Vì đâu người Nhật thờ ơ với vụ lùm xùm của Sony?

24/12/2014 08:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thứ Sáu tuần trước, tờ Yomiuri Shimbun, nhật báo lớn nhất của Nhật Bản, đã đăng tải một bài báo về tập đoàn Sony trên phiên bản điện tử. Tuy nhiên bài báo không tập trung vào vụ tấn công của tin tặc đang gây xôn xao dư luận mà lại xoay quanh câu chuyện công ty này đã vật lộn kinh doanh ra sao trong lĩnh vực sản xuất máy tính bảng.

Còn trên trang tin Kyodo News, ngay sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) chính thức cáo buộc CHDCND Triều Tiên có liên quan đến vụ tấn công mạng máy tính của hãng Sony Pictures Entertaiment, các tít lớn của trang lại chỉ nói về nhóm nhạc pop đình đám AKB48.  

Không phải một công ty, dù chung tên gọi

Trong khi các nhà báo Mỹ liên tục đưa tin dày đặc về vụ tin tặc tấn công Sony, đây dường như lại không phải tin tức chấn động ở Nhật Bản. Nhiều câu chuyện đã xuất hiện (trên báo Mỹ) sau buổi họp báo cuối năm của Tổng thống Mỹ Barack Obama diễn ra hồi tuần trước, khi ông nhấn mạnh đến sự nghiêm trọng của vụ tấn công mạng máy tính. Nhưng nhìn chung, sự kiện này chỉ nhận được sự chú ý tương đối ít ỏi, hầu hết chỉ là những mẩu tin ngắn ở trang sau những tờ báo lớn của Nhật Bản.

Đây quả thực là một điều khiến thế giới khó hiểu, khi Sony là một trong những thương hiệu nổi bật của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự thờ ơ của người Nhật, hay chính xác hơn là báo chí nước này, không phải không có lý do.


Với người Nhật Bản, Sony Pictures là công ty Mỹ và vì thế, vụ tấn công mạng máy tính của các hacker chỉ nhằm vào nước Mỹ thay vì Nhật Bản

Trước tiên, dù về mặt kỹ thuật, Sony Pictures Entertaiment là một công ty con của đế chế Sony, nhưng từ lâu nó đã được điều hành riêng rẽ như một công ty độc lập của Mỹ. Cho tới nay, có vẻ giới truyền thông Nhật Bản cho rằng vụ tấn công là vấn đề của Mỹ, chứ không phải là vấn đề trong nước.

Thực tế là tại trụ sở chính của Sony, giới chức lãnh đạo đã từ chối không đưa ra bất cứ bình luận nào và chuyển mọi câu hỏi của phóng viên về Sony Pictures cùng bộ phim gây tranh cãi The Interview đến trụ sở của đơn vị này, đặt tại thành phố Culver, California, Mỹ.

“Đây được xem như một vụ tấn công nhằm vào Hollywood” - Damian Thong, một nhà phân tích cao cấp tại Công ty chứng khoán Macquarie ở Tokyo, phát biểu - “Tôi có cảm giác họ muốn xóa nó đi thật nhanh và coi như chưa có chuyện gì xảy ra cả”.

Sony Pictures đã hủy lịch chiếu bộ phim hài The Interview liên quan đến Triều Tiên, dự kiến công chiếu vào dịp Giáng sinh, sau khi nhận lời đe dọa từ các tin tặc. Nhưng với Nhật Bản, số phận bi thảm của bộ phim sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì nhiều. Sony Pictures chưa từng có kế hoạch công chiếu bộ phim này tại Nhật Bản.  

 Người Nhật chỉ quan tâm tới vấn đề của nước Nhật

Nguyên nhân thứ 2 là các tờ báo của Nhật Bản, vốn có tổng lượng phát hành cao nhất trên thế giới, lại có khuynh hướng tránh né các tin tức quá phức tạp về công nghệ, giống như hoạt động tin tặc. Nobuyuki Hayashi, nhà báo và nhà tư vấn công nghệ làm việc độc lập lâu năm tại Tokyo, cho rằng khuynh hướng này hình thành từ các nhà báo và biên tập viên Nhật Bản, thường không có kiến thức chuyên sâu về công nghệ. Ngoài ra, độc giả lớn tuổi của các tờ báo này cũng không hiểu nhiều về công nghệ.

“Nếu bạn là người hiểu biết về công nghệ và cần thông tin (về vụ tin tặc tấn công Sony), bạn có thể tìm thêm trên các trang báo mạng” - ông Hayashi nói - “Một số người hiểu biết về công nghệ cũng thường xuyên theo dõi các trang báo in, nhưng là để đọc những tin tức khác”.

“Những tin tức khác” ở đây nói về các hoạt động đang diễn ra trong Nhật Bản. Tháng 12 ở nước này luôn có rất nhiều tin tức, nhất là khi cuối tuần trước vừa diễn ra cuộc bầu cử quốc gia. Đảng Dân chủ tự do của Thủ tướng Shinzo Abe đã duy trì ưu thế tuyệt đối tại Hạ viện và một lần nữa xác nhận việc ông sẽ tiếp tục cầm quyền thêm 4 năm. Một thông tin nữa đáng lưu tâm là Hokkaido đang phải hứng chịu trận bão tuyết dữ dội. Tuyết rơi dày đã làm trật bánh tàu hỏa và khiến nhiều người thiệt mạng.

Thục Anh (Theo Yahoo News)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm