Trương Uyên Ly: Người 'lập bản đồ' các không gian văn hóa sáng tạo

24/01/2020 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -  “Năng lượng sáng tạo ở Việt Nam là rất lớn, hoạt động văn hóa sáng tạo ở khắp mọi nơi…” đó là chia sẻ của Trương Uyên Ly - người được Hội đồng Anh đặt hàng “lập bản đồ” các không gian văn hóa sáng tạo (viết tắt là KGVHST) tại Việt Nam. Trong vòng 5 năm qua, Trương Uyên Ly đã nghiên cứu, công bố 4 báo cáo vào các năm 2014, 2016, 2018, và 2019 trong đó liệt kê “nhận dạng” khoảng 200 địa chỉ sáng tạo trên khắp Việt Nam, và danh sách này còn có thể dài hơn nữa…

Cần 'đánh thức' không gian văn hóa sáng tạo

Cần 'đánh thức' không gian văn hóa sáng tạo

“Không gian văn hóa sáng tạo” là gì, khi mà khái niệm này liên tục được nhắc tới trong thời gian qua? Cụ thể, sau cuộc hội thảo vào cuối tháng trước của thành phố Hà Nội, đến lượt Hội đồng Anh và Bộ VH,TT&DL vừa phối hợp tổ chức một hội thảo lớn về vấn đề này.

Trương Uyên Ly đã dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN) một cuộc trò chuyện:

* Từ đâu chị có ý tưởng “lập bản đồ” cho các KGVHST ở Việt Nam và chị đã kết nối như thế nào để Hội đồng Anh “đặt hàng” dự án ý nghĩa này?

- Tôi vốn là một nhà báo theo sát tường thuật sự phát triển của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, và đã có dịp làm việc với Hội đồng Anh ở các dự án khác nhau.

Vào năm 2014, Hội đồng Anh muốn thực hiện một báo cáo nghiên cứu, nhằm nhận dạng tình hình phát triển của các KGVHST Việt Nam để từ đó đưa ra các kế hoạch hợp tác tiếp theo với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo, tôi đã cùng Hội đồng Anh bắt tay tìm hiểu khái niệm “cultural creative hubs” – KGVHST.

Chú thích ảnh
Trương Uyên Ly chia sẻ về các không gian văn hóa sáng tạo

* Khi ghé thăm các KGVHST ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, chị nghĩ điều gì kéo dài định nghĩa về một KGVHST nhất?

- Định nghĩa phổ biến về KGVHST từ nước Anh cho rằng: “Một KGVHST là một địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.

Trong quá trình thực hiện dự án, tôi thấy rằng tính địa điểm dù cực kỳ quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất, bởi vì con người vẫn là yếu tố trung tâm của sáng tạo. Ở đâu có con người sáng tạo, có sự trao đổi, va chạm, có ý thức phát triển cộng đồng, hợp tác lẫn nhau thì ở đó có những yếu tố để KGVHST hình thành.

Vì thế, tôi đã gặp những nhóm chỉ họp nhau ở quán cà phê, nhưng đã cùng nhau làm những dự án văn hóa nghệ thuật xã hội rất ý nghĩa và có tác động sâu sắc tới người trẻ. Đó là Bảo tàng thấu cảm - nhằm khuyến khích tính thấu cảm trong xã hội. Dự án này đã kết thúc, nhưng dư âm về tính nhân văn của nó thì vẫn còn để lại.

Chú thích ảnh
Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine do Trương Uyên Ly lãnh đạo

* Điều thú vị, điểm yếu, điểm mạnh… của các KGVHST mà chị từng khảo sát, ghé thăm?

- Điều thú vị là các KGVHST ở Việt Nam cũng có đặc điểm khá chung với các KGVHST khác trên thế giới, đó là thừa đam mê, nhiệt huyết và mong muốn phát triển xã hội, song lại thiếu khả năng quản trị, lập kế hoạch và kinh doanh.

Các KGVHST ở Việt Nam đa số được lập ra bởi những người có chuyên môn về sáng tạo, ví dụ nghệ sỹ, nhà thiết kế... vì thế họ rất giỏi trong việc truyền cảm hứng, tạo ra tác động xã hội, giúp phát triển con người, nhưng lại chật vật với việc quản lý tài chính, nhân sự, kinh doanh.

Nhiều KGVHST mở ra với một giấc mơ rất đẹp và ý nghĩa, nhưng rồi cũng sớm đóng cửa, một phần cũng vì thiếu kỹ năng quản trị khi đối mặt với những khó khăn thực tế…

* Năm 2014 chị nêu nhiều lý do khiến nhiều KGVHST ở Việt Nam phải đóng cửa như: Bất ổn với chủ nhà, giá thuê nhà đắt đỏ, thủ tục cấp phép “lôi thôi”… Nhưng qua 5 năm, các KGVHST đã không ngừng tăng lên. Năm 2014 chị thống kế có khoảng gần 40 KGVHST tại Việt Nam. Con số này đã tăng lên tới 140 vào năm 2018 và khoảng 200 vào năm 2019, tăng gấp 5 lần, điều này chứng tỏ điều gì?

- Mặc cho các khó khăn như tôi đã nêu, số lượng các KGVHST vẫn tiếp tục tăng nhanh, cho thấy sự phát triển hứng khởi và tinh thần sáng tạo ở Việt Nam. Bên cạnh những không gian sớm phải đóng cửa vì nhiều thử thách, cũng có những không gian học được cách tồn tại và ngày càng bản lĩnh hơn, tự tin hơn trên con đường của mình.

Tôi vui với điều này, bởi vì sự phát triển tăng lên của các KGVHST cho thấy con người trong xã hội đang ngả về phía các giá trị tinh thần hơn trước kia.

Chú thích ảnh
Các khóa học làm phim ngắn tại TPD

Năm 2020 sẽ bùng nổ văn hóa sáng tạo

* Được biết, theo khảo sát của chị, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng KGVHST với gần 100 trên tổng số 200 KGVHST của cả nước. Không chỉ lớn mạnh về số lượng, các KGVHST ở Hà Nội còn đa dạng, phong phú về các mô hình sáng tạo, từ mỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc, phim ảnh… Hà Nội đang trở thành một KGVHST lớn giúp khai mở tiềm năng sáng tạo, chị nghĩ sao về điều này? Và theo chị, Hà Nội cần làm gì để các KGVHST phát huy giá trị?

- Hà Nội là nơi có nhiều KGVHST, cho thấy một tiềm năng lớn, nhưng hiện nay các KGVHST phát triển một cách tự phát, chưa có sự kết nối lẫn nhau để thể hiện một sức mạnh chung. Phía nhà nước hay chính quyền thành phố mới bắt đầu để ý đến sức mạnh của KGVHST và đang có những kế hoạch để biến Hà Nội thành một không gian sáng tạo lớn.

Kế hoạch thì đã có, nhưng triển khai ra sao cũng quan trọng không kém. Tôi cho rằng cần ít nhất một năm nữa, để nhìn thấy sức mạnh cộng đồng của các KGVHST. Tôi cho rằng năm 2020 sẽ là năm bùng nổ của văn hóa sáng tạo, ở cả phía tư nhân, lẫn phía nhà nước.

Tuy nhiên, theo tôi chính quyền Hà Nội cũng cần sáng tạo và tiên phong trong hành động, để cổ vũ, tạo điều kiện cho KGVHST phát triển, ví dụ ưu đãi về thuế, cởi mở và làm gọn các khâu cấp phép, cung cấp, hỗ trợ địa điểm cho các KGVHST hoạt động lâu dài ổn định.

* Được biết, không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine mà chị đang lãnh đạo là một trong 6 thành viên tiên phong sáng lập Mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam. Xin chị chia sẻ thêm về mạng lưới này?

- Mạng lưới Không gian sáng tạo Việt Nam - Vietnam creative hubs Initiative, gọi tắt là ViCHI, được ra mắt vào tháng 10/2019 bao gồm 6 không gian sáng tạo quan trọng ở cả ba miền: VICAS Art Studio, Đà Nẵng Business Incubator (DNES), Saigon Innovation Hub (SiHub), Hanoi Grapevine, Heritage Space và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD).

Đây là một nhu cầu kết nối tự thân của các KGVHST, nhằm hỗ trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và động lực, với mong muốn sẽ trở thành một cộng đồng lớn mạnh của tất cả các KGVHST của Việt Nam, có được tiếng nói chung mang tính đại diện cho các KGVHST Việt Nam trong bối cảnh quốc tế. Báo cáo về các KGVHST năm 2019 chính là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ViCHI do tôi thực hiện.

* Xin cảm ơn chị!.

Hoa Chanh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm