Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành: “Đề nghị VFF ngồi lại với VPF”

17/02/2012 09:46 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Theo ông Vũ Xuân Thành, hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG căn cứ vào luật pháp hiện hành là không sai phạm. Còn việc có phù hợp, có thỏa mãn, có hợp lý chưa thì đó là chuyện nội bộ giữa VFF và AVG, VFF và các CLB.

* Ngoài công văn của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ VH-TT&DL ngày 12/1 về bản quyền truyền hình, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo nào khác không?

- Cho đến thời điểm này, Bộ chỉ nhận được một công văn duy nhất số 268 ngày 12/1/2012 từ Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

* Các ĐTQG hiện nay được nuôi bằng ngân sách Nhà nước, vậy thương quyền truyền hình các trận đấu của ĐTQG  VFF bán cho AVG có phạm luật?

- Các ĐTQG vẫn dùng tiền từ ngân sách nhưng chỉ là tiền ăn, ở, đi, lại, không phải tiền đầu tư, xây dựng. Những khoản chi tiêu này phù hợp với quy định của Bộ Tài chính. Chúng tôi nhận thấy, thương quyền các ĐTQG VFF bán cho AVG không cần thông qua đấu thầu. Theo Điều 1 và Điều 2 của Pháp lệnh Đấu thầu, chỉ có những chương trình mua sắm, xây dựng đầu tư hoạt động của VFF thì mới phải đấu thầu. Vì vậy, nó không trái luật.

* Theo quan điểm của Bộ, hợp đồng kéo dài 20 năm giữa VFF và AVG có kìm hãm sự phát triển của bóng đá VN?

- Chúng tôi làm thanh tra chỉ trả lời đúng luật hay không đúng luật, không trả lời định tính. Hợp đồng 20 năm căn cứ vào luật pháp hiện hành là không sai phạm. Còn việc có phù hợp, có thỏa mãn, có hợp lý chưa thì đó là chuyện nội bộ giữa VFF và AVG, VFF và các CLB. Nếu các CLB cảm thấy quyền lợi bị xâm phạm thì phải đàm phán với AVG. Bộ không quản lý các bên mua bán giá cả ra sao. Chúng tôi không đứng ra bảo vệ bên nào mà chỉ tuân thủ các điều khoản luật pháp.


Theo Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL Vũ Xuân Thành, hợp đồng 20 năm giữa VFF và AVG căn cứ vào luật pháp hiện hành là không sai phạm

* Xin hỏi ông Tô Văn Động, VPF cho rằng họ có thể kiếm được hợp đồng giá trị hơn rất nhiều hợp đồng VFF đã ký với AVG, vậy ông có ủng hộ VFF-AVG không, Bộ có khuyến cáo nào với VFF về việc ngồi lại với AVG đàm phán rút ngắn thời gian 20 năm và tăng giá trị tài trợ lên?

- Xin mời đại diện Tổng cục TDTT ngồi kế bên phát biểu vì anh am hiểu hơn tôi về vấn đề này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn: VFF có Đại hội thường niên và VPF, một đơn vị thành viên có quyền ý kiến trong những dịp như thế. Đây là việc đấu tranh nội bộ của VFF.

* Trong kết luận của thanh tra Bộ, VPF chưa sở hữu thương quyền giải đấu, họ đề nghị thanh tra về lĩnh vực mà họ không sở hữu, không quản lý như vậy có đúng không. Việc thanh tra này bắt nguồn từ bức xúc của dư luận hay sức ép của VPF?

- VFF đã có nghị quyết chuyển giao quyền tổ chức, quản lý cũng như khai thác thương quyền đối với giải đấu bóng đá do VFF tổ chức trước đây. Chỉ tiếc là khi mà hợp đồng cụ thể giữa VFF và VPF chưa được ký thì nổ ra tranh chấp. Trong buổi họp công bố kết quả thanh tra tại trụ sở VFF lúc 13h30 chiều nay, chúng tôi cũng đề nghị VFF ngồi lại với VPF để ngã ngũ mọi việc. Đây là việc thuộc thẩm quyền của VFF. Về chuyện áp lực, chúng tôi không chịu áp lực nào.

* Như vậy VPF tổ chức các vòng đấu vừa qua là phạm luật?

- Tôi phải nói thế này, nghị quyết là có nhưng mà chưa được giao quyền, chưa được giao quyền thì chưa được làm. Chuyện này đơn giản như vậy thôi.

* Nhưng thực tế VPF vẫn đang điều hành giải đấu?.

- Thực tế đang tranh cãi nên mới phải thanh tra như thế này. Nếu êm đềm thì đã không phải thanh tra.

* Vậy đã xuất hiện dấu hiệu vi phạm bản quyền truyền hình trong vụ tranh chấp này?

- Cần phân biệt rõ giữa vi phạm thương quyền truyền hình và bản quyền truyền hình. Ví dụ, nếu AVG bán độc quyền cho VTV quay các trận đấu, sau đó VTC và các đài khác “vít” sóng của VTV thì khi đó mới xuất hiện tranh chấp bản quyền truyền hình.

Lâm Chi (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm