Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hùng: Trải thăng trầm để lại yêu thương

08/11/2022 19:20 GMT+7 | Văn hoá

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hùng: Trải thăng trầm để lại yêu thương

(LTS): Nhà văn Vũ Hùng, cây bút nổi tiếng với những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi, đã vĩnh biệt độc giả ở tuổi 92 vào ngày 2/11 vừa qua.

Để nhớ về ông, Báo Thể thao và văn hóa (TTXVN) xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của nhà văn Lê Phương Liên.

1. Nhà văn Vũ Hùng được người đọc biết tới qua những trang văn chan chứa tình yêu thiên nhiên. Văn của ông hiền hậu và đẹp như núi rừng hoang sơ xanh thẳm.

Người đọc khó mà biết được nhà văn Vũ Hùng đã có một cuộc đời từng có những biến động thăng trầm hiếm ai có thể trải qua cho đủ.

Nhà văn Vũ Hùng sinh ngày 28/2/1931, tuổi ấu thơ gia đình ông ở dốc Cầu Giấy, sau đó chuyển sang đường Láng bên bờ sông Tô Lịch.Ông được gia đình cho ăn học và sớm ham đọc sách, Những tác phẩm của Alphonse Daudet như Những vì sao, Con dê của ông Seguin… Vũ Hùng đã đọc nguyên bản tiếng Pháp từ năm học lớp Nhất (Theo Cuối đời nhìn lại-Hồi ký Vũ Hùng). Có lẽ ông đã có ảnh hưởng văn học lãng mạn Pháp từ thuở bé.

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hùng: Trải thăng trầm để lại yêu thương - Ảnh 2.

Nhà văn Vũ Hùng

Cách mạng tháng Tám năm 1945, Vũ Hùng vào tuổi niên thiếu 14 - 15 đã cùng gia đình tạm biệt Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm gian khổ. Năm 1950, 19 tuổi Vũ Hùng nhập ngũ đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và theo ngành bộ đội thông tin.Ông đã từng hành quân qua vạn dặm đường từ đất Việt sang miền đất "mưa dầu, nắng lửa" để trở thành người phụ trách đài vô tuyến điện của quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Ông đã sống đời lính gần 30 năm rồi trở thành nhà báo, nhà biên tập, nhà văn.

Cuốn sách đầu tay Mùa săn trên núi của Vũ Hùng được NXB Kim Đồng in năm 1961…Thuở đó, nhà báo Hà Phạm Phú đã từng có bài phỏng vấn tác giả Vũ Hùng với câu hỏi: "Đọc một số truyện viết về thiên nhiên, loài vật của anh, truyện nào cũng thấp thoáng gương mặt người lính trọng đạo lý và giàu tình cảm.

Không chỉ bạn đọc nhỏ tuổi thích đọc sách của anh, nhiều người lớn cũng rất thích. Có lẽ không chỉ do yếu tố mới lạ, theo tôi chính là chủ nghĩa nhân đạo thấm nhuần trong mỗi trang viết? Quan niệm của anh?". 

Vũ Hùng trả lời: "Chiến tranh có thể rèn người ta theo 2 hướng: Hoặc làm cho ta cứng rắn và vô tình hoặc làm cho ta dễ xúc cảm, dễ yêu thương. Tôi được chiến tranh rèn theo hướng thứ 2. Trong văn học tôi theo đuổi chủ nghĩa nhân đạo. Có lẽ điều này phù hợp với nền văn học thiếu niên. Văn học thiếu niên trước hết phải mang nội dung nhân bản. Mọi cái tốt đẹp sẽ phát triển trên nền tảng này…" (Trích Cuối đời nhìn lại- Vũ Hùng).

"Nhà văn Vũ Hùng đã đủ nghị lực để sống những ngày cuối đời vô cùng bình tĩnh. Ông không hề dùng văn tài của mình để cất lên một tiếng than thở" - nhà văn Lê Phương Liên.

2. Nhà văn Vũ Hùng đã trải qua trận mạc, trải qua sự sống và cái chết, mắt thấy tại nghe không ít chuyện đau thương mất mát của con người trong chiến tranh tàn khốc.Thế nhưng không tả trận mạc "ùng oàng", ông đi sâu vào một khía cạnh bất ngờ với tất cả mọi người khi nghĩ về cuộc chiến đã qua.

Ông đã dành hết tài năng tâm huyết cho việc miêu tả đời sống của người lính với những con vật hoang dã hiền lành mà mình đã gặp gỡ, quen biết và yêu thương trong suốt đời chinh chiến. Ông chỉ viết về con voi (Sống giữa bầy voi,Ngườiquản tượng và con voi chiến sĩ), con cu ly (Con cu ly của tôi, cu ly lùn) viết về hươu, nai nuông thú hoang dã trong rừng gắn bó với đời sống hồn nhiên của đồng bào dân tộc thiểu số trong Mùa săn trên núi, Sao Sao… rồi về những con ong trong Giữ lấy bầu mật…

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hùng: Trải thăng trầm để lại yêu thương - Ảnh 4.

Thế rồi, đang là một nhà biên tập (Nhà xuất bản Văn học), đang có những thành công với văn học thiếu nhi, cuộc đời Vũ Hùng có bước thăng tiến bất ngờ. Năm 1986, ông được Bộ Văn hóa tuyển về làm Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế. Với khả năng ngoại ngữ và phong cách lịch lãm Vũ Hùng đã làm tròn nhiệm vụ trên cương vị của mình.

Đến năm 1990, Vũ Hùng định cư tại Paris. Ông đã ở Paris 24 năm. Để để mưu sinh ông đã từng làm nghề gác đêm, nghề nấu bếp… Nhưng dù làm gì Vũ Hùng vẫn đau đáu nghĩ về những tác phẩm viết cho trẻ em, vẫn ước mơ một ngày nào đó những cuốn sách của mình sẽ được xuất bản tại Việt Nam.

Thế rồi giấc mơ thành hiện thực. Tháng 4/2014, Vũ Hùng trở về sinh sống tại Việt Nam. Tổ quốc thân yêu đã mở rộng vòng tay đón nhà văn Vũ Hùng trở về trong tình cảm trân trọng thương mến. Năm 2015, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ký hợp đồng mua bản quyền bộ sách Thiên nhiên-Rừng núi- Muông thú của nhà văn Vũ Hùng.

 Ông vô cùng sung sướng tâm sự rằng: "Ngày xưa, khi mới vào nghề, sách được in của tôi thưởng ra lẻ tẻ, mỗi năm một cuốn, nhưng lần này bộ sách được phát hành liên tiếp một đợt 6 cuốn!" (trích Cuối đời nhìn lại).

3. Vào tuổi ngoài 80, nhà văn Vũ Hùng đã được chạm tới những giải thưởng danh giá, vinh quanh tột đỉnh của người cầm bút.

Năm 2016, Bộ sách văn học thiếu nhi Thiên nhiên - Rừng núi - Muông thúcủa nhà văn Vũ Hùng đã được trao Giải Vàng Sách Hay, Giải thưởng Sách Việt Nam của Hội Xuất bản Việt Nam. Năm 2017, bộ sách này lại được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh khi trao nhà văn Vũ Hùng giải thưởng "Cống hiến trọn đời cho văn học thiếu nhi". Ông được đón niềm vui đến giao lưu với các em thiếu nhi ở cả 2 miền Nam, Bắc.

Vĩnh biệt nhà văn Vũ Hùng: Trải thăng trầm để lại yêu thương - Ảnh 5.

Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng

Vào những năm đã vào tuổi U90, cảm thông với con cháu bận mưu sinh, nhà văn Vũ Hùng cùng vợ đã vào ở trong một nhà dưỡng lão ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Có lẽ tình yêu quê cha đất tổ đã khiến ông tạm biệt TP.HCM và trở về Hà Nội. Ở nhà dưỡng lão bên người vợ hiền, thỉnh thoảng người nhà và bạn bè thân thiết vẫn đến thăm, nhà văn Vũ Hùng rất yên tâm với tuổi già thanh thản. Ngờ đâu năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 ập tới như một cơn bão tố tràn ngập cả trái đất, trong đó có Việt Nam. Trong thời kỳ TP.HCM ở đỉnh diểm của dịch bệnh, người con trai cả yêu quý của nhà văn Vũ Hùng (anh Vũ Tuấn Hưng) đã bị Covid-19 cướp đi sinh mệnh. Khi biết tin dữ ấy, người vợ yêu quý của ông chẳng bao lâu sau cũng đã qua đời. Có lẽ đó là thử thách đau đớn cuối cùng mà nhà văn Vũ Hùng đã phải đón nhận ở tuổi 90.

Nhà văn Vũ Hùng - người có một lối văn nhẹ nhàng tưởng như mong manh mà sức mạnh lay động lòng người như cả rừng sâu núi thẳm lên tiếng - đã đủ nghị lực để sống những ngày cuối đời vô cùng bình tĩnh. Ông không hề dùng văn tài của mình để cất lên một tiếng than thở. Phải chăng nhà văn Vũ Hùng phải nếm trải một đời khắc nghiệt, chứng kiến nhiều việc đau lòng nhưng ông đã luôn luôn tâm sự với chính mình một niềm từ bi, ông mong mỏi truyền cảm cái tình người của mình cho con trẻ và cho tất cả mọi người. Ông thanh thản ra đi ở tuổi 92 chỉ để lại cho đời những trang văn yêu thương. Những trang văn ông viết về rừng núi thiên nhiên nguyên sơ như một trang ký ức Việt Nam gửi lại cho đời sau gìn giữ mãi mãi.

Tang lễ nhà văn Vũ Hùng sẽ diễn ra vào sáng mai, 9/11 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 19-8 Bộ Công an (Cầu Giấy, Hà Nội). Ông được an táng tại nghĩa trang Thiên Đức (Phù Ninh, Phú Thọ).

Lê Phương Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm