Vi Thuỳ Linh: Đừng gọi tôi là nhà thơ

06/03/2014 10:34 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Sau 16 năm dành tình yêu cho thơ, Vi Thuỳ Linh chuyển sang thể loại văn xuôi đánh dấu bởi sự xuất hiện tập tuỳ bút thứ 2, Hộ chiếu tâm hồn vừa được ra mắt.

Sau 16 năm dành tình yêu cho thơ, Vi Thuỳ Linh chuyển sang thể loại văn xuôi đánh dấu bởi sự xuất hiện tập tuỳ bút thứ 2, Hộ chiếu tâm hồn vừa được ra mắt.

* Chị nói sẽ “đi vắng” trong 3 năm, 3 năm sau người đọc sẽ chờ đợi gì ở Vi Thùy Linh?

- Tôi là người tổ chức cuộc sống kém, tôi không thể làm một lúc nhiều việc, chẳng hạn như vừa làm một người mẹ tốt, vừa làm một nhà viết sách hay, lại vừa viết báo điêu luyện hàng ngày thì không được. Thế nên, sau cuốn sách này tôi phải dừng lại để thể hiện tôi là một phóng viên thiện chiến, tôi phải dành thời gian cho việc làm báo để trải nghiệm và tích vốn sống.

Và có thể gối đầu giữa ba năm là một cuốn chân dung các nghệ sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng mà tôi đã từng viết, từng gặp như là nhà sử học Dương Trung Quốc, NSND Y Moan, nhà văn Ngô Thảo… Trong đó, tôi lại tiếp tục thể nghiệm một loại mới, dựng chân dung thông qua việc đọc tác phẩm như: Hồ Dzếnh, Thạch Lam…


NSND Hoàng Dũng và nhà thơ Vi Thùy Linh

* Tại sao hồn thơ của chị lại có thể dừng một cách lý tính như vậy?

- Tôi đã dành cho thơ 16 năm, như thế là quá đủ rồi. Một đời người rất ngắn, tôi thì có nhu cầu bung tỏa, có khát vọng làm mới. Về thơ của tôi, độ mới chỉ có đến thế thôi, không phải vì tôi cạn vốn mà vì bây giờ tôi có ham muốn viết tuỳ bút. Vì thế, tôi phải khống chế việc làm thơ lại.

Thật sự, bây giờ tôi làm thơ rất khó khăn, vì tôi đã dùng lý tính khống chế thành công quá, đến mức bây giờ đầu tôi chỉ có tư duy văn xuôi. Khó khăn không phải mình không viết được ra chữ, mà vấn đề là viết cái gì mới, ấn tượng, như người ta đã luôn nhớ về mình, chứ không phải xuất hiện như gặp ở đâu rồi hoặc vẫn là cái mùi cũ.

* Có phải chị sợ người ta nói thẳng rằng chị đã cạn vốn thơ?

- Không phải tôi sợ, mà thực sự tôi có nhu cầu viết văn. Còn một thực tế khách quan nữa mà tôi rất cay đắng, thậm chí tôi không muốn được gọi là nhà thơ Vi Thuỳ Linh nữa, bởi tôi là người phải đi bán thơ, đi xin tiền để in thơ, trong khi tốc độ tiêu thụ của thơ không bằng văn xuôi. Tôi cần độc giả, tôi cần chiếm lĩnh họ, thậm chí tôi khát vọng “xâm lược” họ.

Sự đối xử bạc bẽo của công chúng và hình ảnh nhà thơ rất nhem nhuốc qua những câu trào phúng, phim ảnh đại loại như “ui giời ơi, lại thơ với thẩn”… làm cho tôi cảm thấy mình không đủ năng lượng và yếu tố để làm cho mình sang trọng trong thi ca. Một đời người rất ngắn, tôi nghĩ tôi có khả năng quyến rũ độc giả ở thể loại khác. Tại sao tôi cứ lao mãi vào một con đường thơ khó nhọc?

* Vậy chị cũng chỉ là một nạn nhân muôn thủa của “Cơm áo không đùa với khách thơ”?

- Tôi khẳng định là không. Trong việc từ bỏ thơ, có một yếu tố nữa đó là vì có một số người đi sau nói rằng: Vi Thuỳ Linh giữ ngôi thơ hơi lâu. Thế nên, tôi bỏ đi để xem sức hút của thơ mà các vị ấy làm có chiếm lĩnh được như sức hút thơ mà tôi từng làm không.

Không in sách đem tặng để… mua danh

* Liệu chị có giống một số người, không vượt được đỉnh cao của mình, nên rẽ hướng khác?

- Cảm hứng sáng tạo và vỉa mạch của tôi lúc này không làm tôi có cảm hứng với thơ nữa. Trong đó có cả yếu tố khách quan, yếu tố tiền bạc, đời sống ngặt nghèo  và cái gọi là thái độ công chúng. Tôi không phải là một loại nhà thơ ngớ ngẩn đi đường, đầu lao vào cột điện và ngửa mặt đếm lá vàng rơi. Cuộc sống cần kích cầu, khi cuốn sách của tôi bán tốt, tôi có nhu cầu viết tiếp. Tôi không phải in sách đem tặng để mua danh…

* Chị có thể chia sẻ về Đêm Linh - Hộ chiếu tâm hồn diễn ra tối nay (6.3) trình diễn những tác phẩm trong “hộ chiếu” của mình?

- Tôi cố gắng kiếm tìm khán giả, tăng thị phần cho văn học bởi văn học có quyền sang trọng, văn học không thể lúc nào cũng lủi thủi và tự ti.

Trong đêm diễn, sân khấu chưa đầy 60m2 . Tôi chủ trương phục vụ văn học salon cho Hà Nội. Khoảng cách giữa tác giả và người tiếp cận rất gần về địa lý, họ gần nhau trong cảm giác về âm thanh, về sự ấm cúng, chứ không phải sân khấu để họ thưởng thức bằng mắt.

Hà Nội trước năm 1945 đã có nhiều salon văn học của các nhà xuất bản tư, của các nhóm văn chương như Đời nay, nhóm của Nhất Linh và Thạch Lam,… không nhẽ hơn 70 năm Hà Nội lại mất hẳn hay sao?!

Tôi sẽ xuất hiện một lần trong tác phẩm lúc gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng. NSND Hoàng Dũng sẽ đóng vai nhà văn Thạch Lam, tôi được gặp ông ấy, tôi được nắm tay ông ấy, chạm vào ông ấy. Đấy là một cảm xúc thực sự mà tôi đã từng về Cẩm Giàng hồi tháng 9 năm 2013.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Mạnh Cường - Nguyễn Hoa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm