Từ phiên đấu giá trực tuyến của nhà Sotheby’s Hong Kong: Đáng lý Lê Phổ phải ở địa vị số 1!

04/06/2021 08:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Phiên đấu Modern Art Online: From Zao Wou-Ki to Le Pho (Trực tuyến nghệ thuật hiện đại: Từ Triệu Vô Cực đến Lê Phổ) của Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc) diễn ra từ ngày 1 đến 8/6/2021. Đáng lý tên phiên đấu này phải là Từ Lê Phổ đến Triệu Vô Cực, vì trong Top 10 dẫn đầu về giá ước định, không có lô nào của Triệu Vô Cực, trong khi Lê Phổ có đến 4 lô.

Tranh 'Sắc hoa' của Lê Phổ bán 27.000 USD

Tranh 'Sắc hoa' của Lê Phổ bán 27.000 USD

Phiên đấu giá số 24 tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn (63 - Hàm Long, Hà Nội) tối 28/7 đã kêt thúc với bức sơn dầu trên lụa mang tên "Sắc hoa" (kích thước 46x16cm, sáng tác khoảng năm 1960) của danh họa Lê Phổ được gõ búa với mức giá 27.000 USD (mức giá khởi điểm là 23.000 USD).

Tuy nhiên, đó chỉ là ước muốn của những người yêu quý Lê Phổ (1907 - 2001), chứ trên thị trường quốc tế cũng như tại thị trường Hoa ngữ, tên tuổi và địa vị của Triệu Vô Cực (趙無極, 1921 - 2013) rất là lớn. Năm 2019, giá bình quân một tác phẩm của ông vào khoảng 631.500 USD, năm 2020 vào khoảng 840.000 USD. Giá trần của ông bây giờ đã ngang tầm với Willem de Kooning, Mark Rothko, Francis Bacon… Tác phẩm Juin-Octobre 1985 của Triệu Vô Cực từng bán 510,4 triệu HKD (tương đương 65,2 triệu USD) tại Sotheby's Hong Kong.

Cho nên, việc Sotheby's Hong Kong đưa tên Lê Phổ đứng ngang hàng với Triệu Vô Cực đã là một đánh giá rất cao.

Chú thích ảnh
Bức “Hoa” của Lê Phổ có giá ước định cao nhất phiên đấu

Vì sao Lê Phổ được trọng vọng?

Lược dịch từ nguồn tin của LiveAuctioneer, chuyên gia mỹ thuật Lauren Bradley của Rago Arts and Auction Center (Mỹ) cho rằng: “Tôi nghĩ một trong những điều khiến Lê Phổ khác biệt với những người cùng thời là óc tưởng tượng. Trong khi nhiều họa sĩ trường phái ấn tượng tập trung truyền tải hiện thực của thế giới tự nhiên, tác phẩm của Lê Phổ đã chạm đến cảm giác tưởng tượng và bất ngờ thực sự. Trước khi vẽ tranh trên toan, ông ấy đã thực hiện hầu hết tác phẩm của mình trên lụa, điều này cho phép ông trau dồi một kỹ thuật ban đầu rất tỉ mỉ, càng làm cho tác phẩm sơn dầu về sau thêm nổi bật”.

Còn với giám đốc mỹ thuật Joseph Stanfield của Hindman Auctions (Mỹ) thì: “Một trong những lý do chính giúp ông ấy đạt được thành công như vậy là nhờ có một đại diện tuyệt vời. Ông ấy đã được xuất hiện khá trang trọng tại Chicago, New York, Palm Beach… từ đầu những năm 1960, thông qua phòng tranh Wally Findlay, điều này cho phép tác phẩm của ông được nhìn thấy ở nhiều địa điểm uy tín trên khắp nước Mỹ”.

Chú thích ảnh
Bức “Bạch mã” của Vũ Cao Đàm

Về thị trường, Lauren Bradley cho rằng: “Tác phẩm của Lê Phổ đang rất được lùng kiếm trên thị trường ngày nay. Các chủ đề đa dạng của ông thu hút nhiều nhà sưu tập khác nhau, cho dù họ quan tâm đến cuộc sống truyền thống của người Việt, về sự dịu dàng của tình mẫu tử, hoặc về những tĩnh vật hoa sống động, rực rỡ. Tác phẩm của ông ấy vô cùng nổi tiếng ở quê nhà Việt Nam, đồng thời, không thể phủ nhận, cơ sở sưu tập đầu tiên của ông ấy lại là quốc tế”.

Joseph Stanfield cũng đồng tình. Ông nói: “Thị trường cho Lê Phổ rất rộng và đang trên đà tiến triển nhanh. Năm nay chúng tôi có nhiều nhà thầu quan tâm đến Lê Phổ hơn 2 - 3 năm trước, nên thị trường sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.

Chuyên gia mỹ thuật Sandra Germain của Shannon’s Fine Art Auctioneers (Mỹ) nhận định rằng: “Các nhà sưu tập ngay lập tức bị thu hút bởi màu sắc và niềm hạnh phúc từ các tác phẩm của ông ấy. Khi bạn tức giận, nếu đứng trước tranh của Lê Phổ, bạn sẽ ngay lập tức mỉm cười”.

Lê Phổ có 3 thời kỳ sáng tác khá riêng biệt: Thời kỳ Hà Nội với chủ yếu là tranh lụa vẽ con người Bắc bộ; thời kỳ Romanet (Pháp) vẽ niềm hoài cố hương và chân dung quê mẹ; thời kỳ Findlay (Mỹ) chủ yếu sơn dầu tĩnh vật hoa. Nghĩa là tác phẩm của ông vừa bản địa, vừa hương xa, vừa quốc tế, nên phổ thị trường khá rộng, giới sưu tập dễ chọn lựa.

Phiên đấu của nhiều tranh Việt

Trở lại phiên đấu Từ Triệu Vô Cực đến Lê Phổ, với 63 lô hàng, những họa sĩ Việt và liên quan chặt chẽ đến Việt Nam chiếm đến 23 lô, hơn 35%. Ngoài Lê Phổ, phiên này còn có Vũ Cao Đàm, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Henri Mège, Alix Aymé, Emile Boudon, Đỗ Quang Em, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Quang Bảo, Trương Văn Thanh, Đặng Xuân Hòa…

Chú thích ảnh
Bức “The Portrait Of Lady” (Chân dung quý bà, 86cm x 100cm, 2001) của Đỗ Quang Em

Trong 10 lô hàng có giá ước định cao nhất, Lê Phổ có đến 4 lô, trong đó bức Flowers (Hoa, sơn dầu trên toan, 115cm x 88cm) với giá ước định từ 600.000 đến 900.000 HKD, tương đương hơn 77.000 đến 116.000 USD, cao nhất phiên này.

Phiên này còn có các tác phẩm của Léonard Tsuguharu Foujita (1886-1968), người từng đến Việt Nam và là bạn hữu của vài họa sĩ Việt thời kỳ đầu. Lê Phổ và Foujita sẽ đưa chúng ta ngược về Pháp hồi thập niên 1940 - 1950, khi phong cách Paris đang phát triển mạnh mẽ, còn chủ nghĩa hiện đại thì đang thời kỳ đỉnh cao.

Bức Le Cheval Blanc (Bạch mã, acrylic trên toan, 41cm x 33,5cm, 1973) của Vũ Cao Đàm với giá ước định từ 120.000 đến 180.000 HKD, tương đương hơn 15.400 đến 23.200 USD cũng hứa hẹn bán được giá cao. Đây là tạo hình tiêu biểu và thời kỳ vàng son của Vũ Cao Đàm, nơi ông kể các câu chuyện rất Việt Nam, nhưng thông điệp lại khá quốc tế.

Vài nét về họa sĩ Lê Phổ

Lê Phổ gần như sống xuyên suốt thế kỷ 20 ((2/8/1907-12/12/2001) với hơn 30 năm đầu tại Việt Nam, hơn 60 năm sau tại Pháp. Ông học khóa 1 Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với bạn thân Mai Trung Thứ (còn ký Mai Thứ, 10/11/1906-10/10/1980) và các đồng môn Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Cao Luyện, Công Văn Trung, Georges Khánh, Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh)…

Chú thích ảnh
Victor Tardieur và các sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoảng năm 1930. Lê Phổ đứng ngoài cùng bên trái, bên cạnh là Mai Trung Thứ

  

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm