Viết lại kiệt tác 'Don Quixote': Một 'tội ác' trong văn chương?

20/08/2015 12:36 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Tây Ban Nha Andres Trapiello đã dành tới 14 năm để viết lại Don Quixote, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất xứ sở bò tót, của của nhà văn Miguel de Cervantes. Cuốn sách lập tức bán rất chạy, nhưng đã bị giới phê bình “dán mác” là “tội ác văn chương”.

Cuốn tiểu thuyết The Ingenious Gentleman Don Quixote Of La Mancha (Đôn Kihôtê, nhà quý tộc tài ba xứ Mancha) của Miguel de Cervantes gồm 2 phần.

Phần đầu được xuất bản lần đầu hồi năm 1605 và phần thứ 2 được xuất bản vào năm 1616 – cũng là năm Cervantes qua đời trong đói nghèo, ở tuổi 68.

Viết lại vì truyện gốc quá...khó hiểu

Tiểu thuyết kể về Quixada, một nhà quý tộc nghèo, đổi tên thành Don Quixote de la Mancha (Hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mancha). Don Quixote quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời với mong ước cứu khốn phò nguy, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng việc đối đầu với những mối hiểm nguy...

Đến nay, cuốn tiểu thuyết này đã được dịch sang 145 thứ tiếng. Viện Cervantes đánh giá đây là cuốn sách được chuyển ngữ nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau kinh Thánh.


Nhà văn Tây Ban Nha Andres Trapiello

Nhưng dù tác phẩm đã rất nổi tiếng và được yêu thích, nhà văn Andres Trapiello vẫn quyết định viết lại nó để phục vụ độc giả đương đại. Ông đã mất gần 14 năm “thai nghén” mới có thể hoàn thành tác phẩm.

Theo Trapiello, nguyên nhân để ông viết lại Don Quixote là vì độc giả không thể hiểu nổi tác phẩm nếu không đọc các chú giải. Phiên bản mới do ông tạo ra có rất nhiều thay đổi để câu chuyện trở nên dễ hiểu hơn.

Điển hình như khi bắt đầu nghiên cứu gần 1.000 trang của cuốn tiểu thuyết gốc, Trapiello đã vấp phải một từ không hề quen thuộc là “trompogelas”. “Đây là từ hoàn toàn không thể hiểu được” - Trapiello nói với hãng AFP - “Sau khi dành cả một buổi sáng nghiên cứu, tôi quyết định cắt nghĩa của từ này là ‘nghe tai này lọt qua tai khác’”.

Trapiello cũng nói rằng rất nhiều người đã phải bỏ dở tiểu thuyết của Cervantes vì nó quá khó hiểu. Có vẻ như ông đã đúng, bởi độc giả đương đại thích đọc phiên bản mới của Don Quixote hơn. Tính đến tháng 7, truyện của Trapiello đã đứng thứ 9 trong danh sách các cuốn truyện ăn khách số một, chỉ sau 50 sắc thái Grey của nữ văn sĩ Anh E.L. James.


Cuốn truyện Don Quixote phiên bản mới của nhà văn Andres Trapiello

Tội ác hay công lao to lớn?

Tuy nhiên, giới chuyên gia Tây Ban Nha đã chỉ trích phiên bản mới này. Họ cho rằng đây là một sản phẩm giả mạo, làm hỏng tác phẩm văn học gốc rất được yêu thích.

David Felipe Arranz, giảng viên trường Đại học Carlos III ở Madrid, coi đây là một “tội ác trong văn chương”. Ông nói với AFP: “Ở Madrid hiện giờ chẳng có ai mua tiểu thuyết gốc của Cervantes nữa. Độc giả thích phiên bản mới, ‘nhẹ nhàng’ hơn. Tuy nhiên, bạn không thể thay đổi câu chữ gốc của Cervantes, nhà văn tiếng Tây Ban Nha vĩ đại nhất”.

Việc Don Quixote “khó nhằn” thực tế đã được nhiều nhà văn, học giả nói tới. Nhà văn Anh Martin Amis từng nhận xét như sau: “Trong khi Don Quixote rõ ràng là một kiệt tác văn học bất hủ, cuốn sách lại mắc lỗi khá nghiêm trọng: độc giả rất khó đọc hết toàn bộ nó”.

Còn theo kết quả cuộc điều tra do Viện Nghiên cứu quốc tế CIS tiến hành, gần 6/10 người ở Tây Ban Nha cho biết họ đã đọc ít nhất một phần của cuốn Don Quixote gốc hoặc phiên bản mới. Một nửa trong số đó nói rằng cuốn truyện gốc quá khó đọc.

Sách của Trapiello không phải là phiên bản duy nhất đơn giản hóa cuốn truyện của Cervantes, vốn được nhà phê bình Harold Bloom gọi là “tiểu thuyết hiện đại đầu tiên”. Hồi năm 2014, Viện Hoàng gia Tây Ban Nha từng phát hành tới nhiều trường học phiên bản Don Quixote đã được nhà văn kiêm học giả Arturo Perez-Reverte viết lại.

Bản thân Trapiello không thấy ông đã làm gì sai khi “cập nhật” cuốn truyện của Cervantes, làm cho nó trở nên dễ đọc hơn. “Thật là một nghịch lý, khi các độc giả người Pháp, Anh hoặc Đức có thể đọc cuốn truyện của Cervantes (đã được dịch ra ngôn ngữ bản địa) mà chẳng gặp bất cứ vấn đề gì thì độc giả nói tiếng Tây Ban Nha lại không thể làm điều tương tự. Đơn giản vì họ không thể hiểu nổi nhiều đoạn trong cuốn truyện, nếu như không đọc phần chú giải”.

Francisco Rico, phụ trách mảng truyện kinh điển và truyện nhiều kỳ thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha, khẳng định: “Bất cứ nỗ lực nào để khiến cuốn tiểu thuyết của Cervantes trở nên dễ đọc hơn cũng đều đáng hoan nghênh.

Shakespeare từng bị lãng quên suốt một thời gian dài và trong nhiều thế kỷ chẳng ai nhớ đến Dante. Voltaire cũng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng riêng có Don Quixote vẫn là một tác phẩm ăn khách bậc nhất, kể từ lần đầu xuất bản hồi thế kỷ 17 cho đến nay, trên đất cả các thứ tiếng mà nó được chuyển ngữ”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm