Bản năng của Mueller

30/06/2014 16:53 GMT+7 | Ngôi sao World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2010, ở tuổi 20, Thomas Mueller cùng có 5 bàn thắng như “Vua phá lưới” Diego Forlan ở kỳ World Cup diễn ra tại Nam Phi. Đó là kỳ World Cup đầu tiên trong sự nghiệp của tiền đạo người Đức. Trước đó, Mueller mới chỉ có vỏn vẹn 2 lần khoác áo đội tuyển quốc gia.

Trong khoảng thời gian 4 năm vừa qua, anh ghi thêm được 12 bàn thắng trong 41 trận ra sân cho “Die Mannschaft”. Trước khi vòng 1/8 diễn ra, Mueller đã lập công tới 4 lần cho đội tuyển Đức trong đó có cú hattrick vào lưới Bồ Đào Nha và bàn thắng duy nhất trong chiến thắng trước đội tuyển Mỹ.

Chỉ trước khi World Cup diễn ra khoảng một tuần, HLV Joachim Loew vẫn còn đang băn khoăn về chiến thuật ông sẽ sử dụng. Sơ đồ 4-2-3-1 trước đây được thay thế bằng 4-3-3 hay còn gọi là chiến thuật “Số 9 ảo”. Tuy nhiên, nhân vật “số 9” được nhắc tới nhiều nhất là Mario Goetze chứ không phải Mueller.

Nhưng trong trận giao hữu với Armenia, cuộc thử nghiệm cuối cùng trước khi bước vào World Cup, ông Loew đã sử dụng Mueller là mũi nhọn duy nhất trên hàng tiền đạo với sự bọc lót của Andre Schuerrle và Marco Reus xung quanh anh.

Sự ăn ý giữa Mueller và Reus đã củng cố thêm niềm tin vào sơ đồ chiến thuật 4-3-3 của ông Loew. Nhưng điều không may đã xảy ra khi Reus dính chấn thương rất nặng trước khi hiệp 1 kết thúc chỉ vài phút. Ngôi sao của Borussia Dortmund đã phải trở thành khán giả bất đắc dĩ của World Cup. Ông Loew một lần nữa phải thay đổi đội hình. Trong hiệp 2, đội Đức trở lại với sơ đồ chiến thuật quen thuộc 4-2-3-1. Họ ghi được 6 bàn thắng trong trận đấu đó.

Sự vắng mặt của Reus không phải một thảm họa với chiều sâu đội hình mà đội Đức sở hữu. Ngay trong trận đầu ra quân, họ đã phải đối đầu với đối thủ mạnh là Bồ Đào Nha. Ông Loew đã chỉ đạo các học trò chơi thứ bóng đá có nhiều nét tương đồng với lối chơi của Bayern. Đội Đức giành phần kiểm soát bóng trội hơn hẳn đối thủ, chuyền bóng ngắn nhiều, không sử dụng tiền đạo cắm. Goetze đảm nhiệm vị trí mà Reus để lại, còn Schuerrle thì được thay bằng Mesut Oezil chơi bên cạnh Mueller.

Phía sau 3 cái tên kể trên là 3 cầu thủ chơi thấp hơn trên hàng tiền vệ: đội trưởng Philipp Lahm, Toni Kroos và Sami Khedira. Ở phía dưới, hàng thủ đã làm việc rất tốt khiến Bồ Đào Nha chìm trong bế tắc. Đội Đức chơi tấn công ngay từ đầu và được hưởng một quả phạt đền. Mueller không mắc bất kỳ sai lầm nào để chuyển hóa cơ hội đó thành bàn thắng. Sau khi trung vệ Mats Hummels nâng tỷ số lên 2-0, Mueller còn “kiếm” về cho đội Đức chiếc thẻ đỏ của Pepe phía Bồ Đào Nha.

Thời gian sau đó của trận đấu dường như là màn độc diễn của Mueller. Bàn thắng thứ 3 mang thương hiệu Mueller. Kroos chuyền bóng vào trong khu cấm địa, và khi Bruno Alves chuẩn bị phá bóng thì Mueller xuất hiện một cách rất bất ngờ. Anh giành lấy bóng từ đối phương, tung ra cú dứt điểm rất nhanh, 3-0 cho đội tuyển Đức, bàn thắng thứ 7 của Mueller sau 7 trận tại World Cup.

Mueller không phải mẫu cầu thủ có thể tung ra những cú sút thần sầu như James Rodriguez. Tốc độ và khả năng qua người của anh sẽ chẳng thể nào sánh  ngang Arjen Robben. Những gì mà Mueller sở hữu không phải kỹ năng, mà là bản năng. Anh sẽ di chuyển đến những chỗ chẳng cầu thủ nào nghĩ tới, anh có thể đột ngột xuất hiện ở vòng cấm địa mà không hậu vệ nào lường được. Đó là kết quả từ việc Mueller luôn tìm mọi cách để chọn được khoảng trống trước cầu môn. Anh là một tiền vệ, một trung phong, người sẽ tự tìm cơ hội cho mình mọi lúc mọi nơi.

Trong hệ thống mới của đội tuyển Đức, Mueller là một chàng nghệ sĩ tự do. Trong sơ đồ chiến thuật 4-3-3 với sự kết hợp của Oezil, Goetze và Mueller, ông Loew đã tạo nên một hàng công rất khó đoán và chơi thứ bóng đá đẹp mắt. Tạm không tính tới yếu tố cầu thủ, lối chơi phòng thủ phản công tốc độ nhanh như năm 2010 là không khả thi ở Brazil năm nay, và, nhìn chung, không còn là thực tế đối với một đội bóng được được xem là ứng cử viên như Đức.

Lối chơi mới của Đức chắc chắn hơn và trưởng thành hơn với ví dụ rõ ràng nhất là trận thắng 1-0 trước Mỹ. “Die Mannschaft” đã kiểm soát thế trận rất tốt. Họ chơi phòng ngự trước, không tấn công khi cảm thấy không cần phải tấn công. Họ giữ bóng, kiểm soát tốt khu giữa sân, chuyền bóng nhỏ như cách Pep Guardiola dẫn dắt Bayern, không để cho đối thủ hưng phấn, không mắc sai lầm nào để tạo điều kiện cho họ dâng cao đội hình. Thực tế, Đức đã mắc phải tất cả những điều ấy trong trận hòa Ghana. Đấy là lý do họ đã không thể kiểm soát tốt trận đấu và Mueller không thể ghi bàn.

Không giống các đội bóng châu Âu khác như Hà Lan, Italy, Đức không tin rằng lối chơi kiểm soát bóng như tiki-taka đã chết. Nếu bạn kiểm soát bóng, giữ được nó, nếu bạn có những cầu thủ như Kroos hay Lahm, những người sẽ càng tiến bộ hơn ở những trận đấu sau, bạn sẽ luôn điều khiển được trận đấu. Với một mẫu tiền đạo tự do như Mueller, bạn sẽ luôn có được những trận thắng.

Trong khi Lukas Podolski, Per Mertesacker, Lahm, Bastian Schweinsteiger và Miroslav Klose, những cầu thủ còn sót lại từ World Cup 2006 có thể đang chơi kỳ World Cup cuối cùng trong sự nghiệp của mình thì Mueller còn có thể có thêm 2 hay 3 lần nữa. Anh đã ghi được tổng cộng 9 bàn thắng và nếu vẫn giữ được phong độ này, Mueller hoàn toàn có thể san bằng thậm chí phá kỷ lục của Ronaldo và Klose.

Những trận đấu cứ qua đi, chiến thuật cũng sẽ thay đổi, có thể một ngày thứ bóng đá mà người Đức còn đang tin dùng sẽ chết hẳn. Thế nhưng Thomas Mueller vẫn ở đây, rất trẻ và nhiệt huyết, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu anh vẫn tiếp tục là một số 9 tự do như thế, tự tìm khoảng trống và ghi bàn.

Yến Nhi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm