Phim Việt và công chúng Việt được gì, mất gì?

12/06/2016 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm 31/5 Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành-phổ biến phim tại Rạp của Trung tâm (Công ty) Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.

Hầu hết các đơn vị chiếu bóng địa phương đều trình bày khó khăn về cơ sở vật chất. Cụ thể là hệ thống phòng chiếu đều đã cũ kĩ, và quan trọng nhất là không có thiết bị chiếu hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo về mặt bản quyền phim mà các đơn vị phát hành đặt ra. Hầu hết các địa phương đều “xin” nhà nước tiếp tục đầu tư.

Phía Cục Điện ảnh cho biết, Nhà nước hiện nay không thể tiếp tục đầu tư dàn trải, không hiệu quả, và các đơn vị chiếu bóng địa phương phải phát huy tính tự chủ, tự lực tự cường. Nhưng một câu hỏi lớn đặt ra tại Hội thảo mà chưa có câu trả lời.

Liệu khi phát triển hệ thống rạp xong rồi, thì có phim để chiếu không? Vì hiện nay phát hành phim nằm trong tay các đơn vị nước ngoài. Các địa phương ngân sách thấp sẽ không thể chịu được kinh phí thuê phim ngang ngửa với giá các rạp tại các thành phố lớn đang chịu.

“Gió đổi chiều” từ 15 năm trước

Còn nhớ, ngày 25/7/2012 tại Hà Nội, Cục Điện ảnh, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức “Hội nghị Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động phát hành - phổ biến phim giai đoạn 2012 - 2015”. Tại đây, TS Ngô Phương Lan (Cục trưởng Cục Điện ảnh) đã đưa ra nhiều số liệu cụ thể.

Ví dụ năm 2000 tổng số phim nhập về Việt Nam là 30, trong đó FAFIM Việt Nam (nhà nước) nhập 29 phim, chiếm 96,6%, thì đến năm 2006 nhập 105 phim, trong đó các thành phần kinh tế khác nhập 101 phim, còn FAFIM Việt Nam chỉ chiếm 3,8%.


Trung tâm Chiếu phim Quốc gia có hệ thống rạp trụ vững trên thị trường nhờ một phần vào khả năng cập nhật để tồn tại

Và bà Ngô Phương Lan khẳng định: “Năm 2007, 2008, tỷ lệ nhập phim của FAFIM so với các công ty khác chưa đạt nổi 1%, còn từ năm 2009 đến nay, công ty FAFIM hoàn toàn không nhập được một phim chiếu rạp nào và cũng không phát hành phim Việt Nam, mọi hoạt động nghề nghiệp bị bỏ bẵng”.

Nhìn ở thực trạng trước mắt thì đây là những con số rất đáng buồn và đáng lo lắng, nhưng nhìn ở việc thay đổi cán cân thị trường, nó lại là một hệ quả tích cực của 20 năm đổi mới (1986 -2006).

Nói nôm na, đã có vô số văn bản “có lợi” cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được ban hành, mà cột mốc lớn là Nghị định số 26/2000/NĐ-CP ra ngày 03/8/2000 cho phép các nhà sản xuất phim được quyền trực tiếp xuất khẩu phim; các cơ sở kinh doanh điện ảnh có tư cách pháp nhân, có rạp chiếu phim nhựa đủ tiêu chuẩn được quyền trực tiếp nhập khẩu phim.

Khi Luật Điện ảnh (số 62/2006/QH11) có hiệu lực từ ngày 01/01/2007 thì càng khích lệ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Trong đó, phim nhập khẩu sẽ không có hạn ngạch; việc nhập khẩu phim hoàn toàn do một số công ty tư nhân và công ty liên doanh đảm nhận, chi phối.

Trong khi đó FAFIM Việt Nam đã mất vai trò điều tiết hoạt động phát hành phim, hệ thống rạp do nhà nước quản lý xuống cấp, doanh thu không đủ bù chi phí, nhiều nơi buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng rạp, nhất là ở những vị trí đắc địa.

Đến nay hệ thống rạp do nhà nước quản lý có 98 rạp. Trong đó có 58 rạp hoạt động nhưng thực chất chỉ có Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và một số rạp chiếu tại Hà Nội hoạt động thường xuyên, còn các tỉnh thành còn hoạt động cầm chừng; 10 rạp đã ngưng hoạt động; các rạp còn lại đã chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong khi đó, chỉ riêng CGV đã chiếm hơn 40% số phòng chiếu tại Việt Nam. Sức tăng trưởng của những đơn vị như CGV, Lotte Cinema… là rất rõ ràng, bên cạnh đó là sự tự đào thải, chuyển đổi mục đích sử dụng của hệ thống rạp nhà nước cũng rõ ràng không kém. Nói giả dụ, nếu sau này nhà nước muốn xốc lại hệ thống rạp chiếu phim của mình thì việc hoàn trả lại mục đích sử dụng như ban đầu cũng không hề dễ dàng.

Phim Việt và công chúng Việt có lợi hay bị thiệt hại?

Thiếu một nghiên cứu rõ ràng để trả lời xác đáng câu hỏi này, nhưng qua thực tế thị trường cũng có thể hiểu được phần nào. Đầu tiên là số phim, khoảng 10 năm trước, mỗi năm Việt Nam làm chừng 6-7 phim, đến năm 2015 đã làm hơn 40 phim, trong đó có 30 phim chủ yếu do tư nhân đảm trách. Năm 2016 thì trung bình mỗi tuần có một phim Việt được sản xuất.

Về số lượng phim thì đã rất rõ ràng cho sự tăng trưởng, mà số lượng khán giả cũng thế, doanh thu từ Để Mai tính 2, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh… đã làm cho phim Việt lấn lướt được khả năng bán vé với cả bom tấn nhập khẩu.

Qua khảo sát của Cục Điện ảnh, có khoảng 70% khán giả đến rạp trong độ tuổi từ 15 đến 35, dẫn đến tình trạng khán giả trẻ chỉ thích các phim giải trí, đồng thời quay lưng với các phim chính thống của Việt Nam (?).

Con số vừa nêu có thể phũ phàng, nhưng đó là thực tế, vì chẳng thể nào gây áp chế để độ tuổi giữ chủ lực về kinh tế gia đình (từ 30 đến 55) phải đi xem phim nhiều hơn, để phim được đứng đắn hơn. Hoặc không thể ép khán giả phải chọn phim đậm chất nghệ thuật, thay vì giải trí nhẹ nhàng, thậm chí tầm phào, ba láp.

Thêm một câu hỏi được đặt ra là liệu những hệ thống rạp như FAFIM Việt Nam hoặc CGV sẽ kích thích lượng phim Việt ra rạp, khán giả Việt đến rạp nhiều hơn?

Sau năm 1975, riêng địa bàn TP.HCM đã có gần 40 nhà hát - rạp chiếu phim ở vị trí đắc địa được tiếp quản, nhưng đa số hoạt động cầm chừng hoặc sử dụng không đúng chức năng, mục đích.

Nhiều tổ chức và cá nhân cứ kêu gào không có mặt bằng để xây dựng để nhà hát - rạp chiếu phim, trong khi các nơi này thì biến thành nhà kho, hợp tác xã thủ công mỹ nghệ, cho thuê làm bãi giữ xe, bán cà phê, đánh bi-a… Đến năm 2015 thì đa số nhà hát - rạp chiếu phim này đã chuyển hướng sử dụng, nghĩa là nhà nước mất đi vô số công cụ hữu hiệu để cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Cũng theo khảo sát của Cục Điện ảnh về tổ chức, cở sở và trang thiết bị khu vực phát hành phổ biến phim, năm 2011 cả nước còn 01 công ty TNHH một thành viên, 05 công ty cổ phần, 05 đơn vị sát nhập với các ngành văn hóa khác, 54 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng… Như vậy thì không thể nói là thiếu công cụ phổ biến nói chung.

Tuy nhiên, do cơ chế và cách quan lý đặc thù, các công cụ này thường được đầu tư khá lớn lúc ban đầu, nhưng lại ít được cập nhật về sau, nên thành ra hoạt động không hiệu quả.

Trước bối cảnh và thực tế như vậy thì việc xuất hiện những mô hình ngoài quốc doanh như Galaxy Studio, BHD, CGV, Lotte Cinema… là tất yếu. Chính họ không chỉ kích cầu lượng phim nội địa tăng trưởng, mà còn bắc nhịp cầu để nhập khẩu gần 200 phim (như năm 2015) của quốc tế về chiếu tại Việt Nam.

Tùy chiến lược kinh doanh, chất lượng phim, suất chiếu mà mỗi cụm rạp có thiết kế về giá vé khác nhau, và khán giả quen xem phim đã biết rõ điều đó. Rất nhiều trường hợp họ chọn nơi bán vé giá cao hơn để đi xem, vì nơi đó đáp ứng được một số tiêu chí của họ, như khoảng cách di chuyển, chất lượng và dịch vụ phục vụ của rạp.

Khi ra mắt cuối năm 2015 vừa qua, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam với 50 hội viên, chủ yếu là những nhà phát hành phim trên cả nước. Họ có chung ý kiến rằng phim ảnh Việt Nam đang ở ngưỡng cửa chuyển đổi từ mô hình cũ sang nền công nghiệp nên khó khăn và thách thức là rất lớn. Vì thế, những mô hình cũ cần phải cập nhật để tồn tại, hoặc bắt buộc phải bị thay thế.

Cho nên, việc khiếu nại về tỷ lệ ăn chia là 55/45 (nơi CGV luôn hưởng 55%) chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm