Ra mắt sách 'Ngoài kia, trời rất xanh': Giá trị sống của một người cận tử

10/06/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn tự truyện Ngoài kia, trời rất xanh của nhà báo Trần Thị Cúc Phương xuất bản hồi đầu năm nay, nhưng mãi đến đầu tháng 6 này mới được giới thiệu đến bạn đọc tại Hà Nội.

Ra mắt sách ‘Tháng ngày ê a’: Hồi ức của một nhà giáo tận tâm

Ra mắt sách ‘Tháng ngày ê a’: Hồi ức của một nhà giáo tận tâm

Dù không có chủ ý đề cập đến những bất cập trong giáo dục hôm nay nhưng người đọc sẽ không khó khăn lắm để nhận ra những phép so sánh ngầm. Và nhận ra một thứ triết lí giáo dục nhân bản thật đơn giản, như giáo sư Hồ Ngọc Đại từng nói “Trẻ con phải được học và học được”.

Tác giả của cuốn sách đã mất vì ung thư. Bởi vậy, tại buổi ra mắt sách, đã có rất nhiều người đã không cầm được nước mắt, nhất là với những người đã đọc Ngoài kia, trời rất xanh

Viết cho những bệnh nhân

Một số người đến dự buổi ra mắt sách sụt sùi khi nhà báo Nguyễn Thế Thịnh, chồng của tác giả, đọc một đoạn trong cuốn sách mà vợ đã viết về mình theo đề nghị của người dẫn chương trình.

Chú thích ảnh
Chị Cúc Phương, ảnh chụp tháng 5/2017

Rồi thêm nhiều người nữa tiếp tục rơi nước mắt khi nghe anh kể về việc cả gia đình phải vất vả chống chọi lại với căn bệnh quái ác đang tàn phá cơ thể chị Cúc Phương như thế nào. Nhưng qua những gì anh Thế Thịnh kể, người nghe thấy được hành trình của một người cận tử (chị Cúc Phương) không hề bi lụy. Thậm chí, đó lại là một hành trình nhận thức bản thân mãnh liệt, để giữa nỗi đau vẫn trân trọng cuộc sống, vẫn cảm thông và gói ghém cuộc đời mình, gửi gắm yêu thương cho những người ở lại...

Chẳng hạn, khi chị Cúc Phương không muốn các con để bố chăm sóc mẹ với lý do: “Hãy để bố luôn tưởng tượng là mẹ luôn xinh đẹp! Mẹ phải sống thật rạng rỡ”, không chịu ở nhà dưỡng bệnh mà vẫn đến cơ quan làm việc đầy vui vẻ, lạc quan. Đặc biệt, chị đã hoàn thành những ước nguyện mà theo anh Thế Thịnh - đó là những cái mốc tưởng như chị sẽ không làm được. Ví dụ, chị đã sống tốt, sống vui để chờ ngày con tốt nghiệp ở nước ngoài trở về, rồi sau đó đi cưới vợ cho con. Hạnh phúc hơn là chị Cúc Phương đã đợi được đứa cháu nội của mình chào đời, mua bảo hiểm cho cháu trước khi chị qua đời…

Chú thích ảnh
Tác giả Trần Thị Cúc Phương (bên phải) và một người bán hàng rong. Ảnh nhỏ là bìa sách

Nói về lý do chị Cúc Phương viết Ngoài kia, trời rất xanh, anh Thế Thịnh cho biết, những ngày ở bệnh viện, chị Cúc Phương để ý thấy nhiều người bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau rất “chăm” lướt mạng trên điện thoại nên chị nói với anh về ước muốn có một cuốn sách để những người như thế cầm đọc và tìm được những câu chuyện ý nghĩa với cuộc sống của họ.

Cùng với lý do đó, sau khi một bác sĩ người Mỹ mổ cho chị xong có dặn chị là ngày nào cũng nên viết nhật ký. “Thế nên, mỗi buổi chiều sau khi thiền xong vợ tôi lại ngồi vào máy tính và viết” - anh Thế Thịnh nói. “Ban đầu tôi cứ nghĩ vợ trao đổi về vấn đề bệnh tật với vị bác sĩ người Mỹ. Chỉ đến ngày cuối cùng, sau khi vợ tôi cho gọi tất cả mọi người trong nhà lại để dặn dò thì tôi mới biết”.

Vào một buổi chiều, chị Cúc Phương dặn chồng trong máy tính của chị có viết một cuốn sách tạm đặt tên là Ngoài kia, trời rất xanh. Và cũng trong buổi chiều đó, chị Cúc Phương đã ra đi mãi mãi.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Ngoài kia, trời rất xanh"

Đừng rúc đầu vào cát như con đà điểu

TS Đặng Hoàng Giang là người đã đồng hành với những người cận tử trong một thời gian dài, sau đó viết nên cuốn Điểm đến của cuộc đời. Có mặt tại buổi giới thiệu sách Ngoài kia, trời rất xanh, ông cho biết: Sự ra đời những cuốn sách như của tác giả Cúc Phương là rất quan trọng và ý nghĩa. Đọc nó, chúng ta học được cách đối diện với cái chết, với những tổn thất to lớn mà nó có thể xảy ra với chính chúng ta, người thân của chúng ta, làm thế nào để chúng ta bình tĩnh, sống đàng hoàng như chị Cúc Phương đã làm thay vì rúc đầu vào cát như con đà điểu.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh thay vợ ký tặng bạn đọc

“Chị Phương và gia đình đã đi những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời một cách đầy ý nghĩa” - TS Đặng Hoàng Giang nói. “Tôi đã rất xúc động khi nghe anh Thịnh kể rằng chị Phương dặn anh về một ngôi mộ mà ở trên đó chỉ có cỏ xanh, không được che đậy gì cả để cho chị ấy được tự do, về những dặn dò khác liên quan đến tài chính cho chồng con, thậm chí là cháu. Điều đó cho thấy chị ấy biết mình đã sống một cuộc sống đầy đủ, không có gì phải sợ hãi hay tuyệt vọng nữa. Chính thái độ ấy của chị chắc chắn sẽ giúp được rất nhiều cho những người ở lại trong việc khép lại những quan hệ thân thiết để chị ra đi được thanh thản…”.

Ngoài cảm động trước những giá trị sống của chị Cúc Phương, độc giả có mặt tại buổi giới thiệu sách còn rất cảm động và khâm phục tình yêu của anh Thế Thịnh dành cho vợ.

Cụ thể, sau khi chị Cúc Phương mất, anh đưa chị lên một ngọn đồi rộng khoảng 500m2 ở Đà Nẵng, dựng một ngôi nhà gỗ bên cạnh mộ chị và ở đó. Hàng ngày, anh đều mở những bản nhạc hai vợ chồng thường nghe, pha trà mời vợ như chị vẫn đang sống bên cạnh. Anh vẫn để ngoài bậu cửa đôi dép của bà xã, kính mát, mũ bảo hiểm của chị vẫn còn nguyên trên chiếc xe máy hai vợ chồng hay đi… Còn ở căn nhà cũ, tủ quần áo của chị anh vẫn giữ nguyên, thi thoảng vẫn cặm cụi ủi lại cho phẳng phiu rồi lại treo vào chỗ cũ; những chậu hoa, cây cảnh chị trồng có những cây sắp chết anh ra sức cứu sống, chăm bẵm cho tươi tốt trở lại…

“Nhiều lần bạn bè và con cái lo anh bị trầm cảm hoặc có vấn đề về thần kinh. Nhưng anh vẫn bình thường và tỉnh táo. Những gì anh dành cho chị quả là phi thường, rất đáng trân trọng và hiếm có trong thời buổi xô bồ này. Và hãy đọc Ngoài kia, trời rất xanh của chị Phương vì nó giống như một cơ hội để mình bước vào một ngôi chùa để gạn lọc cho cái tâm của mình” - TS Đặng Hoàng Giang nói.

Vài nét về tác giả Trần Thị Cúc Phương

Trần Thị Cúc Phương là một nhà báo, Trưởng ban Văn nghệ của Đài PT-TH TP Đà Nẵng. Chị là cộng tác viên của nhiều tờ báo và tạp chí, giành nhiều giải thưởng báo chí và phim tài liệu truyền hình.

Chị từng đoạt giải Nhất cuộc thi viết về gương tình nguyện do T.Ư Đoàn và Báo Thanh Niên tổ chức với tác phẩm Mỗi ngày ba mươi bảy vạn bước chân.

Năm 2013, chị phát hiện ung thư cổ tử cung và đã được phẫu thuật. Năm 2015, chị tiếp tục phát hiện bị ung thư vú. Từ 2013 đến 2017 chị đã trải qua 5 lần phẫu thuật, 2 đợt hóa trị, 2 đợt xạ trị, 1 đợt điều trị nội tiết nhưng không qua khỏi.

Phạm Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm