Phùng Ngọc Hùng, người bảo vệ 'văn học hồn nhiên'

31/12/2020 08:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Lê Mây dùng chữ “định mệnh” để nói với người viết bài về cái duyên khiến ông trở thành đồng tác giả với nhà thơ Phùng Ngọc Hùng ở ca khúc rất phổ biến - Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa (Kỳ 33): Nhạc sĩ Lê Xuân Thọ và con cò đồng dao

Vào những năm 90 cuối thế kỷ trước, khi làm bộ giáo khoa tiếng Việt (bộ hiện hành, phát hành từ năm 2000) các nhà biên soạn đã đưa ca từ bài hát Mẹ có yêu không nào của Lê Xuân Thọ vào trang 131 sách Tiếng Việt 1 (tập 1) làm bài đọc, khi các cháu chưa học hết vần tiếng Việt, mới học tới các vần “um” và “im” có trong ca từ này: Khi đi em hỏi/ Khi về em chào/ Miệng em chúm chím/ Mẹ có yêu không nào.

Ông kể, một chiều Hè năm 1992 lên khách sạn Khăn Quàng Đỏ (đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) tìm người quen đang nghỉ ở đấy. Vừa qua cổng thường trực, chưa gặp người cần tìm đã thấy bạn văn Phùng Ngọc Hùng à lên mừng rỡ: “Sao giờ này mới tới?”. “Tới đâu?”. “Hội nghị quốc tế tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ trẻ em, đang họp ở đây, chứ đâu”. “Ai mời mà tới?” . “Tôi mời! Thư mời gửi từ tuần trước”.

Thì ra lạc thư mời. Nhưng trời xui đất khiến thế nào tôi lại… lạc vào tay Phùng Ngọc Hùng, thật đúng lúc. Anh giữ tôi lại đấy! Phùng Ngọc Hùng rủ tôi làm chung với anh, giúp anh một việc mà anh đang có vai trò quản lý - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam, Ủy ban vừa ký vào công ước về Quyền Trẻ em.

Chú thích ảnh
Bài “Thì thầm”, trích thơ Phùng Ngọc Hùng trong sách Tiếng Việt 3 (tập 2)

Bài hát ra đời một cách… tình cờ

Phùng Ngọc Hùng đưa tôi tờ báo đăng bài thơ của anh Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Anh giải thích, tiêu đề này là khẩu hiệu chung của thế giới, về quyền trẻ em, tôn vinh trẻ em. Làm sao để mọi người Việt Nam hát lên khẩu hiệu này!

Hội nghị tập huấn có tới 300 đại biểu trong nước và quốc tế, hết phòng nghỉ. Tôi nghỉ qua đêm ấy, ngay tại phòng thường trực, trên cái giường cá nhân được bác bảo vệ nhường. Tôi tự kẻ khuông nhạc và sáng tác chay, không đàn, bài hát Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai ra đời như thế:

“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai/ Đó là vần thơ/ Cũng là câu hát/ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai// Xin được nhắc ngàn lần hơn thế/ Trái đất chưa im tiếng bom rơi/ Xin điệp khúc triệu lần hơn thế/ Bao trẻ em còn đói rách trên đời/ Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười/ Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười/ Trẻ em hôm nay thế giới ngày mai…”.

Sáng hôm sau Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh tới nói chuyện với hội nghị. Ông cầm trên tay bài hát của tôi phổ thơ anh Hùng, nói với mọi người: “Tôi chưa nghe hát, nhưng đọc lời thấy hay. Ai hát cho mọi người cùng nghe nào?”. Phùng Ngọc Hùng giới thiệu tôi. Tôi hát và ngay sau đó chính Phó Thủ tướng chỉ đạo photocopy cho mỗi đại biểu một bản để cùng tập hát.

Tôi hào hứng vào việc ngay, không chờ nhân bản, vì bài ngắn gọn, ít luyến láy. 15 phút sau, khi mỗi người đã có một Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai trên tay thì, thơ Phùng Ngọc Hùng, như đã thuộc “nằm lòng” mỗi đại biểu. Sóng nhạc tập thể hôm ấy đẩy ca khúc tới một khung cửa hội nhập lớn hơn. Lại chính Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh chỉ đạo dựng bài và phát sóng phát thanh. Chính sự đón tiếp nồng nhiệt của người hát đã giúp bài hát đi nhanh thế.

Cho tới hôm nay, cứ mỗi khi cùng học trò hát bài nay, người viết bài lại nghĩ, các chính khách cũng có cách làm văn nghệ của mình, như Phùng Ngọc Hùng đã làm, cầu thị và khéo phối hợp.

Bảo vệ những tác phẩm văn học hồn nhiên

“Chính khách” là chữ mà thi sĩ đàn anh, Định Hải, tặng Phùng Ngọc Hùng, khi Ngọc Hùng vừa làm thơ, vừa làm Phó Chủ nhiệm một ủy ban cấp quốc gia, rồi làm Thứ trưởng... Nhà văn Lê Phương Liên kể tôi nghe:

“Anh Định Hải vẫn nói Phùng Ngọc Hùng là chính khách đích thực… Đáng quý nhất là ở vị trí một chính khách, anh ấy đã có những biện pháp cụ thể tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, văn, nhạc có nội dung vì trẻ em, tôn vinh trẻ em. Từ những cuộc thi này nhiều tài năng đã được phát hiện và bồi dưỡng trở thành cây bút chuyên viết cho thiếu nhi - các chị Quế Hương, Kim Hài...

Hội Nhà văn không thể bao quát sâu và rộng khắp, một lĩnh vực, một đề tài to lớn - trẻ em. Đây là công việc cần có những chuyên môn đặc thù. Cần cùng làm với trường học, với bệnh viện, với hội tâm lý giáo dục… để tích hợp các chuyển môn đặc thù kia. Chính vì thế, các cơ quan Chính phủ, phải quan tâm, hỗ trợ văn học thiếu nhi… đang là việc bức thiết!

Có một sự kiện văn học đương đại mà anh Phùng Ngọc Hùng có để lại dấu ấn cá nhân. Đó chính là cuộc hội thảo “Văn học Vì trẻ em thời kỳ Đổi mới” tổ chức vào ngày 27/9/2002. Khi ấy nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đang có chức vụ cao trong Chính phủ, nhưng vì văn học thiếu nhi, ông vui vẻ nhận làm Phó Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 - 2010) và ngồi bàn Chủ tịch đoàn điều hành hội thảo. Hội thảo ngay ngành xuất bản đang thành công ngoạn mục với Đôrêmon ngoại nhập và Kính vạn hoa - một tác phẩm văn Việt.

Nhưng nhiều ý kiến chưa khẳng định, thậm chí còn phản đối, chê bai thứ văn học đời thường, nhiều tính giải trí. Với tiêu chí đúng đắn “văn học vì trẻ em”, khẳng định chủ thể thưởng thức văn học thiếu nhi là trẻ em, anh Phùng Ngọc Hùng đã đứng về phía trẻ em để bảo vệ những tác phẩm văn học hồn nhiên, như tuổi thơ hồn nhiên. Có thể nói, trong văn học, nhà thơ - chính khách Phùng Ngọc Hùng là người tiên phong tranh đấu cho việc thực hiện quyền của trẻ em Việt Nam theo công ước quốc tế và các chuẩn mực tiên tiến của văn hóa đọc.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

“Kho” ca từ cho các nhạc sĩ

Nhóm soạn sách Tiếng Việt 3 (tập 2) từ năm 2000 đã chọn 2 khổ 8 dòng thơ của nhà thơ Phùng Ngọc Hùng làm thành 1 bài chính tả, bài Thì thầm. Năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 3 trên cả nước vẫn học chép “chính tả” những dòng thơ hay này:

“Gió thì thầm với lá/ Lá thì thầm cùng cây/ Và hoa và ong bướm/ Thì thầm điều chi đây?// Trời mênh mông đến vậy/ Đang thầm thì với sao/ Sao trời tưởng im lặng/ Lại thì thầm cùng nhau”.

Chỉ chọn vào giáo khoa 8 dòng từ 6 tập thơ. Thơ hay của Phùng Ngọc Hùng cũng còn để có thể chọn thêm! Cô giáo Lê Thị Hòa dạy văn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, vào năm 2014 đã lấy thơ Phùng Ngọc Hùng cho đề tài thạc sĩ ngữ văn của mình: “Đặc điểm nghệ thuật thơ Phùng Ngọc Hùng” chuyên ngành Lý luận văn học. Lê Thị Hòa đưa ra nhận xét:

“Có thể nói, việc xây dựng hình tượng trẻ thơ trong mối quan hệ với thiên nhiên, đã tạo nên những hình ảnh ngộ nghĩnh, lạ lẫm, đáng yêu trong thơ Phùng Ngọc Hùng. Trẻ thơ với thiên nhiên tạo nên bức tranh toàn bích, hòa sắc, hòa điệu, mở ra một thế giới tươi xanh và tràn ngập sức sống. Phùng Ngọc Hùng, viết cho các em, cũng là cho người lớn, về thế giới ấy, giúp người lớn hiểu hơn con trẻ, quan tâm, tôn trọng các em hơn”.

Thơ hay của Phùng Ngọc Hùng còn là một kho ca từ để các nhạc sĩ khai thác. Người viết bài thích bài hát Giận mà thương mà nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Phùng Ngọc Hùng viết tặng người bạn đời của mình:

“Em xa anh nghe câu dân ca/ Giận mà thương sao mà da diết thế/ Ôi câu ca nặng tình nặng nghĩa/ Có lúc nào anh giận em không?// Chứ có lúc nào em giận anh không/ Để thương suốt cả ngày em giận/ Khi xa nhau đến ngàn vạn dặm/ Giận chẳng còn mà thương rộng dài thêm…”.

Người viết bài điện thoại hỏi bà Phùng Ngọc Hùng, có chi tiết “ghen tuông” chi không? Và được trả lời ngay: “Ghen tức thì có! Bao nhiêu bản karaoke chỉ thấy nhắc tên nhạc sĩ. Tên thi sĩ chồng tôi thì không! Tôi nhắc chuyện không hay này, nhà tôi chỉ cười…”.

Người viết bài thích bản valse, hai anh em nhạc sĩ Bùi Anh Tú - Bùi Anh Tôn, phổ từ bài thơ Nếu không có mẹ của phùng Ngọc Hùng, được dạy trong các trường mầm non:

“Nếu mà không có mẹ/ Làm sao có chúng con/ Nếu mà không có mẹ/ Cả thế gian không còn// Mẹ là ngọn gió hát ru con tuổi thơ/ Mẹ là vầng trăng hiền/ Tỏa sáng những đêm rằm/ Mẹ là dòng sông/ Là ngọn nguồn cuộc sống/ Trái tim con luôn có mẹ mến yêu”.

Tôi hỏi Bùi Anh Tú, “đã song ca nhạc sĩ - thi sĩ với nhau chưa?”. “Thưa chưa! Mới chỉ gặp bài thơ trên báo, người làm thơ thì chưa! Anh mai mối giúp nhé để em cảm ơn anh Hùng, tác giả phần thơ!”.

Nhưng bây giờ thì không kịp rồi Tú ơi! Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng đã qua đời ngày 20/12/2020.

(Còn tiếp)

Vài nét về nhà thơ Phùng Ngọc Hùng

Nhà thơ Phùng Ngọc Hùng sinh 1948 tại Nghệ An, mồ côi cha từ năm 7 tuổi. Ông tốt nghiệp học ĐHSP Vinh, từng du học ở Nga, từng làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông là tác giả các tập thơ: Bé Hương và mèo con (1989), May áo cho mèo (1992), Gọi bạn (1999), Trẻ em và biển (2001) Ngày xửa ngày xưa (2008), Giận mà thương (2013).

Thái Thị Thanh Tâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm