Việt Nam vs Indonesia: Hiểm họa hiện hữu

09/01/2023 05:59 GMT+7 | AFF Cup 2022

Về lý thuyết, Việt Nam có lợi thế sân nhà, nơi chúng ta đã đánh bại Malaysia và Myanmar cùng tỷ số 3-0 tại AFF Cup 2022. Nhưng trên thực tế, áp lực lại đang nằm ở phía đội chủ nhà vì Indonesia cho thấy họ đang ngày càng nguy hiểm.

Ở vòng đấu bảng, Indonesia có đến 3 trận bị thủng lưới nhưng đó đều là những trận đấu mà họ nắm quyền chủ động. Họ có thể còn nhiều khiếm khuyết, nhưng có một điều chắc chắn, Indonesia của HLV Shin Tae Yong bây giờ đã bản lĩnh hơn rất nhiều so với trận thua 0-4 trước Việt Nam ở vòng loại World Cup trên đất UAE cũng như khác hẳn với một Indonesia non nớt trước Thái Lan ở chung kết AFF Cup 2020. Nói cách khác, Indonesia là đội bóng vẫn đang ngày một tiến bộ.

Ngược lại, dù không quá rõ ràng, nhưng có thể nói Việt Nam hiện tại không ở trạng thái thi đấu tốt nhất. Các học trò của HLV Park Hang Seo có dư kinh nghiệm, bản lĩnh, nhưng sự thật là mức độ ăn ý và cảm giác bóng của họ đang không ổn. Nó giống như kiểu "ngán bóng đá", xử lý tình huống chỉ ở mức độ vừa đủ, không tạo ra được những đột biến ở các bài phối hợp mà họ đã quen đến mức nhàm chán. Có thể là không đi lùi, nhưng cần nói thẳng là trình độ chơi bóng của đội tuyển Việt Nam đang dậm chân tại chỗ.

Đó là lý do mà điểm nổi bật nhất của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022 là chưa để thủng lưới. Xét trên bề dày kinh nghiệm trận mạc, thì khó có đội bóng Đông Nam Á nào đủ tự tin sẽ đánh bại chúng ta. Nhưng ngược lại, triển vọng thắng trận của Việt Nam ngày càng ít đi khi gặp những đối thủ xứng tầm.

Việt Nam có lợi thế sân nhà nhưng cũng phải nhớ, lịch sử đối đầu đang nghiêng về phía Indonesia, trong đó không thể không nhắc đến trận bán kết lượt về của AFF Cup 2016. 2 trận hòa trước Thái Lan và Việt Nam đang củng cố niềm tin cho đội bóng của HLV Shin Tae Yong. Ở các kiểu trận đấu không được phép mắc sai lầm như thế này, đội nào có niềm tin lớn hơn thì càng dễ đá.

Bán kết lượt về, Việt Nam – Indonesia: Hiểm họa hiện hữu - Ảnh 1.

Hùng Dũng (trái) sẽ có vai trò rất quan trọng trong thế trận mà đội tuyển Việt Nam cần chủ động kiềm giữ nhịp độ trận đấu. Ảnh: Tuấn Phạm

Ở một diễn biến khác, quãng thời gian nghỉ quá ngắn sẽ là một trở ngại không nhỏ cho các cầu thủ Việt Nam khi họ chỉ có chưa đầy 48 tiếng đồng hồ để hồi phục. Ở trận lượt đi, thể lực của các trụ cột đã bị bào mòn ghê gớm khi Indonesia chơi pressing liên tục. Một cầu thủ đá hàng công như Phan Văn Đức nhưng trong 10 phút cuối gần như không thể chạy nổi. Ngoài ra, mặt sân có nhiều đất, ít cỏ tại Mỹ Đình sẽ còn khiến cầu thủ tiêu hao nhiều sức lực hơn.

HLV Park Hang Seo không thể mạo hiểm chọn cách tấn công phủ đầu, đẩy tốc độ gây sức ép và tìm bàn thắng sớm. Đua thể lực hay chơi quyết liệt với Indonesia chưa bao giờ là điều tốt cả. Ngược lại, nếu phát huy được bản lĩnh, dùng kinh nghiệm để kìm nhịp độ trận đấu và chỉ tung sức trong từng đoạn ngắn 10-15 phút thì sẽ dễ khiến cho Indonesia mắc sai lầm.

Thực tế cho thấy, ở vòng bảng Indonesia thua 3 bàn trước Campuchia, Philippines và Thái Lan thì cả 3 đều đến từ các pha bóng mà hàng phòng ngự của họ chủ quan, mắc sai sót trong việc kèm người ở những thời điểm tưởng là chiến thắng đã nằm trong tầm tay. 

Vấn đề là Việt Nam vẫn chưa giải được bài toán về tấn công. Trận lượt đi, tuyến tiền vệ giàu sáng tạo của chúng ta đã bị chia cắt hoàn toàn bởi lối đá áp sát của đội chủ nhà. Không ai trong số những cái tên ưng ý nhất là Hùng Dũng, Quang Hải và Hoàng Đức đạt đến mức độ bình thường về trạng thái chơi bóng, điều đó khiến cho việc thoát pressing và chuyển đổi trạng thái để phản công đều rất khó nhọc, dễ bị Indonesia chặn đứng trước khi tiếp cận được cầu môn đối phương.

Tóm lại, trận hòa lượt đi trên sân Gelora Bung Karno khiến cho mọi thứ vẫn còn bỏ ngỏ ở trận lượt về. Công bằng mà nói, cơ hội gần như chia đều 50-50 dù đây là trận đấu trên sân của Việt Nam. Đến thời điểm này, câu chuyện về sự kỵ-giơ của làng cầu Đông Nam Á càng hiện rõ qua việc Indonesia cầm hòa Việt Nam và Malaysia đánh bại Thái Lan. 


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm