Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 2): 'Montmartre' (*) của Hà Nội

12/07/2020 13:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lối sống, người Hà Nội tìm cách thiết lập không gian văn hóa cho mình cũng nằm trong mỹ cảm Tân cổ điển, hoặc hẹp hơn là Tân phục hưng.

Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 1): Tiếng guốc, tiếng còi

Sống chậm cùng Nguyễn Trương Quý (kỳ 1): Tiếng guốc, tiếng còi

(LTS) Nguyễn Trương Quý năm nay mới ngoài 40, nhưng anh đã viết tản văn, du khảo về Hà Nội được gần 20 năm với những đầu sách độc đáo như: "Ăn phở rất khó thấy ngon", "Hà Nội là Hà Nội", "Mỗi góc phố một người đang sống", "Xe máy tiếu ngạo"... Ở đó hiện lên một Nguyễn Trương Quý dường như không có tuổi, vừa có nét tài hoa, phiêu lãng như "trai phố cổ", lại vừa có sự chững chạc, uyên thâm của một cụ già.

Chẳng phải đợi đến lúc người ta trưng biển kiểu cổng chào “khu phố văn hóa”, thì Hà Nội đã có những khu phố nhiều cơ quan văn hóa đặt trụ sở. Dốc Hào Nam chạy từ đê La Thành toàn cửa hàng sắt thép lam lũ, vậy mà một bên là Nhạc viện, một bên là khu quây quần các viện nghiên cứu văn hóa như Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian, Viện Mỹ thuật, tạp chí Văn hóa nghệ thuật. Gần đấy một con dốc lại còn có Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và Đại học Văn hóa, có cả khoa viết văn vốn là Trường Viết văn Nguyễn Du xưa. Để giúp bạn đọc hình dung rõ hơn, dốc Hào Nam ngày xưa thực tế là 2 bờ con mương thoát nước đen ngòm. Nhưng ở đây, mật độ người có bằng cấp nghệ thuật trên mét vuông chắc cao nhất nước.

Cũng ở Hà Nội, nói đến khu văn công Mai Dịch một thời, ai cũng nghĩ đấy cũng là nơi nhiều người đẹp nhất nước. Có đâu mà Trường Múa đua với Trường Xiếc, liếc sang Trường Sân khấu rộn ràng như thế? Nhưng tham vọng làm một campus nghệ thuật ở nơi quá xa nội thành một thời chỉ gợi nhớ cảm giác về một khu “hàn lâm văn hóa” heo hút, nơi gần một nghĩa địa cùng tên, xe điện và xe bus không tới. Tất nhiên bây giờ đã khác, khi thành phố đã mở rộng ra nhiều.

Nhưng cũng có những khu văn hóa tự phát, chẳng có quy hoạch mà thành. Ấy vậy mà sống dai. Cà phê Lâm nhờ công tích cực của những họa sĩ ăn chịu mà suýt thành huyền thoại (vì giờ có những 3 quán cà phê Lâm thì không xếp thành huyền thoại nữa). Theo sau là nhiều quán cà phê khác tiếp bước gu của nó: Quán chật hẹp, tranh ảnh cũ, bàn ghế thấp, gợi nhớ không khí một Hà Nội thiếu thốn và chú trọng vào phẩm chất đồ uống/ người giao tiếp thay vì hình thức tân kỳ.

Cà phê Quỳnh ở phố Bát Đàn của diễn viên Như Quỳnh chấm dứt hoạt động vì lý do sinh sống của gia chủ, phần vì sức hấp dẫn của mô hình “nhỏ và buồn” đã không còn đủ sức dinh dưỡng như thời là phong cách chủ lưu của quán-văn-hóa Hà Nội.

Chú thích ảnh
Kiến trúc Hà Nội năm 1958

Thay thế cho mô hình đó, giới trẻ làm dấy lên mô hình “nhỏ và đông”. Ở Hà Nội, các khu phố Triệu Việt Vương, Bảo Khánh - Hàng Hành, Nguyễn Du hoặc cạnh Nhà thờ Lớn, là sự tiếp nối một gu ngày cũ. Những quán xá ấy vẫn đảm bảo một đặc tính “cách điệu” của việc giao tiếp xã hội, để người ta hít thở cảm giác của một cà phê có dấu vết Pháp, một bối cảnh có dấu vết nghệ thuật. Cung cấp cho người ta cảm giác được thưởng thức một truyền thống, những không gian này dựa vào “view” là Nhà thờ Lớn, những ngôi biệt thự song lập, những mặt hồ, những cây thấp tạo bóng râm, để cùng bồi đắp bề dày cho khung cảnh Hà Nội. Bản thân những khung cảnh ấy không quá đặc biệt, song cách sinh hoạt của con người trong đó đã biến chúng thành hình thái vật chất cho “gu Hà Nội”.

***

Trên bình diện cả nước, có lẽ Hà Nội là nơi có hoạt động mỹ thuật mạnh nhất. Sự ủng hộ của nhiều trung tâm văn hóa nước ngoài cũng như các địa điểm như Nhà sàn Đức, Tadioto, Manzi… đối với các loại hình mỹ thuật đương đại là một đối trọng với các gallery gần Bờ Hồ.

Một hình ảnh Hà Nội kiểu Mỹ thuật Đông Dương chỉ còn là cái đẹp mộng mơ không còn hiển thị trong mỹ thuật hiện tại, nhưng bút pháp, cách xử lý màu sắc, ánh sáng của tranh giá vẽ vẫn còn là chuẩn mực, hay tính bố cục có phần cân đối, lớp lang trong diễn đạt ý đồ của loại hình trình diễn vẫn ghi điểm ưu thế cho cách tư duy của con người sống trong môi trường Hà Nội.

Chú thích ảnh
Uống nước bên hồ Tây khoảng năm 1954. Ảnh trên tạp chí Life

Trong số nhiều nỗ lực về mặt ý tưởng, việc cố gắng nhắc lại hình ảnh của “tấm bưu thiếp cũ” là một mỹ cảm Tân cổ điển áp dụng cho Hà Nội. Về ca khúc, thứ Hà Nội được hào phóng dành cho làm cầu nối mỹ cảm đến công chúng rộng rãi, cho đến giờ vẫn duy trì những hình tượng về những giá trị cũ được nhắc lại. Ban nhạc Gạt Tàn Đầy dùng thể loại rock nhưng nói đến “Phở” như là một cách diễn đạt mỹ cảm của một Hà Nội mà họ đang sống. Nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường viết Nồng nàn Hà Nội với tiết tấu trẻ trung vẫn nhắc đến những:

“Đưa em qua thăng trầm bao tháng năm đã úa màu, gọi tên từng phố cổ.

Chiều nhạt nhòa Hồ Gươm, ngọt ngào hoa sữa thơm.

Gọi mùa thu về thật lâu để ta biết nồng nàn”

Thực chất đó chính là hình ảnh của một Hà Nội mà ta đã nhận diện ở trên, cũng là Hà Nội trong vệt hàng trăm ca khúc quen thuộc.

***

Trong số những không gian kiến trúc có thể coi là mới và sôi động nhất của Hà Nội là những khu đô thị mới, mỹ cảm Tân cổ điển này cũng chi phối. Dự án đề xuất đặt 36 con phố mang tên thủ đô các nước ở một khu đô thị mới, là một nỗi hoài tiếc về một mỹ cảm đã lụi tàn.

Các khu đô thị mới cao giá nhất như Ciputra Thăng Long, The Manor Mỹ Đình… đều khai thác phong cách kiến trúc Tân cổ điển, thậm chí từng bị giới kiến trúc sư phản đối. Tuy nhiên, việc chúng vẫn là hình mẫu chưa có chiều hướng suy giảm chứng tỏ nhu cầu hồi tưởng, láy lại không gian của một khu phố Pháp ở những vùng mới này (tuy ý tưởng thiết kế ban đầu không tô đậm khía cạnh kết nối với kiến trúc Hà Nội thời Pháp).

Chú thích ảnh
Bờ Hồ Gươm, Xuân 1958

Các công trình văn phòng, trụ sở ở trung tâm đến giờ đều có xu hướng theo trường phái Tân cổ điển để đảm bảo độ an toàn trong quy chế quy hoạch cảnh quan: Trụ sở Bộ Tài chính, Pacific Place, khách sạn Hilton Opera v.v… Những nhà hàng ưa phong cách nội thất cung đình và hồi cố về một không gian cổ được mở rộng bước gian và lắp thiết bị hiện đại.

Trong lối sống, người Hà Nội tìm cách thiết lập không gian văn hóa cho mình cũng nằm trong mỹ cảm Tân cổ điển, hoặc hẹp hơn là Tân phục hưng. Khái niệm Cổ điển và Phục hưng ở đây không còn mang nghĩa hẹp chỉ loại hình kiến trúc phương Tây như định danh, mà ở bối cảnh Hà Nội còn là một vẻ đẹp cũ tạo được khuôn thức cho đời sau.

Có thể những người muốn tìm tòi một phương án hiện đại và tiên tiến cho Hà Nội sẽ phải suy nghĩ về một thực tế, họ sẽ phải đóng vai trò một trường phái Bauhaus của Walter Gropius, Ludwig Mieh Van de Rohe, một cái nôi của chủ nghĩa quốc tế. Đối trọng của họ là tinh thần cổ điển kéo dài từ sau thế chiến thứ nhất đến thời Đức Quốc xã. Họ sẽ hoặc chấp nhận mình như những con quái vật cài cắm trong không gian Tân cổ điển Hà Nội mới, hoặc chọn một nơi chốn mới, nơi Hà Nội cũ khuất xa chân trời.

(*): Nếu khu phố Montmartre được xem là “con phố nghệ sĩ” ở thủ đô Paris hoa lệ, thì Hà Nội cũng có một “Montmartre” của mình.

(Còn nữa)

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm