Tản văn cuối tuần: Nhà tranh vách đất

11/07/2020 06:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là ngôi nhà xưa... ngôi nhà của những đôi vợ chồng trẻ mới ra riêng ở nông thôn miền đồng bằng Bắc bộ thời bao cấp.

Tản văn cuối tuần: Những khoảnh khắc của thần tiên

Tản văn cuối tuần: Những khoảnh khắc của thần tiên

Đó là những giây phút ngắn ngủi, diễn ra rất nhanh, trôi đi và gần như không bao giờ trở lại nữa. Tôi muốn gọi đó là giây phút của thần tiên - một thế giới khác hiện ra, ôm trọn thân thể mình, sung sướng, mê ly… đến nghẹt thở.

Sao lại nói là nhà của những đôi vợ chồng trẻ. Bởi vì mới cưới, họ chưa có của ăn của để, nhưng muốn ở riêng cho có tự do. Và bố mẹ chồng cũng muốn cho con ra riêng để tự lực lao động phấn đấu có nếp nhà khang trang sau này.

Vậy là, Đất thì của bên nội, tranh tre nứa lạt, rơm rạ, bùn đất... của cả hai bên nội ngoại xúm vào giúp đỡ. Rồi chọn ngày chọn tháng cùng nhau dựng lên ngôi nhà tranh vách đất cho đôi vợ chồng.

Ngôi nhà của bố mẹ tôi ngày xưa cũng thế. Một ngôi nhà như hàng chục ngôi nhà vách đất của làng Ngọc Minh yêu dấu (thuộc Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ngôi nhà được cất ở dẻo đất xeo xéo giáp mé bờ sông, lưng sát cổng nhà ông bà Khang, cửa hướng về phía làng Kỹ Trang.

Tôi nhớ ngôi nhà có khung sườn rặt tre. Bốn vách là bùn đất, cánh cửa cũng phên tre. Mái nhà lợp bằng rạ. Những ông bà chú bác trong họ Vũ nhà tôi như ông Khiển, ông Bộc, bác Sổ đều là những người có đôi bàn tay khéo léo. Chỉ là giúp con cháu chứ có công xá gì đâu. Ấy thế nhưng ngôi nhà chỉ bằng những nguyên liệu thôn quê dân dã được dựng lên, thêm một lớp nước vôi ông tôi quét nữa nhìn rất tươm tất xinh xắn.

Đúng vậy. Ngôi nhà rất xinh xắn trong ký ức của tôi. Ngôi nhà của đôi vợ chồng với một tình yêu vô cũng lãng mạn và đẹp. Ngôi nhà có hai đứa con một trai một gái ngoan xinh. Và đêm về, tiếng hát của cả nhà lại vang lên nghe râm ran cả một khúc sông.

Chú thích ảnh

Ngôi nhà của tuổi thơ tôi nền bằng đất. Nền được vượt bằng đất bờ sông nên phèn còn nhiều. Nền nhà luôn luôn bị sủi lên, rồi sau đó thì lỗ mỗ những cục đất nổi như ngọn núi tí hon.

Đi chơi nhà chị Tin (con bác Sổ), rồi nhà cái Tú (con bác Tìu)... tôi thấy nhà họ cũng nền đất sao phẳng lì láng mướt. Đứa trẻ tôi 4 tuổi không chịu được, lén lúc mẹ đi làm đồng lấy dao sủi cho bằng những ngọn núi ấy. Rồi cẩn thận dùng chày nện cho những vụn đất dính chặt vào khe trũng. Bàn tay thì bé, cái chày cái dao thì to, nhưng quyết tâm đã chiến thắng.

Ngắm nhìn cái nền nhà bằng phẳng lòng tôi vui sướng quên đi những vết rộp nơi bàn tay. Và sự vui sướng chỉ được vài ngày, bởi nền nhà lại mọc núi núi đồi đồi nhấp nhô sau những nhát chổi rễ mẹ và tôi thường quét. Phải quét bằng chổi rễ vì nền đất ẩm phèn có chổi rơm nào chịu được. Tất nhiên cái đứa gái 4 tuổi vẫn tiếp tục điệp khúc sủi sủi nện nện cùng với công cụ lao động là dao và chày thân thương.

Ngôi nhà tuổi thơ. Quên sao chiếc giường ở góc nhà. Quên sao chiếc phản gần cửa sổ. Và cả cái ban thờ bằng miếng gỗ có bát hương và lọ hoa nho nhỏ mẹ thường thắp hương ngày rằm mùng một.

Ngôi nhà tuổi thơ. Nơi có hàng chuối và vại nước trước cửa. Rồi vạt đất vườn hình tam giác bố mẹ trồng mấy vồng khoai lang. Mỗi dịp nghỉ phép bố lại dầm mưa xới xới cuốc cuốc. Rồi cái hàng chuối xanh ngăn sân với vườn luôn lộng lẫy gió và những con bọ nẹt xanh đu lá bỗng nhiên có một cây chết đứng. Dường như là một sự báo hiệu cho những chia ly sau này.

Ngôi nhà tuổi thơ. Nơi có chái bếp, chuồng lợn, hố tiêu đều bằng đất. Nhớ nơi chái bếp tôi từng giúp mẹ nấu cơm, nấu cám bằng rơm rạ lá tre. Chái bếp cũng chứng kiến chuyện mẹ đậy cái nia chặn cửa nhốt hai chị em mỗi khi nhà có khách. Khách đến nhà, bố mẹ làm món gà luộc, canh miến, canh sườn nấu chuối đãi khách. Và hai chị em tôi thì phải định cư dưới bếp tận đến lúc bố mẹ tiễn khách ra về mới được lên nhà. Có bận, mặc dù tôi đã bày đủ trò, từ ô ăn quan, oẳn tù tì, đố vui... cho em chơi. Nhưng cái mùi thức ăn từ nhà trên bay xuống cùng tiếng mẹ đon đả: "Các bác mời đi, cháu nhà em nó ăn no rồi" làm cho thằng em cứ ngóng lên nhà vùng vằng mãi điệp khúc "Mẹ nói dối, em đói".

Ngôi nhà tuổi thơ, nơi có hàng rào bằng cây mây giáp với cổng nhà chú Đản (bà Khang), những bụi mây chằng chịt gai góc. Có bận đợi mẹ nấu cơm xong, em tôi lén nhón miếng thịt nuốt. Ăn vụng, sợ mẹ mắng chị trêu nên trốn biệt trong bụi mây. Đến giờ ăn, cả nhà đi tìm gọi khắp không thấy em. Cả xóm ào tới giúp tìm, các chú phóng xuống sông xuống ao mò... vẫn không thấy. Khi cả xóm đã nản, mọi sự tin vào phép màu trong nước mắt ngắn dài gào thét của ông bà và mẹ tôi thì em từ từ chui ra khỏi cái bụi mây sát ngay bên đám đông đang bàn tán. Trời ạ. Ai nghĩ cu cậu lại chui vào cái bụi mây đầy gai rậm rạp ấy. Ai nghĩ cu cậu lại lì đến mực hỏi không nói gọi không thưa như thế. Nỗi mừng vui đã làm cho ông bà và mẹ ôm vồ lấy nó mà quên phắt đi việc mắng cái thằng cháu thằng con đích tôn lì lợm ấy.

Ngôi nhà xưa... nơi tôi nhìn thấy mỗi lần mẹ ốm, bố đã nấu cơm rồi bưng lên tận giường, nâng đầu mẹ vào trong lòng bố đút cho mẹ từng muỗng cơm. Cái đứa gái bốn năm tuổi lại lanh chanh lấy nước lấy khăn phụ bố và ước bố sẽ luôn chăm mẹ như thế.

***

Sau này, bố mẹ tôi vào Nam, ngôi nhà tuổi thơ của tôi được bán cho chú Long cũng là người trong làng. Được biết, một người con trai của chú Long sinh ra tại ngôi nhà ấy cũng có tài ca hát nổi tiếng mạng xã hội với nghệ danh nghệ sĩ hát chèo Hoài Thanh. Trên nền đất ấy gia đình chú Long đã xây lên một ngôi nhà khang trang kiên cố.

Ngôi nhà xưa của tôi thì mãi mãi còn trong ký ức của tôi, mỗi lần về thăm quê tôi lại tìm về đứng tần ngần ở cổng để mong hà hít tìm lại chút dư vị ngày xưa. Và tôi biết, ngôi nhà ấy sẽ mãi mãi dằm sâu trong ký ức của tôi.

Nhà thơ Vũ Thiên Kiều

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm