200 năm, khinh khí cầu trên đất Việt lại bay

18/07/2012 09:15 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Hơn 200 năm trước, những chiếc khinh khí cầu đầu tiên đã xuất hiện trên bầu trời Việt Nam với nhiệm vụ là một khí cụ chiến tranh. Và giờ đây, chúng lại xuất hiện rầm rộ một lần nữa, nhưng với ý nghĩa hoàn toàn khác, là biểu trưng của vẻ đẹp và sự thanh bình trong một lễ hội trình diễn bay khinh khí cầu quốc tế lần đầu tiên được tổ chức.

Do tỉnh Bình Thuận tổ chức và Thông tấn xã Việt Nam bảo trợ về thông tin, VIHABF (Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam lần thứ nhất), sẽ diễn ra trong thời gian từ 29/8 - 3/9 tại thành phố biển Phan Thiết, với sự tham gia của gần 30 “quả bóng bay” khổng lồ.

Khinh khí cầu đến Việt Nam từ hơn 200 năm trước

Một thông tin ít người biết đã được nhắc lại trong buổi giới thiệu về VIHABF tại Hà Nội, (17/7): năm 1910, khi máy bay mới được phát minh và vẫn còn được sử dụng như một môn thể thao trình diễn, phi công người Bỉ, Van Den Born đã mang tới Sài Gòn chiếc máy bay đầu tiên bằng đường biển. Tháng 12 năm đó, chiếc máy bay này đã có một số chuyến bay biểu diễn tại trường đua Phú Thọ (Sài Gòn). Và tới thời điểm này, khi đi tìm mốc xuất phát của lịch sử hàng không châu Á, giới nghiên cứu vẫn tiếp tục tranh luận về thời điểm cất cánh của chiếc máy bay trên với một chiếc khác tại Nhật Bản, cũng trong tháng 12/1910.

Họp báo Liên hoan khinh khí cầu quốc tế 2012 tại Hà Nội

“Tuy nhiên, nếu xét tới khinh khí cầu, có rất nhiều bằng chứng để khẳng định rằng loại hình này thậm chí còn xuất hiện tại Việt Nam từ đầu thế kỷ 18” - nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết. Điển hình, theo lời ông, nhiều tư liệu đã ghi lại sự xuất hiện của khinh khí cầu trong những đợt tấn công của nhà Nguyễn vào thành Quy Nhơn năm 1800. Ở thời điểm đó, khinh khí cầu vẫn được dùng như một ứng dụng đặc biệt của khoa học quân sự phương Tây, với tác dụng định vị cho pháo binh hoặc ném các khối chất cháy khi công thành.

“Ngay những bức tranh cổ ghi lại quá trình người Pháp xâm lược Việt Nam cũng có hình ảnh của những chiếc khinh khí cầu bay lơ lửng. Sự thật là hoàn cảnh lịch sử đã khiến chúng xuất hiện tại nước ta khá sớm” - ông Quốc nói - “ Để rồi, từ một khí cụ chiến tranh, khinh khí cầu sau nhiều thăng trầm lại đang tồn tại ở Việt Nam như một biểu trưng của vẻ đẹp và sự thanh bình, với những góc nhìn từ trên cao về cảnh vật của quê hương mình”.

Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam 2012 sẽ bao gồm những đợt trình diễn bay khinh khí cầu trong thời gian 6h sáng và 7h chiều ở độ cao 200m, với quãng đường ước chừng 20 km. Ngoài ra, lễ hội cũng có các màn biểu diễn những thiết bị bay thể thao khác như dù lượn, máy bay cánh vải, máy bay mô hình... và duy trì song song một hội chợ thương mại biển tại Phan Thiết trong thời gian từ 29/8 - 3/9/2012

Thực chất, tại Việt Nam, kể từ Festival Huế 2004, một đơn vị tư nhân là Công ty Chiến Thắng đã sở hữu và vận hành khá nhiều khinh khí cầu khổng lồ trong những hoạt động lễ hội và du lịch. Đặc biệt, trong một số lễ hội quốc tế tại Đông Nam Á, đơn vị này cũng thường xuyên đại diện cho Việt Nam góp mặt với số lượng trung bình mỗi lần 4 - 5 khinh khí cầu có kích thước khổng lồ”.

“Chúng tôi đang đề nghị Hội Sử học Việt Nam giúp đỡ để có thể thực hiện một công trình nghiên cứu đầy đủ về lịch sử tồn tại của khinh khí cầu tại Việt Nam. Đó sẽ là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại – khi mà giờ đây, trong xã hội hiện đại, khinh khí cầu đang được sử dụng rộng rãi như một biểu trưng gắn cho ước mơ cất cánh...” – ông Hoàng Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ hội, cho biết.

Sẽ có “môn thể thao khinh khí cầu”?

Về quyết định tổ chức Lễ hội khinh khí cầu quốc tế lần đầu tiên, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Thuận, chia sẻ thẳng thắn: “Trong quy hoạch cho ngành du lịch, chúng tôi đã rất... đau đầu để tìm ra một điểm nhấn riêng cho lễ hội hiện đại của Bình Thuận. Bản thân tỉnh đã thử nghiệm tiến hành các liên hoan về đua ghe, đua diều... Tuy nhiên tới thời điểm này, việc gắn liền hình ảnh Bình Thuận với một lễ hội khinh khí cầu xem ra là một lựa chọn hợp lý”.

Khinh khí cầu đặc biệt Mèo vàng của Việt Nam sẽ xuất hiện tại liên hoan

Nghĩa là, nếu được duy trì thường niên, liên hoan khinh khí cầu tại Bình Thuận sẽ trở thành một điểm mới trong bản đồ lễ hội hiện đại Việt Nam, bên cạnh những Festival pháo hoa Đà Nẵng hay Festival diều Vũng Tàu. Tới thời điểm này, ước chừng gần 30 khinh khí cầu quốc tế sẽ xuất hiện tại VIHABF với gần 50 phi công có quốc tịch Bỉ, Đức, Pháp, Hà Lan, Mỹ và các nước ASEAN. Riêng với 5 quả khinh khí cầu của chủ nhà, 8 phi công Việt Nam của Công ty Chiến Thắng đều là những gương mặt được đào tạo cẩn thận và từng thực hiện hơn 500 giờ bay an toàn.

Theo đại diện của công ty này, bên cạnh những môn thể thao mặt đất và thể thao dưới nước, xu thế phát triển những môn thể thao trên không ngày một xuất hiện nhiều tại châu Á . Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam gần như vẫn là một “khoảng trắng” về môn thể thao này. Bởi vậy, sau VIHABF 2002, phía công ty sẽ chính thức đề nghị được thành lập một CLB thể thao khinh khí cầu tại Việt Nam để làm nòng cốt phát triển cho những kì liên hoan khinh khí cầu quốc tế sắp tới.

Không gian xanh Bình Thuận - Góc nhìn khinh khí cầu là cuộc thi ảnh được Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Sở VH,TT&DL Bình Thuận. Đây là cuộc thi ảnh hướng tới mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài, với tác phẩm dự thi là những bức ảnh phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa Bình Thuận qua chuỗi hoạt động trước và trong thời gian diễn ra Lễ hội khinh khí cầu quốc tế Việt Nam 2012.

Không hạn chế số lượng, tác phẩm dự thi gửi tới địa chỉ: Ban Biên tập Ảnh - TTXVN (79 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) hoặc theo địa chỉ email khonggianxanhbinhthuan@.gmail.com trước ngày 10/9/2012. Cuộc thi sẽ có 11 giải thưởng chính với tổng giá trị 76 triệu đồng, trong đó giải nNhất trị giá 20 triệu đồng.


Sơn Tùng - Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm