Giới nhà giàu Qatar mơ về quyền lực văn hóa

24/03/2013 08:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc xây bảo tàng nghệ thuật hoành tráng ở Doha và sự gia tăng chóng mặt các hoạt động văn hóa, nhất là các triển lãm mỹ thuật, cho thấy tham vọng đạt được vị thế sang trọng hơn trên trường quốc tế của quốc gia dầu mỏ vùng Trung Đông.

Khi người ta quyết định lên kế hoạch xây Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo (MIA) ở Doha, Qatar cách đây nhiều năm, kiến trúc sư kỳ cựu người Mỹ gốc Hoa, IM Pei, khi đó đã nghỉ hưu, được mời thiết kế công trình này. Kiến trúc sư 86 tuổi này rất nổi tiếng với công trình kim tự tháp bằng kính được trưng bày ở sân trước Bảo tàng Louvre - “thánh đường” của nghệ thuật thế giới.

Tham vọng “mua” quyền lực văn hóa

Có vẻ như Qatar muốn đưa Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo đi theo con đường của Louvre. Bảo tàng này xây xong và khánh thành năm 2008, được dựng nên với mục đích rõ ràng: đưa thủ đô Doha của Qatar trở thành một địa danh quan trọng trên tấm bản đồ văn hóa thế giới và giới thiệu nền văn hóa Hồi giáo ra toàn cầu.

5 năm kể từ đó, công trình này đã được công nhận là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới. Hôm 12/3, khi Hoàng tử Charles của Vương quốc Anh cùng vợ là Camilla đến thăm Qatar, điểm đến đầu tiên của họ chính là Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, chứng tỏ đây là công trình mà Qatar rất muốn “khoe” với các vị khách quan trọng.



Công trình kiến trúc lộng lẫy Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo MIA ở Doha, Qatar còn được chú ý hơn những tác phẩm nghệ thuật mà nó trưng bày bên trong.

Qatar là một đất nước nhỏ bé, diện tích chỉ đứng thứ 164 thế giới, nhưng lại có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đứng thứ 3 thế giới về dự trữ khí đốt. Một tài nguyên khác của Qatar là đầu óc con người: họ sở hữu những tư tưởng lớn về cách làm thế nào để dùng sự giàu có “mua” được một vị trí đáng nể trên thế giới.

Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, một công trình kiến trúc đẹp và ấn tượng, chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bên dưới là một hệ thống các hoạt động văn hóa đang ngày càng sôi động ở Doha ngày nay, điều mà người ta khó tưởng tượng sẽ xảy ra ở một đất nước Hồi giáo khắt khe.

Nhiệm vụ tổ chức triển lãm và cung cấp tranh cho bảo tàng thuộc về Cơ quan quản lý bảo tàng ở Qatar do Sheikha Mayassa Al Thani, 29 tuổi, con gái của hoàng thân Qatar đứng đầu. Al Thani là “người phụ nữ quyền lực nhất trong làng nghệ thuật thế giới” hay “nữ hoàng văn hóa” theo đánh giá của tạp chí Economist hồi cuối năm 2012 và là người đứng sau những hợp đồng mua tranh khổng lồ của Qatar những năm gần đây.

Trong vòng 50 năm qua, hoàng gia Qatar đã say sưa mua hàng loạt tác phẩm nghệ thuật quan trọng của cả thế giới Hồi giáo, Arab lẫn phương Tây.

Sau dầu mỏ sẽ là tri thức

Theo Telegraph, mục tiêu của Qatar là trước năm 2030 sẽ chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế tài nguyên sang một nền kinh tế tri thức.

Có lẽ hơn nhiều quốc gia khác, Qatar hiểu rõ lợi thế và bất lợi của một nền kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Theo Economist, Qatar là một bức tranh ảm đạm, tù túng. Ngành công nghiệp sản xuất ngọc trai đang ở giai đoạn cuối. Việc phát hiện ra dầu, sau đó trở thành đất nước dự trữ khí đốt lớn thứ 3 thế giới, đã giúp nước này giàu lên chóng mặt. Năm 2010, nền kinh tế Qatar tăng trưởng 16,6%, nhanh hơn bất cứ nước nào trên thế giới.

Nhưng người Qatar hiểu rõ gas và dầu sẽ cạn kiệt một ngày không xa. Họ xây các bảo tàng, liên tục mua tranh đắt tiền và lập ra các tổ chức văn hóa như Viện Phim Doha (tổ chức LHP Doha hàng năm), dàn nhạc Qatar Philharmonic Orchestra và Bảo tàng Bưu điện Arab.

Trong vòng 50 năm qua, hoàng gia Qatar đã say sưa mua hàng loạt tác phẩm nghệ thuật quan trọng của cả thế giới Hồi giáo, Arab lẫn phương Tây. Nước này đang lưu giữ tác phẩm của các nghệ sĩ như nhà điêu khắc Mỹ Richard Serra, nghệ sĩ đương đại Anh Sarah Lucas, bộ đôi nghệ sĩ người Thụy Sĩ Fischli & Weiss.

Trong năm 2013, Qatar liên kết chặt chẽ với Anh, một đối tác thân thiết trong các hoạt động văn hóa lâu nay (Qatar từng rót tiền tỷ để xây tòa tháp Shard cao thứ hai châu Âu ở London, Anh). Cả 2 nước, cụ thể là những tổ chức văn hóa hàng đầu của 2 nước, sẽ thực hiện một loạt dự án văn hóa kéo dài quanh năm, trong đó có sự kiện về Shakespeare, triển lãm của Học viện Hoàng gia và phòng tranh Serpentine.

Thường thấy thông tin trên báo chí phương Tây về buổi đấu giá tranh này hoặc triển lãm nghệ thuật kia ở Qatar nhưng dường như chủ yếu đối tượng mua bán và thưởng thức vẫn là giới nhà giàu, trong số đó có những người tham gia với ý đồ thương mại hoặc chính trị. Hay hỏi cách khác, vấn đề lớn của Qatar hiện tại là, công chúng bình dân của văn hóa đang ở đâu?

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm