World Cup trên từng cây số: 'Thua ư? Thua không có trong vốn từ của chúng tôi'

13/07/2014 18:55 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Hít một hơi dài, mắt trừng lên và sau đó nở một nụ cười hóm hỉnh, Fernando Mendoza cười đến rung cả cái bụng đầy mỡ, trông như đang ở tháng thứ sáu của phụ nữ có thai, và trả lời như thế, khi bỗng dưng tôi hỏi ông rằng, “điều gì sẽ xảy ra nếu Argentina không vô địch World Cup?”.

Mỡ chảy xèo xèo và mùi churrasco (thịt nướng) bốc lên thơm ngậy trên cái chảo to đùng mà Fernando và các bạn của ông mang theo. Một anh chàng mập mạp khác bận rộn chăm sóc những miếng thịt nằm khêu gợi trên đó. Trên cái bàn “dã chiến” đặt ngay bên cạnh là một bát salad to đùng mà Fernando đang trộn và một miếng thịt bò dễ đến hai cân mà Alfredo, một anh bạn khác của ông, đang chuẩn bị thái ra nướng tiếp. Đoàn của Fernando, 8 người cả thảy, đang chuẩn bị cho một bữa tiệc thịnh soạn sau khi đã di chuyển 500 cây số từ Sao Paulo sau trận Argentina đánh bại Hà Lan ở bán kết. Fernando bảo: “Chúng tôi không thể không ăn mừng. Vì nhiều nhẽ, chúng ta còn sống, còn yêu đời và Argentina đã vào chúng kết. Tại sao lại không thể vui nhỉ?”. Đám bạn của Fernando phá lên cười tán thưởng. Mùi churrasco lại bốc lên thơm nức mũi như để chia vui.

Hàng ngàn CĐV Argentina đã đến Brazil để xem đội tuyển của mình thi đấu ở trận chung kết

Đội của Fernando đến từ Buenos Aires và đã di chuyển hàng nghìn cây số trong một tháng qua trên đất Brazil, theo các trận của đội Argentina. Đấy là một chiếc xe GMC đời 1970, cũ rích, được gắn một lá cờ Argentina trên mạn phải, như một dấu hiệu nhận biết đối với những cổ động viên khác. Trong khu Sambodromo, nơi thành phố Rio thu xếp cho hơn 500 cổ động viên Argentina di chuyển bằng xe hơi đến xem trận chung kết, có cả trăm chiếc xe cũ rích như của Fernando. Có những xe camper (xe tải kéo theo rơ moóc là một căn nhà nhỏ, có toilet và phòng ngủ), xe tải hạng nhẹ, xe thùng, xe mô tô đủ các loại… tóm lại là tất cả những gì có thể di chuyển và chở người cùng đồ đạc, chăn màn, chai lọ, cờ quạt, đồ ăn và đồ nhậu cho một hành trình dài không nghỉ, và có lẽ chưa kết thúc sau khi trái bóng World Cup ngừng lăn. 


 Fernando Menzoza (ngoài cùng bên trái) và các bạn ông đang chuẩn bị cho một party mừng Argentina vào chung kết

Ở một góc của sân Sambodromo, Sergio Banessa và các “đồng đội” của ông đang ngồi sưởi nắng, tán gẫu về bóng đá, về những cô gái Brazil nóng bỏng ở Copacabana, thỉnh thoảng lại uống một chút “mate” (một loại đồ uống có cafein rất phổ biến ở Argentina). Một nhóm thanh niên khác đến từ Santa Fe thì đang đá bóng. Nhóm khác đang dựng lều. Đêm Rio lạnh và có thể có mưa, nhưng họ đã quen với những đêm lang bạt kiểu này trong suốt chặng đường. Một thành phố nhỏ của những người lang bạt như kiểu Digan đang mọc lên giữa lòng Sambodromo.

Trong khu Sambodromo, nơi thành phố Rio thu xếp cho hơn 500 cổ động viên Argentina di chuyển bằng xe hơi đến xem trận chung kết, có cả trăm chiếc xe cũ rích như của Fernando

Đối với không ít người Brazil, fan Argentina là những kẻ “xâm lược” mà họ không sao ngăn cản được. Không có gì đau đớn hơn khi phải chứng kiến hàng binh đoàn người Argentina di chuyển bằng nhiều phương tiện đổ bộ xuống Rio cho trận chung kết ở Maracana, cái sân mà trớ trêu thay, đội tuyển Brazil đã kết thúc World Cup mà không đá một trận nào ở đó. Những “kẻ xâm lược” cắm trại ngay trong Sambodromo, một biểu tượng của Rio de Janeiro và Brazil, “terreirao do Samba” (vùng đất của Samba). Công trình nổi tiếng do kiến trúc sư đại tài của Brazil là Oscar Niemeyer thiết kế chính là nơi diễn ra những lễ hội Carnaval truyền thống của Rio vào tháng Hai hàng năm, rực rỡ trong ánh sáng, màu sắc, âm nhạc và những vũ công nhảy múa gần như không mặc gì.

Nhưng bây giờ là tháng Bảy, một Carnaval bóng đá của người Brazil đã không diễn ra, vì đội vàng-xanh đã bị loại và sân khấu biểu tượng của samba và các vũ điệu Brazil lại trở thành một dạng Carnaval cho người Argentina, nhưng theo một cách đầy lộn xộn, nhếch nhác, ầm ỹ và trong âm nhạc. Ở đó, họ không nhảy samba, mà hát “Họ có Pele, còn chúng ta có Messi và Giáo hoàng”, “Vamos vamos Argentina, vamos vamos a ganar” (Tiến lên, tiến lên Argentina, tiến lên giành chiến thắng”, và “Brasil, decime que se siente” (Brazil, hãy nói xem cảm giác thế nào). Không ai trong số họ có vé vào sân xem trận chung kết (chỉ có khoảng 10% fan Argentina nói chung có vé, còn hầu hết vé đang nằm trong tay bọn buôn vé có dính líu đến FIFA!). Nhưng thực ra, điều đó với họ chẳng quan trọng. Họ có thể xem ở bãi biển Copacabana với hàng vạn fan Argentina không có vé khác. Sergio bảo: “Chúng tôi theo đội tuyển vì chúng tôi yêu họ, luôn bên họ. Chúng tôi muốn họ hiểu rằng, Tổ quốc luôn cạnh họ, dù họ đi bất cứ đâu”.

24 năm trước, Maradona và các đồng đội vào đến chung kết bằng một lối đá y hệt như Messi và các học trò của Sabella bây giờ

24 năm trước, ngày mà Maradona và các đồng đội của anh anh dũng vào đến chung kết bằng một lối đá y hệt như Messi và các học trò của Sabella bây giờ, những người hùng cổ động viên mà tôi đã gặp hiện làm gì, ở đâu? Những kí ức, nếu có, rất nhạt nhòa, hoặc không có, vì trừ những người như Fernando hay Sergio, đa phần những cổ động viên Argentina có mặt ở Rio bây giờ hoặc còn rất bé, hoặc chưa sinh ra, như cậu Marianno, con của Fernando, hay như bé con Mariella của gia đình Martin, những người đã lái xe rong ruổi từ Bahia Blanca, Argentina đến đây sau hơn 3 nghìn cây số đường trường. Nhưng sự chờ đợi cho một cuộc đăng quang luôn cháy bỏng.

Tôi sực nhớ đến những người bạn Argentina đã gặp trên con tàu chợ từ Johannesburg đi Cape Town 4 năm trước ở Nam Phi. Họ say sưa hát các bài hát về Maradona và chế nhạo Pele cùng Blatter. Họ pha trò ầm ỹ với các hành khách khác. Họ khát khao một chiếc Cúp vàng. Ở Cape Town năm 2010, Argentina của Maradona và Messi đã thua Đức 0-4, và những người bạn mới quen của tôi trở về trong nước mắt. Không biết họ có theo chân những người Argentina đến Rio de Janeiro dịp này không, nhưng tôi tin là họ kì vọng nhiều lắm. Trong giấc mơ, họ đã thấy chiếc Cúp.

Chủ nhật này, nếu Argentina đăng quang, liệu Sambodromo có thể bị đổi tên thành Tangodromo?

Người Brazil thờ ơ và không quan tâm nhiều lắm đến những người Argentina sang Rio xem trận chung kết. Họ im lặng. Họ không nhìn, không tiếp xúc, và nếu muốn tiếp xúc, cũng không đơn giản. Rất nhiều xe cam nhông chở cảnh sát quân sự đứng quanh khu Sambodromo để tránh những đụng độ xảy ra. Nhưng không phải ai cũng thấy dễ chịu.

Một ông già đang ngồi bên kia đường đã kêu lên khi nhìn thấy những chàng trai Argentina vẫy cờ chạy lung tung trong bãi: “Bọn Argentina này điên, nhưng Neymar và các đồng đội của hắn còn điên hơn. Tôi ước gì họ biến hết khỏi trái đất này để không cảm thấy đau khổ khi nhìn thấy những cảnh này”. Mấy người Brazil đang chờ xe bus không nói gì. Tâm trạng của họ chắc chắn không vui khi thấy người Argentina mà họ không ưa tràn vào Rio, với ước mơ vô địch, còn đội tuyển của họ đã thua, và sau đó, khóc như một lũ con nít.

Những người Argentina kia chẳng quan tâm. Họ vẫn hò hét, uống bia và phất cờ trong niềm vui sướng. Living la vida loca (sống một cuộc sống điên rồ), như Ricky Martin đã hát….

Cả một quốc gia trên đường đến Maracana

Với người Brazil, World Cup đã kết thúc. Nhưng với người Argentina, World Cup bây giờ mới thực sự bắt đầu. Hơn 100 nghìn người đã và đang đổ đến Rio de Janeiro cho trận chung kết, bằng mọi phương tiện khác nhau. Nhưng chủ yếu là họ đi bằng ô tô tự lái sang Brazil, vùng đất mà cây bút Nelson Motta đã mô tả là “một đất nước sống như trong thảm họa 11/9”. Họ đổ đến Sambodromo, nơi Rio bố trí cho họ cắm lều và trại. Họ tập trung ở quanh khu Fanfest dành riêng cho các cổ động viên trên bãi biển Copacabana. Dự kiến, ở trận chung kết, Copacabana sẽ có khoảng 60-70 nghìn cổ động viên Argentina tập trung ở đây. Lúc ấy, Copacabana chẳng khác gì những bãi biển đẹp mê hồn trong vịnh Plata gần Buenos Aires. 

Một hành trình dài hàng nghìn km qua nhiều vùng đất khác nhau, trong nhiều ngày để đến đây. Là một người cũng quen lái xe đường trường, nhưng chủ yếu ở Châu Âu đường sá tốt, tôi hiểu được lái xe hàng nghìn cây số, qua nhiều nước khác nhau là thế nào. Nhưng cái cảm giác ngồi sau tay lái, radio bật mở những bài hát yêu thích và rậm rật, chẳng hạn như của J-Lo hay Lady Gaga, những thành phố, làng mạc núi non hai bên vụt qua, người bên cạnh giở bản đồ để xem tuyến đường phía trước, tuyệt lắm, khó mà có thể tả hết bằng lời. Và còn gì tuyệt hơn thế nữa, khi đi với tâm trạng háo hức của một người chờ đợi những niềm vui sướng phía trước, cho một ngày chủ nhật ở xa nhà, hệt như một kì nghỉ dài đáng nhớ, sau khi đã bỏ lại sau lưng bao nhiêu phiền muộn về cuộc sống, với những tin tức kinh khủng về khủng hoảng tài chính, về khả năng vỡ nợ của đất nước nếu như chính phủ không trả khoản nợ các quỹ của Mỹ 1,5 tỉ USD cho đến ngày 30/7?

Năm 1978, khi Argentina vô địch trên sân nhà, không ít trong số hơn 100 nghìn người Argentina đổ bộ sang Brazil hôm nay còn chưa sinh ra. Những trận chung kết các năm 1986 và 1990 cũng không có nhiều người Argentina đi cùng đội tuyển, bởi những năm ấy, Argentina chìm trong khủng hoảng kinh tế. Bây giờ, Argentina sắp chìm trong một cuộc suy thoái khác, nhưng điều kiện sống của người dân dã có nhiều thay đổi. Và với họ, mấy nghìn cây số đường trường bằng xe hơi thẳng hướng Maracana cũng giống như một chuyến viễn du đầy thú vị. Amedeo Baquina thì khác. Anh đạp xe 3 nghìn cây số đến sân Maracana từ thành phố Cordoba, mang theo một chiếc Cúp nhựa. Mấy hôm nay, tôi không thấy anh ở quanh sân Maracana nữa, không biết anh đang ở đâu. Còn một fan cuồng khác, Ariel Mofino, từ Plata, đã đi hàng nghìn cây số đến Rio trên một chiếc xe Vespa đời 1957, để theo đội tuyển, cho giấc mơ vô địch. Những câu chuyện như của Mofino rất nhiều trong World Cup này.

Hạnh phúc là trên đường đi, và cả đích đến nữa (nếu như vô địch thì càng tuyệt vời). Phải không, các bạn Argentina?

Trương Anh Ngọc
(Phóng viên TXVN, từ Rio de Janeiro)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm