26/03/2011 10:36 GMT+7 | Thế giới
>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng tại Nhật Bản
Sau trận động đất, sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản, và những trận động đất liên tiếp xảy ra trên thế giới thời gian gần đây, vấn đề mà người dân quan tâm là liệu Việt Nam có phải đối mặt với nguy cơ động đất, sóng thần lớn? Nếu có, thì kịch bản nào sẽ xảy ra? Người dân Hà Nội "chạy" khỏi nhà khi dư chấn xảy ra. Ảnh VNE
Ngày 25/3, TT&VH đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) về vấn đề này. TS. Lê Huy Minh cho biết: Hiện chưa ghi nhận thiệt hại nào từ dư chấn trận động đất tối 24/3. Tuy nhiên, người dân cần phải quen dần với thảm họa động đất, đặc biệt là các thành phố lớn có nhiều nhà cao tầng như Hà Nội, TP. HCM. Theo chu kỳ, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ hứng chịu nhiều động đất, dư chấn và sóng thần lớn trong tương lai.
Việt Nam cũng tồn tại nguy cơ động đất lớn
TS Lê Huy Minh cho biết, thực tế cứ khoảng 40 đến 50 năm, động đất cực mạnh lại xảy ra trên thế giới. Ví dụ, động đất xảy ra ở Nga vào năm 1952 mạnh 9 độ richter, trận động đất ở Chile vào năm 1960 mạnh 9,5 độ richter và tại Nga cũng ghi nhận một trận động đất mạnh 9,6 độ richter năm 1964. Gần đây hơn năm 2004, động đất mạnh hơn 9 độ richter và sóng thần đã xảy ra ở Sumatra (Indonesia), và động đất và sóng thần cực mạnh cũng đã xảy ra ở Nhật Bản ngày 11/3 vừa qua.
TS. Lê Huy Minh: "Việt Nam vẫn tồn tại nguy cơ từ động đất, sóng thần".
Ở nước ta, số liệu thống kê cũng cho thấy, cứ 20 đến 30 năm lại xuất hiện động đất trên 6 độ richter. Cụ thể, năm 1923 động đất mạnh 6,1 độ richter ở ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết, năm 1935 động đất mạnh 6,5 độ richter ở đới đứt gãy sông Mã, và năm 1983 động đất mạnh 6,8 richter ở Tuần Giáo, Điện Biên. Điều này cho thấy, không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện động đất mạnh.
Lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại những hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy Sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy Sông Hồng, đới đứt gãy Sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109-110o… do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra. Từ 2007 đến nay nhiều trận động đất có cường độ nhỏ hơn 5,5 độ ricther xảy ra ở nước ta. Các trận động đất nhỏ xảy ra đều không gây thiệt hại, nhưng cũng cho thấy vỏ Trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn, động đất cần được theo dõi. Riêng khu vực Hà Nội, đới đứt gãy sông Hồng dịch chuyển khoảng 2mm/năm. Về lâu dài, các đứt gãy tích lũy năng lượng thì khi xảy ra động đất thì sẽ rất lớn.
Điều gì xảy ra nếu có sóng thần
Cho tới nay chưa có những bằng chứng thuyết phục để khẳng định sóng thần đã ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển nước ta như ở: Riukiu – Đài Loan; đới hút chìm Manila; Biển Sulu; Biển Celebes; vùng Biển Ban Đa; Bắc Biển Đông; Palawan và Tây Biển Đông. Trong đó đới hút chìm Manila được cho là có nguy cơ cao nhất. Bởi trong khu vực này đã xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ richter ngày 26/5/2006 dù trận động đất này đã không gây nên sóng thần.
Theo tính toán, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Một trận động đất có cường độ 9,2 độ richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang, và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam là sau khoảng 2 giờ đồng hồ. Vì vậy nguy cơ sóng thần ở vùng bờ biển Việt Nam là hiện hữu và cần phải được quan tâm.
Điều đáng lưu ý, theo TS Lê Huy Minh, mạng lưới trạm địa chấn cảnh báo động đất ở nước ta chưa đồng bộ, kinh phí duy trì hoạt động còn hạn chế cần được tăng cường trong những năm tới. Tuy nhiên, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã trình đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần Việt Nam 2009- 2013”. Theo đó, sẽ có 30 trạm phân bố khắp cả nước và 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và định vị GPS .
Phương Linh
Điện Biên cũng dư chấn mạnh Vào lúc 20 h55 ngày 24/3, tại tỉnh Điện Biên đã xảy ra những dư chấn nhẹ do ảnh hưởng của trận động đất từ vùng biên giới Lào- Thái Lan- Myanmar . Ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm quan sát động đất Điện Biên Phủ cho biết: Tâm chấn của trận động đất trên nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ về phía Tây, trên toạ độ 22,86 độ vĩ bắc, 100,87 độ kinh đông, ở độ sâu 100km. Tại thành phố Điện Biên Phủ, dư chấn còn lại ở cấp chấn động 4,5- 5, tương đương 2 độ Richter. Chu Quốc Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất