Vĩnh biệt nhạc sĩ Ngọc Châu: 'Lời thì thầm mùa Xuân' chợt tắt

18/03/2022 07:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Buổi sáng sau bữa quà bát phở Ấu Triệu, sang quán cà phê của Phi Phi thưởng một ly cà phê không đường. Tin dữ ập đến: Nhạc sĩ Ngọc Châu từ trần. Một cơn đau dựng lên. Ly cà phê không đường đắng ngắt. Lại càng đắng ngắt hơn. Tiếc khôn cùng một tài năng âm nhạc. Âm thầm lặng lẽ. Không chém gió. Tiếc đứt ruột.

Nhạc sĩ Ngọc Châu - tác giả của 'Thì thầm mùa Xuân' qua đời ở tuổi 55

Nhạc sĩ Ngọc Châu - tác giả của 'Thì thầm mùa Xuân' qua đời ở tuổi 55

Ca sĩ Khánh Linh, em gái nhạc sĩ Ngọc Châu vừa nói lời chào tạm biệt đến người anh yêu quý của mình. Thông tin này khiến nhiều người hâm mộ đều bất ngờ và thương tiếc trước sự ra đi của anh.

Ngọc Châu là bút danh của Phạm Ngọc Châu, trưởng nam của nghệ sĩ đàn bầu Ngọc Hướng và nghệ sĩ hát Vũ Dậu. Ngọc Châu sinh ngày 16/9/1967 ở Hà Nội. 5 năm sau ngày 16/9/1972 là ngày những người lính cuối cùng rút khỏi thành cổ Quảng Trị khép lại quẻ dịch “Thủy hỏa ký tế” - quẻ thứ 63 Kinh Dịch. Có lẽ vì thế, sự ra đi cuối Xuân của Ngọc Châu ở tuổi 55 cũng là sự khép lại của quẻ dịch này. Một cuộc “sang sông” trọn vẹn hanh thông có lẽ vì thế mùa Xuân này khép lại sớm với chàng nhạc sĩ tài năng. Ở cõi bên kia là bừng nắng mùa Hè. Ở cõi ấy, Ngọc Châu sẽ gặp bạn thân thiết Lương Minh.

Ca sĩ Mỹ Linh thể hiện ca khúc "Thì thầm mùa Xuân" của Ngọc Châu:

Con nhà nòi nhưng không sống trong hào quang của song thân, Ngọc Châu tự lập thân bằng chính tài năng của mình. Ngay từ khi đang học Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội, Ngọc Châu đã cùng các đàn anh Đức Trịnh, Phạm Ngọc Khôi lập ra ban nhạc Hoa Sữa với tiêu chí tự thể nghiệm con đường âm nhạc của thế hệ mình.

Ban nhạc Hoa Sữa ra đời, ngay lập tức đã khẳng định mình bằng một lối chơi riêng mang âm hưởng dân ca thuần Việt. Mùa Thu năm 1993 tại Liên hoan Các ban nhạc nhẹ tại Đà Nẵng, ban nhạc Hoa Sữa đã được vinh danh. Không chỉ vinh danh ban nhạc, Hoa Sữa đã vinh danh cả ca sĩ trẻ Mỹ Linh bằng ca khúc Thì thầm mùa Xuân của Ngọc Châu.

Thì thầm mùa Xuân đã mang đến mùa Xuân sáng tạo cho biết bao ca sĩ từ đó đến nay. Nó vẫn rền vang trên bầu trời âm nhạc Việt, rền vang mãi cho một khuynh hướng sáng tạo ca khúc pha nhạc nhẹ như tự thân thế hệ Ngọc Châu muốn khẳng định.

Nhạc sĩ Ngọc Châu sinh ngày 16/9/1967. Anh mất lúc 7h20 ngày 17/3 tại Bệnh viện 108 (Hà Nội) do suy tim giai đoạn cuối.

Lễ viếng nhạc sĩ Ngọc Châu diễn ra lúc 12h-13h ngày 19/3 (tức 17/2 Âm lịch) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; an táng tại quê nhà Ngọc Lâu, Phú Xuyên, Hà Nội.

Sau đó ít lâu, người mến mộ âm nhạc lại rền vang một ca khúc Ngọc Châu viết cho phim truyện -ca khúc Cô Tấm ngày nay. Thực ra, Ngọc Châu đã tự thể hiện khuynh hướng này tới những ca khúc đầu tay như: Nếu điều đó xảy ra, Ngây thơ. Và sau đó là những Chiều Xuân, Mùa Thu vàng, Những nụ hôn nồng cháy, Bài ca đầu tiên, Mẹ… tất cả đã góp phần làm nên gương mặt thế hệ nhạc sĩ thứ 5 sau tiền chiến, chống Pháp, chống Mỹ, đầu hậu chiến.

Có thể thể loại ca khúc “dân gian - đương đại” bắt đầu từ những đóng góp của thế hệ này. Họ muốn đưa chất kinh viện vào nhạc nhẹ theo kiểu D.Ellinton đưa kinh viện vào nhạc jazz, Pink Floyd đưa kinh viện vào rock. Và họ đã thành công.

Từ thành công đó nhạc sĩ Ngọc Châu đã có những tác phẩm không lời như tiểu phẩm Lời ru quê hương viết cho saxophone và piano, thơ giao hưởng Tháng 8 mùa Thu. Anh đã trở thành giám đốc âm nhạc cho Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương (nay là Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam) từ năm 1996 đến năm 1998 và sau đó là cộng tác viên của Tiểu ban ca nhạc tạp kỹ, VTV3.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Ngọc Châu. Ảnh: Facebook Ngọc Châu

Biết Ngọc Châu và Hoa Sữa từ năm 1990, tôi còn ngạc nhiên khi nghe Ngọc Châu hát. Ấn tượng nhất là ca khúc Một mình của Thanh Tùng và Ngọc Châu là người hát đầu tiên. Hiểu biết của Ngọc Châu về nhạc đương đại đã cho chàng hướng cô em Khánh Linh vốn hát thính phòng trở thành một tên tuổi kế tục mẹ Vũ Dậu - người đã hát từ hát thính phòng bước sang lĩnh vực nhạc nhẹ của thế hệ đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, học theo đàn anh Đức Trịnh, Ngọc Châu đã miệt mài với phòng thu digital để bồi đắp thêm năng lực sáng tạo của mình cho thời đại mới.

Tôi quý trọng Ngọc Châu đến mức năm 2002, nhân kỳ World Cup diễn ra ở Hàn Quốc - Nhật Bản, tôi đã mời Ngọc Châu là tổng chỉ huy chương trình âm nhạc của công ty tôi - công ty TKK concert - để mang sang Hàn Quốc biểu diễn. Rất tiếc do trục trặc về hợp đồng tài chính giữa công ty tôi và Công ty Sean Seoul Hàn Quốc nên đã không thành. Sau đó tôi đã mời Ngọc Châu đi viết cho Ngân hàng VietinBank năm 2003 nhưng mặc dù đã nhận tạm ứng song sau đó Ngọc Châu cảm thấy không thể đáp ứng được nên trả lại tạm ứng. Tôi đánh giá đó là nhân cách.

Năm 2007 tôi lại tiếp tục mời Lương Minh, Ngọc Châu, Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo đi viết cho VNPT, Ngọc Châu nhận lời đi thực tế cùng nhưng chỉ để biết đất nước chứ không tham gia viết. Chuyến sáng tác đó, Đỗ Bảo đã thành công bởi ca khúc Bài ca thời đại. Có lẽ nhận ra hạn hẹp gì đấy ở mình, Ngọc Châu đã nhường bước cho Đỗ Bảo- một nhạc sĩ đàn em, thua mình 11 tuổi.

Chỉ làm những gì mình thích, Ngọc Châu đã hết lòng giúp cô em Khánh Linh khẳng định mình trong các chương trình âm nhạc độc diễn. Lúc nào cũng lễ phép, luôn gọi tôi là chú Kha. Nhưng tự đáy lòng, tôi luôn coi nhạc sĩ Ngọc Châu như người thầy trẻ của mình qua những chia sẻ, những góp ý rất chân thành.

Trong bộ 3 sáng tạo âm nhạc ngày ấy của Hoa Sữa, tôi luôn luôn kính trọng tài năng của họ. Bây giờ thì Lương Minh đã ra đi trước, cuối Xuân này là Ngọc Châu. Còn Vũ Quang Trung thì đang phiêu lãng con đường âm nhạc của mình ở quận Cam, California, Hoa Kỳ.

Ngọc Châu ơi! Chú Kha muốn khóc quá mà không thể khóc nổi. Bệnh suy tim đã cướp đi một tài năng âm nhạc ở tuổi 55, một tài năng không dễ gì thay thế nổi. Bây giờ chú Kha khóc đây. Cầu mong Ngọc Châu ở cõi bên kia luôn phù hộ cho làng nhạc Việt, để một ngày trong tương lai sẽ sánh vai với thế giới tươi đẹp của chú cháu mình. Vĩnh biệt!

“… anh trong trái tim mọi người”!

Khi biết tin Ngọc Châu qua đời, nhạc sĩ Đỗ Bảo đã chia sẻ những cảm xúc của mình trên Facebook cá nhân về người anh nhạc sĩ tài hoa:

“Trái tim của anh chưa bao giờ có chỗ cho những nhỏ nhen, giận dữ. Trái tim và sự sống của anh luôn chỉ đầy ắp cảm xúc của một con người nhân hậu. Thông qua âm nhạc, tất cả những gì anh từng viết đều chỉ là để anh viết về tình người.

Với những bông lơn vui đùa dí dỏm của anh ngoài đời thường cũng vậy, tất cả chỉ là anh đang tha thiết nói về cách mà con người ta hay thế giới này trở nên tử tế, tốt đẹp hơn.

Thông qua suy nghiệm, những trăn trở hay góc khuất buồn riêng, tất cả những gì anh trải nghiệm trên đời đều là để đạt đến sự tự do cao nhất của con người nói chung và tâm hồn anh nói riêng.

Tài năng cùng đức độ của anh là hiếm hoi, là tấm gương trong lành để nhiều người trong đó có em soi nhìn, gạn lọc mà học hỏi suốt đời. Những bài hát gọn gàng, tươi tắn của anh còn đó là những dấu son trong lòng mọi người, chúng tuyệt vời lắm đó anh ơi.

Em thích nhất bài gì anh biết không? Bài anh viết về mẹ, Điều không thể mất:

Như con sóng trào, dạt dào yêu thương

Mưa giông bão nổi trên thế gian nào đâu sánh bằng

Tình mẹ thương con, qua mọi gian nan

Tình mẹ thương con chứa chan không mất bao giờ

Tháng năm, con sống trên đời dù bao gian lao

Trái tim con hướng về mẹ như ánh mặt trời

Như con sóng trào, dạt dào yêu thương

Con luôn nhớ về tình mẹ bao la

Sẽ không đánh mất... trong tim

Thương anh nhiều, nhưng như mọi khi em không có gì than phiền về anh cả. Luôn tin tưởng và tôn trọng anh, kính yêu và biết ơn anh. Mọi điều anh từng lựa chọn để ở gần hay xa đời sống hẳn luôn là những điều tốt nhất, phù hợp nhất với anh, và thế thì cũng thật tốt rồi.

Mong anh cứ mỉm cười vững tin và thanh thản ở bất cứ nơi đâu Ngọc Châu nhé! Có những điều không thể mất trong trái tim anh, như mẹ, như tình người và cuộc đời dạt dào yêu thương. Cứ thế, bởi anh là thế, nên cũng đã có những điều không thể mất, như anh trong trái tim mọi người!”.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm