Sống chậm cuối tuần: Tháng Mười ra đồng gặt lúa

28/09/2019 08:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày nay, dân thành phố xa rời đồng ruộng đã đành, lớp trẻ sống ở quê cũng rất khó có thể hình dung một thời người nông dân đã cày bừa, gieo mạ, thu hoạch, xay xát... ra sao để có bát cơm mới.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Sống chậm cuối tuần: Nhớ bát canh cua đồng

Sống chậm cuối tuần: Nhớ bát canh cua đồng

Mùa Hè nóng như đổ lửa, chợt nhớ bát canh cua đồng. Bây giờ hàng riêu cua, lẩu cua rất sẵn, nhưng cái hương vị bát canh cua đồng xưa thì còn lâu mới chạm tới được.

1. Tháng Mười trời hanh heo, là vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm.

Tháng Mười, là tháng theo cha mẹ ra đồng gặt lúa. Bố mẹ gặt, còn mình bắt muỗm. Ôi nhớ lắm những con muỗm xanh béo nẫn, những chú muỗm gỗ có bộ cánh màu rơm khô, bàng bạc trắng cũng béo trục béo tròn.

Khi những chân rạ cuối cùng trong mảnh ruộng bị cắt xuống, không còn chỗ trú, chúng luống cuống xoay xở cái thân ục ịch một cách khó nhọc để tìm chỗ ẩn nấp, nhưng chỉ là những cố gắng bất lực. Không biết chúng ăn gì khi lúa trên đồng hạt khô, thân khô, lá lúa cũng khô xác mà vẫn béo mập như vậy? Chúng ăn gì nhỉ? Vào buổi lúa ngậm đòng còn nghĩ là nó hút sữa trong hạt lúa, nhưng vụ thu hoạch thì lúa khô xác hàng tuần, có cái gì tươi sống mà ăn?

Bây giờ ngồi viết những dòng này, nhớ con muồm muỗm, lại thấy lòng nao nao một nỗi buồn xa xăm xen lẫn sự hối hận mơ hồ. Thấy thương những con muỗm tội nghiệp, nó cũng là một sinh linh, nó cũng cần được sống…Vậy mà lúc ấy ham đón đầu bờ bắt vì đó là món ăn ngon. Nhưng bây giờ, khi sống qua đủ ngũ hành, mới thấy tuổi trẻ dương tính mạnh, hướng theo cái thích thú, thỏa mãn cái thích thú của mình nên rất dễ mắc lỗi. Chưa biết đến lòng trắc ẩn thì nhẫn tâm mà không biết.

2. Tôi nhớ Tháng Mười vì đã từng cắt lúa, xén lúa, làm tất cả những việc này trong mùa thu hoạch ở tuổi 20. Lúc ấy tôi đã là một nông dân thực thụ.

Cái liềm xén to hơn hai lần liềm cắt. Độ cong vòng mở rộng như mỏ con chim giang. Khi lúa cắt ngả thành từng món sắp hàng trên mặt ruộng khô nẻ thì thợ xén bắt đầu vào việc. Tay trái vén mô lúa, tay phải cầm liềm, lúa được tay thu gọn thành một chét ốp vào chân trái, Lúc này liềm lùa xuống dưới, được kéo lên một nhát xoẹt là cụm lúa nằm gọn trong tay. Sau đó là đi lượm. Cứ ba tay xén được một lượm to.

Chú thích ảnh
Vui đùa của trẻ trong mùa gặt lúa. Ảnh: Trần Trọng Lượm. Nguồn TTXVN

Những ngày tháng Mười, chân trái thợ xén lúa không ai còn tí lông nào vì cọ xát với gốc rạ. Lông đứt sạch. Tôi da chân mỏng còn bị xát, đỏ hỏn. Cổ chân như cổ gà chọi.

Không thể quên được những ngày từng làm thợ xén lúa. Tuổi 20 mà về nhà sống lưng đau sụn, nằm cả đêm sáng ra mới thấy đỡ.

Tháng Mười, khi ấy chưa có máy tuốt lúa, cũng chẳng có đủ công sức đập tay, nên mọi nhà thường xếp lúa vòng tròn trước sân rồi đứng trong dắt chạc điều khiển bốn con trâu đạp lúa. Muốn có trâu đạp lúa thì phải hỏi mượn từ hôm trước. Trẻ con như tôi được phân công trực sẵn, tay khư khư cái sọt trong lòng phủ lớp rơm để sẵn sàng hứng phân. Sau một ngày ăn uống no nê, lúc đạp lúa trâu hay hồn nhiên đứng "ị". Phải bê sọt hứng nhanh không phân rơi xuống thóc.

Đạp lúa vào những đêm sáng trăng còn vui. Nếu vào ngày đầu tháng thì phải thắp đèn ba dây treo trước cửa lấy ánh sáng nhập nhoạng mà điều khiển trâu và gẩy rơm sau đó. May mà vụ lúa tháng Mười không dễ gặp mưa như vụ chiêm tháng Năm.

Đạp được mẻ lúa rồi, hôm sau là ngày của mẹ và chị cào, xảy nhặt nhạnh hết rác vụn, chỉ còn hạt thóc trên sân. Phải thêm dăm ngày phơi nắng, khi cắn hạt giòn cấc là được. Đó là khi rơm lên đống, thóc vào bồ. Nghe quy trình thì đơn giản, nhưng có năm thấy mẹ phàn nàn, mẻ gặt này phơi thóc bị gió Tây, gạo bị trợn, hạt gẫy nhiều tấm, cơm mất ngon.

Lúc ấy tôi chẳng hiểu sao lại thế, gió Tây là gió gì thổi vào lúc nào. Thì ra những kinh nghiệm nhà nông nó khác hẳn với các loại khoa học máy móc ngày nay. Kinh nghiệm đó là dân gian, còn khoa học ngày nay là bác học. Nhưng cũng nhiều khi kết quả nó gặp nhau.

3. Tháng Mười, sau ngày gặt, thu rơm rạ về đánh đống. Rơm làm thức ăn cho trâu bò vào mùa Đông, rạ dùng đun nấu. Có lúc rạ còn dùng lợp mái nhà.

Nghỉ ngơi chừng một tháng, sau đó là bắt đầu cày ải. Cày ải là xới đất từng luống cho tơi lên. Đất xới lên phơi dưới nắng hanh heo khoảng một tháng nước trong đất bốc hơi, đất khô nỏ. Trong thời gian đó, mọi nhà chuẩn bị cho cái Tết Âm lịch. Ăn Tết xong, nước được bắt vào đồng. Khi đất khô ải thì nước đi đến đâu đất mủn ra đến đấy. Chỉ vài đường bừa là đất nhuyễn cùng phân chuồng phân xanh đã được ủ kỹ rải ra mặt ruộng trước khi bắt nước vào.

Tháng Mười, ngày nắng hanh, đêm lạnh buốt, có gì hơi giống khí hậu lục địa.

Lạnh buốt là do sương muối. Những ngày sương muối nặng liên miên thì chuối táp lá, có lúc rau khoai lang cũng bị sương muối làm nẫu cả đám. Những ngày lạnh như thế, dẫn trâu ra đồng cày ải thường bị những gốc rạ cứng như đinh xỉa vào chân đau buốt. Năm bảy chục năm trước đây, dân quê thường đi chân đất, sang trọng lắm thì có đôi dép cao su, nhưng chỉ khi đi ra ngoài. Chính vì thế mà phần da phía gót gầm bàn chân nhiều người thường bị hà lỗ chỗ, có lúc rát, có khi ngứa.

Tôi rửa sạch chân, ngồi lấy tăm khêu ra thấy li ti những vụn trắng như cát. Mẹ bào đó là sâu cát, chẳng biết đúng không. Chỉ đến khi thoát ly khỏi nhà, thôi cày ruộng lội nước và đi chân dép thì gầm bàn chân mới hết rỗ. Tình trạng chân cẳng như thế, khiến những buổi cày ải cuối năm chẳng nhàn nhã gì. Bây giờ, nói đến lao động liên miên nhọc nhằn người ta hay dùng chữ cày ải. Nhưng phải thực sự làm nông mới thấu hiểu thế nào là cày ải!

4. Tháng Mười, cũng có khi gặt xong, vài nhà tranh thủ cày đất, đánh luống “gơ” vội mấy sào khoai lang ngắn vụ, vừa lấy rau xanh ăn, vừa được thêm ít củ và đất cũng được cải thiện thêm màu. Nhưng thuở ấy, cũng ít nhà làm, vì sao không rõ, nhưng có thể nhìn thấy rõ ràng tính năng động cách nay dăm bảy mươi năm của người dân là rất kém. Nông thôn giờ vẫn còn rơi rớt sức ì ấy ở một số gia đình. Họ an phận với cái nghèo, ít động chân động tay, và cơ bản là ít nghĩ.

Mùa ngả ruộng cấy là những ngày vui nhất. Cánh đồng ruộng trên, ruộng dưới tiếng giục trâu hối hả lẫn tiếng nói chuyện. Nước bắn tung tóe. Những con chích chòe, quạ đen, chìa vôi, sáo đen,sáo sậu, bồ các… kéo về hàng đàn đậu trên cành xoan, ngọn tre rồi ngắm nghía thấy an toàn thì từng đôi, từng con lẻ sà xuống mặt ruộng để bắt sâu bọ nhện, cập cậy, dế và đủ loại côn trùng khác sống trong kẽ đất, nay sặc nước trồi ra…Ngày làng xóm ngả ruộng, cũng là ngày chim chóc no nê và gần gũi nhất với nhà nông.

Quê tôi đất Bản Ngoại (Đại Từ, Thái Nguyên) năm hai vụ lúa chiêm mùa. Nhưng vụ lúa chiêm ngắn ngày, hay phải gặt chạy mưa, ruộng lầy thụt, không để lại cảm giác thú vị như thu hoạch lúa vụ mùa.

Nhớ về quê, với tôi là nỗi nhớ tháng Mười, là nhớ mùa thu hoạch và chờ đón cái Tết bánh chưng cổ truyền vui nhất trong năm!

Quê gốc của tôi là ở làng Nành, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tháng Mười, người dân dù hết gạo ăn độn cũng chưa được nấu cơm mới dù thóc đã no nắng vào bồ. Theo lệ làng, “ruộng ba làng” (mảnh ruộng chung của ba làng dành cấy lúa cúng thần) phải gặt hái xong, nấu cơm cúng đình cơm mới, rồi dân làng mới được xay thóc giã gạo.

Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm