tấn công vào những mục tiêu quan trọng như thế ở thủ đô" - một người Afghanistan giấu tên viết trên Facebook - "Khan đã thành người giàu có. Chúng tôi thấy các nghị sĩ tặng anh ấy tiền mặt và lương của họ. Sự hỗ trợ này không phải để tôn vinh lòng yêu nước của anh ấy, mà chỉ để tưởng thưởng vì đã cứu mạng họ".

Giới chuyên gia đánh giá người Afghanistan hiện đang phải đối mặt với một mùa Hè đẫm máu nhất trong thập kỷ qua. Những tay súng Taliban cứng đầu đã mở rộng địa bàn hoạt động sang phía Bắc, vươn xa khỏi các cứ điểm truyền thống của chúng ở miền Nam Afghanistan.

Lực lượng an ninh Afghanistan, do phải trải rộng trên nhiều mặt trận và chịu thương vong nhiều, đang chật vật kiềm chế hoạt động của các chiến binh. "Chính quyền Afghanistan vô cùng thèm muốn có điều gì đó để tung hô - và có lẽ họ cần thứ gì đó, để khiến người dân bớt chú ý tới tình hình đáng sợ hiện nay" - Heather Barr thuộc Tổ chức Giám sát nhân quyền cho biết - "Họ đang nỗ lực tuyệt vọng nhằm nâng cao tinh thần của lực lượng an ninh."

Các nhà quan sát nói rằng việc Laghmani được tung hô, ngoài bàn tay tác động của chính quyền, cũng đã phản ánh cơn khát anh hùng của người dân. "Đất nước thèm khát những người hùng và quân nhân này đã được đón nhận nồng nhiệt vì l‎ý do đó" - Michael Kugelman, một chuyên gia về Afghanistan tại Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, cho biết.

Anh nói rằng thông qua Laghmani, Afghanistan còn cố chuyển tải một thông điệp cho các nhà viện trợ quốc tế còn đang ngờ vực. "Về cơ bản, Afghanistan đang nói rằng họ vẫn đáng để đầu tư, vì có trong tay những con người đủ khả năng xử l‎ý công việc" - Kugelman chia sẻ với AFP.

Nhưng việc chỉ mình Laghmani nhận nhiều phần thưởng và sự ca ngợi đã khiến các đồng đội của anh không khỏi ghen tức, do sự hy sinh của họ chẳng được ai để ‎ý, ghi nhận.

"Tôi đã ở cùng phòng với Laghmani, bắn nhiều viên đạn vào kẻ thù và bảo vệ Quốc hội như anh ấy" - một người lính nói với AFP - "Ngày nào cũng có lính Afghanistan chết và họ còn thực hiện các hành động anh hùng hơn. Phần lớn trong số họ chẳng được nhận món quà hay khoản tiền thưởng nào cả".

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm