Vé xem bóng đá ở Việt Nam: Cái sân và mảnh ruộng

18/12/2010 07:15 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - 1. Số lượng người mua vé qua đường công văn chỉ được đáp ứng khoảng 5-10%. Và có rất nhiều công văn khác phải quay trở lại đơn vị đề nghị mua vé vì thời gian nhận công văn là có giới hạn.

Hàng ngàn người chờ mua vé ở Mỹ Đình khi VFF bắt đầu mở quầy bán. Phải chờ vài tiếng đồng hồ, phải chen lấn xô đẩy và cũng chỉ có một lượng người rất nhỏ được thỏa mãn phần nào. Thống kê một cách chính xác tỷ lệ thành công - thất bại là rất khó nhưng chắc cũng chỉ được 10-20%.

Không thể đếm hết được số lượng người muốn có mặt ở sân Mỹ Đình nhưng không xếp hàng mua vé vì họ biết chắc thế nào cũng ra về tay trắng.

Có người bạn của tôi đã đặt ra một giả thiết là liệu Việt Nam có thể có một sân bóng lớn hơn, cỡ như Bukit Jalil của Malaysia hay Gelora Bung Karno của Indonesia với sức chứa gần 10 vạn chỗ ngồi.

Xây một cái sân như thế cho xứng tầm với tình yêu bóng đá ở một đất nước mà cứ ra đường là sẽ gặp người hâm mộ, và để từ đó những cơn sốt vé sẽ được giảm thiểu, nghe cũng có lý.

Nhưng thật ra, chẳng có cái sân nào có thể chứa được hết người hâm mộ và cả không ít người có nhu cầu có mặt ở sân chỉ để thỏa mãn sở thích a dua và hễ đội tuyển thua là đứng dậy bỏ về.

 
Sẽ không bao giờ ngăn được tình trạng phe vé bởi cho tới lúc này chỉ có một việc rất giản đơn là truy tận gốc việc làm sao mà dân phe vé lại có hàng đống vé trong tay trong khi người hâm mộ muốn mua chỉ 1 chiếc từ nơi phát hành là VFF và VFD lại cực kỳ khó mà các cơ quan chức năng vẫn chưa chịu làm.

Và có một điều chưa thể giải thích là tại sao người Việt Nam lại dễ dàng chấp nhận mua vé chợ đen với những cái giá cắt cổ (và một số còn lấy đó làm niềm tự hào) trong khi ngay cả các quốc gia cuồng nhiệt về môn bóng đá thì người hâm mộ ở đó chỉ có một số rất ít chịu "kê đầu vào thớt", còn số đông còn lại sẽ bỏ xem bóng đá để yêu cầu nhà chức trách truy lùng xem vé chợ đen tuồn từ đâu ra.

2. Tin từ ông Hoàng Vĩnh Giang gửi về từ Oman khi tham dự phiên họp của Ủy ban Olympic châu Á OCA cho biết là Việt Nam vẫn có những cơ hội khá lớn để đăng cai Asian Games lần thứ 18 tổ chức năm 2019. Cuộc đua này sẽ có kết cục vào năm sau.

Nếu Việt Nam giành quyền làm nước chủ nhà của Asian Games 2019 thì nhiều khả năng chúng ta sẽ phải xây một cái SVĐ mới với sức chứa 6-7 vạn chỗ ngồi, vì chủ nhà của các kỳ Asian Games trong khoảng 2 thập niên qua chưa bao giờ lấy SVĐ chỉ có 3-4 vạn chỗ làm sân chính cả.

Như thế là việc Việt Nam có một cái sân vận động hoành tráng là rất khả thi.

Nhưng nếu xây ở Hà Nội thì việc có thêm một cái sân nữa là lãng phí trong khi Mỹ Đình cả năm cũng chỉ bận rộn vài trận đấu còn lại để không và những người quản lý nó đem cho mọi người thuê để lấy kinh phí nuôi sân và nuôi bộ máy quản lý sân.

Người dân TP.HCM trong suốt những ngày ĐTVN thi đấu AFF Suzuki Cup đã tập trung ở một vài tụ điểm và ngóng ra Mỹ Đình chờ tin chiến thắng.

Lần gần đây nhất bóng AFF Cup lăn ở TP.HCM là năm 2004 khi ĐTVN chơi 2 trận vòng bảng ở sân Thống Nhất. Bây giờ nếu VFF muốn vẫn tổ chức ở đây thì e rằng cũng không thể vì các nhà tổ chức đòi hỏi cao hơn và khi Philippines muốn lấy TP.HCM làm địa điểm đá bán kết cũng không được chấp thuận “vì sân bãi không đủ tiêu chuẩn” và giới phóng viên thì bảo "nó như mảnh vườn trồng hoa màu".

Thật kỳ lạ khi một thành phố lớn nhất cả nước, người dân có thu nhập bình quân cao nhất cả nước và hàng năm nộp ngân sách cũng nhiều nhất cả nước mà lại không thể có một cái sân bóng "tử tế".

2 chuyện nghịch lý ở một nền bóng đá, từ chuyện phe vé cho tới chuyện cái sân, xem ra cũng lý giải phần nào tại sao tình yêu bóng đá thì xếp hàng tốp 100 nhưng vị thứ của đội tuyển lại được FIFA xếp ở tốp nảo tốp nào.

Vũ Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm