(TT&VH) - Có một cảm giác thanh bình và bụi bặm theo đúng nghĩa đen của nó khi tôi đặt chân đến phiên chợ ấy. Con đường đến chợ Ark cách Pretoria gần 60 km cứ nhỏ dần, hẹp lại, xóc hơn và cuối cùng chuyển thành màu đỏ của đất khi xe dừng lại. Một thế giới hoàn toàn khác lạ với chốn đô thị giàu có của Nam Phi hiện ra.
Đấy là một sáng thứ bảy yên tĩnh và thanh bình. Con đường đến Soshanguve cứ hẹp dần ở cuối, từ những đoạn đường cao tốc ra phía tây bắc Pretoria êm như ru, với những dãy siêu thị và cửa hàng bán ô tô cũ chạy dài cả cây số hai bên đường, đến những đoạn đường ngoại ô chỉ toàn cây cỏ màu xanh vàng úa với những ngôi nhà lụp xụp, những quán hàng của người da đen để rồi kết thúc là một đoạn đường bụi mù đất đỏ. Cách Pretoria 60 cây số, World Cup sống trong một không khí hoàn toàn khác, không giống cái ồn ào, ầm ỹ và đông đúc ở những khu da đen ở Soweto hay những thành phố lớn của Nam Phi, nơi người ta đang sống trong từng phút, từng giây nóng bỏng của giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh. Những lá cờ màu xanh-vàng của Nam Phi chỉ còn lưa thưa ở vài nóc nhà. Tiếng kèn vuvuzela gần như không tồn tại. Không khí buổi sớm mai thơm mát mùi cỏ, pha lẫn một chút oi nồng của mùi chất thải súc vật khi nắng bắt đầu rực rỡ trên nền trời xanh thăm thẳm và tiếng cười nói lao xao của một phiên chợ vùng quê, cứ thứ bảy mới họp một lần, trên khu đất của một trang trại nằm ngay bên con đường lớn chạy từ thủ đô Nam Phi sang Botswana.

Ảnh: Anh Ngọc
Ở đây yên tĩnh, thanh bình và vui vẻ, trong một thế giới mà người da trắng và da đen sống với nhau một cách hài hòa. Một bức tranh đậm chất chợ châu Phi: những người phụ nữ da đen ngồi dưới những chiếc ô sặc sỡ bán biltong (thịt bò khô Nam Phi), những đồ thủ công mỹ nghệ rẻ tiền của người dân tộc zulu và xhosa; những người đàn ông lùa súc vật đi bán; những đứa trẻ chầu chực mua kem ở một chiếc xe bán kem màu vàng đỗ dưới những tán cây đầy quả vàng trên bầu trời xanh trong vắt. Nhưng cái chất châu Âu mà ta có thể gặp trong những phiên chợ bán đồ cũ hàng tuần cũng tồn tại (đúng hơn, nó gần giống những phiên chợ nghèo châu Âu như là bối cảnh trong các phim ở thế kỉ 19, về những người di cư Hà Lan sang các vùng đất mới): những sạp hàng bán đủ thứ đồ cũ, từ cái mắc áo cho đến cái cối xay hạt tiêu, từ cái vỏ lon bia cũ cho đến những chiếc tivi có lẽ không dưới 20 năm tuổi; những sạp hàng bán hoa quả, cây cối, đồ ăn và quần áo với giá rất rẻ nhằm phục vụ cho cuộc sống của người dân trong vùng. World Cup sống trong cái thế giới ấy, nhẹ nhàng và rất đỗi giản dị, qua những câu thăm hỏi nhau giữa người da đen và da trắng, về trận đấu đêm hôm trước của đội tuyển Nam Phi. Đội bóng của HLV Parreira được quan tâm đặc biệt, dù không phải ai trong số những người bán hàng ở đây cũng thích bóng đá, như một bà cụ gốc Hà Lan đã bán cho tôi một chiếc nhiệt kế cổ hình chiếc neo có in hình thành phố Port Elizabeth, hay một chị gái người da đen rải ni lông bán mũ và áo của đội Nam Phi. Bà lão thích cricket, và cho rằng bóng đá là môn thể thao của người da đen, nhưng bà vẫn ủng hộ Nam Phi. Chị gái kia chỉ ủng hộ chồng chị, một người làm công ở Pretoria, và dù nơi chị ở không có điện, không thể xem được World Cup, chị vẫn là một fan của Nam Phi.
.jpg)

Cảnh chợ quê ở Nam Phi- Ảnh Anh Ngọc
Ở phiên chợ vùng quê nghèo này, James Vieira được coi là một nhà thông thái. Ông cũng như những người bán hàng ở đây (chủ yếu gốc Hà Lan) là người sống trong các trang trại ở quanh vùng này, và sống rất thoải mái cùng với người da đen. Nhưng Vieira không bán hàng. Ông chỉ đến đây để “buôn chuyện”, và World Cup làm cho cuộc sống của ông trở nên bận rộn. Tôi túm được ông khi ông đang “World Cup” với một ông lão gốc Hà Lan cụt chân. Vieira, một người gốc BĐN, người đã từng sống 44 năm ở Nam Phi và là một fan của Cristiano Ronaldo, tin rằng BĐN sẽ vô địch World Cup lần này. Nhưng Nam Phi là quê hương thứ 2 của ông, vì vợ ông, một người phụ nữ da đen, là người Nam Phi. Được hỏi về ứng cử viên số 1 cho chức vô địch World Cup, ông bảo lí trí nói đó sẽ là Argentina. “Nhưng tôi không thích Maradona, nhất là bộ râu của anh ta. Hình như anh ta đang muốn đọ râu với Fidel Castro”. Tất cả cùng cười. Cả mấy anh da đen bán loa thùng và comple cà vạt bên cạnh, cả những chị Ấn Độ bán một thứ đồ nhắm thơm phức, cả mấy đứa trẻ da đen có bố mẹ bán kính râm Tàu có in cờ các nước tham dự World Cup dù chẳng biết Fidel Castro là ai. Những người nước ngoài hiếm hoi đến với chợ như tôi được chào đón nhiệt liệt, kể cả khi không mua gì và chỉ chụp ảnh lia lịa. Dĩ nhiên, được chào đón, với một điều kiện duy nhất, tôi phải đội một chiếc mũ có in cờ Nam Phi và luôn miệng nói tôi ủng hộ “Bafana Bafana”.

Chợ quê ở Ark - Ảnh Anh Ngọc
Đây là một thế giới khác lạ với những gì tôi đã thấy ở Pretoria hay Johannesburg, khi người da đen và da trắng sống trong các khu của mình, không sống chung với nhau. Họ không thể sống cùng nhau vì sự khác biệt về văn hóa, lối sống và chủng tộc và khoảng cách lớn lao ấy dường như không thể san lấp nổi. Nhưng ở vùng quê xơ xác sỏi đá và đất đỏ này, nơi có nhiều chỗ không có ánh sáng điện, sự chung sống lại diễn ra, trong yên ả, ở một phiên chợ quê nghèo bán đủ thứ, bán cả hạnh phúc và niềm vui. World Cup ở đấy không có tiếng vo ve của vuvuzela, nhưng có những đứa trẻ da trắng mặc áo Nam Phi đá bóng với người da đen, có những câu chuyện về World Cup của Vieira, cùng niềm lạc quan vào tương lai của Bafana Bafana và châu Phi.
Anh Ngọc (Đặc phái viên của TTXVN tại World Cup 2010, từ Johannesburg)