V-League: Sông Lam không bao giờ cạn…

27/09/2008 14:26 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) -  Vì cầu thủ ở đấy chưa kịp già đã thấy lứa trẻ kế cận sẵn sàng tiếp nối. Ở đấy là điển hình cho một quy luật (tạm thời) của BĐVN, rằng càng nghèo, càng khổ lại càng nhiều tài năng sân cỏ.

Hãy lấy trường hợp của Minh Đức, một cầu thủ chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm của Sông Lam ở mùa vừa qua, anh mới 25 tuổi, nhưng đã bắt đầu trở nên “già” so với một Văn Bình năm nay mới 19 tuổi. Bình có đầy đủ những tố chất của một tiền vệ trung tâm của bóng đá hiện đại và thực sự triển vọng, dù thể hình của anh không phải là một ưu điểm. Mùa vừa rồi, Sông Lam trẻ nhất giải, trẻ hơn cả Thể Công khi một nửa đội bóng của họ là những cầu thủ trạc 20.

Thế cho nên, khi Minh Đức, Quốc Vượng ra đi, Sông Lam chắc vẫn cứ chảy. Chỉ có chỗ của Công Vinh là hơi khó thay thế, vì anh là 1 trong 3 cầu thủ thuộc diện đặc biệt, dù có thua kém một chút so với Huy Hoàng hay Văn Quyến.
 
Hoàng Văn Bình là mẫu tiền vệ trung tâm hiện đại
mà bản thân HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto cũng rất quan tâm.
 
Nhưng Sông Lam có thể sẽ không bao giờ trở lại với vị thế của một quyền lực bóng đá như đã từng thế cách nay gần chục năm, trừ phi nó thay đổi.

Sẽ chẳng bất ngờ nếu như vài năm tới, thế hệ của những cầu thủ như Văn Bình, Trọng Hoàng, Đắc Khánh, Đình Đồng… rồi cũng sẽ khăn gói ra đi, theo tiếng gọi của đồng tiền và cả theo tiếng gọi của một CLB nào đó làm bóng đá tử tế hơn, giàu tham vọng hơn.

Cứ nhìn Công Vinh sẽ thấy, anh có 3 Quả bóng Vàng của BĐVN, nhưng anh chẳng có bất cứ danh hiệu vô địch nào trong tay như những đồng đội của mình, Minh Phương, Tài Em, Quang Thanh, Như Thành… Đó có vẻ là một điều gì đó bất bình thường nếu chúng ta nhìn vào những gì xảy ra nơi bóng đá quốc tế, hoặc đơn giản hơn, nó thôi thúc con người ta phải hoàn tất nốt bộ sưu tập danh hiệu của anh. Còn tiền bạc, dĩ nhiên không cần so sánh thêm, bởi số tiền Thể Công trả cho Vinh còn nhiều hơn cả tiền mà Sông Lam lúc này đang van nài nhà tài trợ để họ tiếp tục rót cho thêm 7 tỉ ở mùa tới.

Có lẽ, lúc này, khi nhìn Thể Công ôm hàng bọc tiền vào Vinh lấy những ngôi sao của họ, những người Nghệ An hẳn cũng phải đặt ra những câu hỏi tại sao đội bóng của họ lại không thể ngóc nổi đầu lên, không thể giữ chân được cầu thủ, và hàng chục thứ không thể khác.

Những gì diễn ra ở mùa 2008 với đội bóng này có lẽ cũng quá đủ cho một câu trả lời. Khi người ta kêu BTC hãy nương tay, trả điểm lại cho Sông Lam sau vụ trừ điểm (đầu tiên là trừ 3, sau còn trừ 1) vì bạo loạn ở sân Vinh, vì đó là công lao của các cầu thủ, thực ra, chẳng phải chỉ có BTC giải mà cả BTC sân đã “tích cực” đổ công sức của các cầu thủ ra biển.

Hay như trận đấu ở sân Hàng Đẫy, khi Sông Lam tự bắn vào chân họ bằng cả một băng đạn AK và thua, người ta cũng hiểu rằng, những cuộc mổ xẻ, quy kết trách nhiệm càng thúc đẩy các cầu thủ quyết định nhanh hơn trong việc phải đi tìm một bến đỗ mới. Ai cũng biết, không phải tất thảy những người rời Sông Lam đều sạch sẽ, không dính líu tới những vụ bê bối của bóng đá nơi đây, nếu không muốn nói là tác giả của nó, nhưng khi con người ta muốn thay đổi, họ lập tức nghĩ đến một môi trường, một CLB mới.

Ở đây, chỉ có một sự phũ phàng, trường hợp ra đi của Quốc Vượng. Sông Lam nuôi Vượng là bệ phóng trên con đường trở thành một tiền vệ ĐTQG, nhưng họ nhận được từ anh quá ít so với những tai tiếng mà anh mang lại cho mảnh đất này.

Nhưng, cũng không thể khác được, vì nếu ở lại Sông Lam, khi cơ hội được xỏ giày trở lại, chưa chắc Vượng đã nắm bắt được nó và trở thành một cầu thủ có ích.

Nghiệt ngã cho bóng đá Sông Lam là ở đây!
 
 

Sông Lam kiếm được hơn tỉ đồng từ Thể Công cho cái gọi là tiền chuyển nhượng mang tính tình cảm với bộ 3 Công Vinh, Minh Đức, Quốc Vượng. Như vậy là quá ít so với việc nếu họ sử dụng tốt và bán cho các CLB để thu về cả chục tỉ đồng, trong khi CLB đang nhặt từng đồng để bước vào mùa bóng mới.

 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm