04/03/2022 08:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận nói nhiều về Linh ứng (NXB Dân trí), cuốn tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Mạnh Tuấn.
Trên Sài Gòn Giải phóng ngày 16/1/2022, tác giả Dương Trọng Dật đưa ý kiến: “Nguyễn Mạnh Tuấn cao tay ở chỗ đã không huyền thoại hóa nhân vật như trong các tiểu thuyết sử thi. Anh chỉ đơn giản là người kể chuyện”. Người kể chuyện Nguyễn Mạnh Tuấn có “sử thi” hay không? Đưa diễn biến tâm linh, linh ứng vào cốt truyện có phải là “huyền thoại hóa”?
1. Linh ứng mới được phát hành chính thức vào những ngày đầu năm mới 2022, kể chuyện đời của nhóm 3 nhân vật chính Minh Khôi, Danh Hùng, Huy Lan kéo dài từ giữa thế kỷ 20 tới những năm đầu của thế kỷ 21. Tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn chẳng những cần tới hơn 700 trang sách mà còn đưa vào trang viết của mình một chiều kích mới trong việc phản ánh hiện thực.
Là người viết chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm văn bút, Nguyễn Mạnh Tuấn huy động rất nhiều phép bút để tăng tính hấp dẫn cho tiểu thuyết mới của mình. Trong dòng chảy cốt truyện, có mạch truyện ly kỳ như trinh thám, hình sự.
Nhân vật Danh Quỳnh (cha Danh Hùng, Danh Huyền) ngay từ những trang nhập đề đã bắt đầu một điệp vụ chiến lược mà ông phải vào vai bội bạc người vợ hiền thục xưa, lừa dối tình nhân mới, khôn lanh khuyên con trai bỏ du học bên Mỹ, ở lại tham chiến rồi thành tử sĩ… chỉ để làm vỏ bọc, làm áo ngụy trang nhằm leo cao, lặn sâu vào hàng ngũ kẻ thù, thực hiện bằng được nhiệm vụ cách mạng.
Một hy sinh quá lớn! Cho mãi tới trang 548 nhân vật Danh Quỳnh mới được vinh danh bởi ông tướng tình báo Mai Chí Thọ, “Bảo lãnh cho anh ấy, chúng tôi không chỉ bảo lãnh cho sự trung thành và trong sạch của một người lính với sự nghiệp của mình, mà còn bảo lãnh cho một con người chân chính đúng nghĩa”. Và tới trang 706, bằng ngôn ngữ nhân vật, tác giả nhận chân người chiến sĩ tình báo ấy, ông là con người có “nhân cách lớn hơn chính kiến”.
Nhằm lôi cuốn bạn đọc, Linh ứng còn là một chuyện tình phức điệu với đôi chủ âm chung thủy Danh Huyền - Minh Khôi và rất nhiều các biến điệu hờn ghen, ly thân, ly hôn, âm mưu vu oan nhằm bắt rể, những hôn lễ cưới lấy được… với nhiều “nhân tình” khác.
Để hợp với cách đọc của độc giả thời buộc phải sống vội đọc nhanh, không còn khoái những hư cấu lãng mạn, khắc tạc hiện thực thành điển hình, mà muốn nhìn hiện thực như nó vốn là thế, Linh ứng được kể như một hồi ký, một tự truyện với nhân vật tôi - Nguyễn Mạnh Tuấn, minh bạch tên tuổi mình, vợ con mình… và thẳng thẳn khẳng định ngay ngoài bìa sách, mình là kẻ “siêu vô thần”.
Có thể coi Linh ứng là một tiểu thuyết tư liệu với rất nhiều tên tuổi thật, địa danh thật. Tham gia phát triển cốt truyện là vị tướng tình báo Năm Xuân (Mai Chí Thọ) như vừa nói trên kia, bác sĩ Trần Duy Hưng, Thị trưởng Hà Nội… và một danh sách dài các văn nghệ sĩ những bạn văn tâm huyết của tác giả, vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - Lý Phương Liên, vợ chồng nhà văn Chu Lai - Nguyễn Thị Hồng, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, nhà báo - chủ nhà hàng Lotus Phạm Văn Lân, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khắc Phục, Vũ Từ Trang, Chử Văn Long, Hoàng Hưng, Trần Nhuận Minh, Đoàn Trúc Quỳnh, nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan, đạo diễn Đinh Đức Liêm…
Chưa hết, tác giả còn mạnh tay dùng cách viết khoái hoạt, biến Huy Lan, 1 trong nhóm 3 nhân vật chính của tiểu thuyết, thành một nhân vật khôi hài kiểu hề chèo, một anh hề trí thức thông minh, tự trào để cười cợt cuộc đời! “Hề” Huy Lan vào vai anh chồng đần làm bung xung để vợ (Linh Xuân) chì chiết chuyện nhà, mà như một hồng vệ binh nơi bà ta du học, là chuyện thời cuộc, chuyện quốc tế: “Thằng ác bá đâu, tao thừa biết mày chỉ yêu chiếc Volga của bố tao chứ chằng yêu gì tao… một thằng dám bỏ người yêu để lấy người không yêu như mày dám làm những chuyện trời không dung đất không tha, nên chắc chắn mày đã chọc thủng bao cao su để tao có thai, chứ hàng Trung Quốc không đời nào có thứ kém chất lượng”.
Bằng ấy chất điều vị văn chương chừng như chưa đủ, tác giả mở thêm một chiều kích mới trong việc phản ánh hiện thực của mình - chiều kích nối trần gian với thế giới bên kia mà nhân vật Nguyễn Văn Lư và một số nhà ngoại cảm khác thực hiện trong việc gọi hồn, tìm mộ liệt sĩ. Công việc của họ được sự khảo sát từ các chuyên gia nghiên cứ về “tiềm năng bí ẩn của con người”, xuất hiện ngay từ trang đầu tiên của tiểu thuyết. Với sự dè dặt cần thiết như thế. Tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn đưa được vào tiểu thuyết nhiều trang hiện thực - tâm linh, những trang mới nhất trong tiểu thuyết mới của ông.
Đây là lời nhân vật Tư Quang - người quản trang nghĩa trang liệt sĩ Phước Long: “Tôi ở nghĩa trang này hơn hai chục năm, nhiều đêm nghe tiếng chân bộ đội hành quân, có đêm nghe tiếng hát, tiếng cười, cả tiếng khóc, tiếng đám nhậu. Tôi thức giấc và đem đèn pin đi soi, chẳng thấy gì. Lúc đầu nghĩ là mình ngủ mê. Sau quyết thức suốt đêm, từ của sổ nhìn ra, thấy toàn lính trẻ anh em mình. Tôi báo cáo lên trên”.
Dù những trang hiện thực - tâm linh vẫn được “báo cáo lên trên” như thế, nhưng tác giả Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn đặt dấu chấm hỏi chứ không khẳng định, khi nói về chiều kích mới trong phản ánh hiện thực của mình: “Cuộc sống của mỗi người chúng ta trên cõi trần gian này phải chăng có sự can thiệp sắp xếp vô hình của thế giới tâm linh nhằm tận cùng cân bằng đạo lý giữa con người với con người, giữa đời và đạo, giữa sống và chết, giữa xác và hồn?”. Câu hỏi mà tác giả hy vọng có giải đáp ở “vài chục, hoặc vài trăm năm sau”.
2. Đúng như những người biên tập cuốn sách giới thiệu, Linh ứng là câu chuyện “một người hùng lý tưởng muốn hy sinh tất cả vì tổ quốc, vì con người” (tr.9). Nhân vật lý tưởng Minh Khôi đưa vào Linh ứng chất sử thi hào hùng bằng chính những bước hành quân, hiểu theo nghĩa rộng, của mình.
Ở trang 501, tác giả để Minh Khôi lẫn vào đồng đội của anh. Và “Bài hát Giải phóng miền Nam trầm hùng… bất ngờ được cất lên từ lồng ngực cả sư đoàn hàng ngàn người lính: Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…”. Sức mạnh tinh thần của cuộc chiến 30 năm được dồn nén vào 4 chữ đẹp “lồng ngực sư đoàn”.
Ngay khi đã hy sinh tính mạng mình cho cuộc chiến bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, thì anh linh liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi, vẫn hiển hiện trong những ngày hậu chiến, tham gia những diễn biến của tiểu thuyết theo hướng hình thành một khía cạnh quan trọng của chủ để tác phẩm - mong muốn hòa hợp dân tộc. Mong muốn này thể hiện thật hay ở chương cao trào của tiểu thuyết, chương Quý nhân phù trợ.
Nhìn toàn cảnh, chương này như là bức tranh hòa sắc trên mọi miền đất nước, thiên nhiên và con người, tâm linh và tri thức, niềm tin và sự hiểu biết. Vì hòa sắc như thế mà giọng kể trở nên đa thanh, có bi, có hài. Cái bi của một đám tang lớn tầm quốc gia cho một người lính. Cái hài tự trào của chính tác giả, khi tí hí mắt theo dõi nhà ngoại cảm và bị lộ tẩy. Văn viết có hồn, có đoạn lời kể chuyển thành tiếng khóc ai oán, bên các di vật được lấy lên từ mộ liệt sĩ đang vô danh thành hữu danh, sau những thông tin từ cõi âm gửi tới nhà ngoại cảm:
“Đúng là nhà em rồi. Vì hôm cưới, anh Tráng bạn anh ấy bên pháo cao xạ tặng đôi lược và đôi nhẫn do chính anh ấy làm từ mảnh vụn máy bay Mỹ bị bắn rơi. Hôm lên đường vào Nam, anh nhà em chia đôi, mỗi đứa một chiếc, rồi nói rằng nếu 2 đứa cùng giữ được thì nhất định anh sẽ còn sống trở về. Chị lại bật khóc. Anh ơi là anh. Đến hôm nay, anh và em vẫn giữ được, sao em vẫn mất anh? Hu hu hu…”.
Đoàn viên trong tinh thần hòa hợp làm thành kết thúc có hậu của tiểu thuyết, thành kiến nghị tích cực của tác giả.
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất