Nhạc sĩ Bùi Anh Tú và những giai điệu của người lính

29/12/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1992, bài hát Chim cúc cu của nhạc sĩ Bùi Anh Tú, phổ thơ Nghiêm Thị Hằng đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc thiếu nhi Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai do Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Thiếu nhi Việt Nam, UNICEF Việt Nam tổ chức và sau đó được tuyển vào Tập bài hát 3 dạy trong các trường tiểu học.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Trong tuyển tập "Giải nhất văn chương" (NXB Hội Nhà văn, 1998) ở trang ghi danh sách những người được giải cuộc “Thi ca dao 1961 tuần báo Văn học” có tên Bút Ngữ. Bài ca dao được giải của Bút Ngữ được tuyển vào sách Tiếng Việt 2 (tập 2, NXB Giáo dục, 1996).

Bài hát kết nối con người với thiên nhiên, tiếng trống trường được thay bằng tiếng chim hót khiến việc học như gần lại, nhẹ nhàng hơn, lại như cao rộng, thánh thiện hơn:

“Cúc cu, cúc cu/ Tiếng chim cúc cu gù trên đồi cọ/ Lắng nghe, lắng nghe/ Rộn ràng trong gió tiếng chim cúc cu// Cúc cu, cúc cu/ Tiếng chim cúc cu ríu rít rộn ràng/ Hãy nghe, hãy nghe/ Một mùa Thu đến với bao ước mơ// Cúc cu, cúc cu/ Có phải là chim đang gọi mùa Thu/ Cúc cu, cúc cu/ Chim gọi mùa Thu cho em tới trường”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Bùi Anh Tú

Nhạc hóa thơ ca

Sách Âm nhạc 6 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống bắt đầu sử dụng từ năm học 2021 - 2022 cũng có bài của Bùi Anh Tú - Thầy cô là tất cả, và cũng là một ca khúc phổ thơ của Nguyễn Trọng Sửu:

“Thầy cô là vầng trăng/ Sáng soi những đêm rằm/ Thầy cô là gió mát/ Những trưa Hè tuổi thơ/ Thầy cô là dòng sông/ Mát xanh những cánh đồng/ Thầy cô là cánh sóng/ Đưa thuyền vươn khơi xa/ Thầy cô là bài ca/ Ngân nga tuổi học trò/ Thầy cô là tất cả/ Nâng bước em vào đời”.

Về việc phổ thơ thành nhạc, nhạc sĩ Bùi Anh Tú cho biết nguyên tắc, kinh nghiệm của mình: “Là người sáng tác tôi hiểu, trong bài hát, phần lời ca rất quan trọng. Do đó tôi thường sưu tầm nhiều tập thơ, tìm đọc những bài thơ của các tác giả đăng trên các phương tiện thông tin để tìm cảm xúc sáng tác. Tôi chọn những bài thơ theo chủ đề mình đang ấp ủ để viết nhưng cũng có khi một số tác giả chủ động tặng thơ với nhã ý mời phổ nhạc, điều đó càng khích lệ tôi trong sự kết hợp này. Khi phổ thơ, nếu có điều kiện tôi tìm gặp nhà thơ để trao đổi. Tôi thường nói với họ: Nhiều khi thơ phải nhường chỗ cho âm nhạc, để ca khúc có hình tượng âm nhạc, đừng trở thành “hát thơ” chắp nối câu chữ. Chúng tôi thường phải tranh luận, thay đổi thêm bớt lời thơ, hướng tới sự hoàn hảo.

Chú thích ảnh
Bài hát “Thầy cô là tất cả” của Bùi Anh Tú (phổ thơ Nguyễn Trọng Sửu) trong sách “Âm nhạc 6”

Bài hát Gửi tới đảo xa của tôi và nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn (1963 - 2020) là một kỷ niệm khó quên về sự ăn ý của nhạc sĩ và thi sĩ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn có chuyến công tác dài ngày ngoài đảo xa, khi về Hà Nội anh tìm tới tôi ngay. Anh đọc thơ mình như truyền cảm xúc, truyền sóng sáng tạo. Tôi tức hứng đặt tay lên phím đàn, và ngay trong giây phút ấy thơ đã thành nhạc, giai điệu như sóng chạy theo dấu chân thơ in trên cát trắng: “Trên bản đồ chỉ là những chấm xanh/ Mà trong tim thiêng liêng gợi nhớ/ Ơi đảo xa những đêm không ngủ/ Đảo quê hương, đảo của ta ơi...

Lại có nhưng ăn ý tầm xa như quá trình làm bài Chim cúc cu. Những năm đầu thập niên 1990, thông tin mạng chưa thông thoáng như bây giời, tôi hay mua các loại báo, tìm thơ để phổ nhạc. Một hôm tôi thấy trên giường của con mình trang báo Thiếu niên Tiền phong rách nát có một bài thơ không còn nguyên vẹn, và không còn tên tác giả, chỉ còn lại mấy câu: Cúc cu. Cúc cu/ Tiếng chim cu/ Gù trên đồi cọ/ Em lắng nghe trong gió/ Tiếng chim gù/ Cúc cu. Cúc cu/ Có phải chim/ Đang gọi mùa Thu…

Bài thơ không còn nguyên vẹn, nhưng đầy vần điệu, cả trắc, lẫn bằng, và tứ thớ - con chim nhỏ gọi mùa Thu lớn thì vẫn hiển hiện. Mùa Thu là mùa khai trường! Tôi bật ngay ra tứ nhạc và viết rất nhanh. Mạnh dạn thêm một số lời cho phù hợp. Bài hát được trao giải, được phổ biến thì tôi mới tìm được người viết lời cho bài hát của mình - nhà thơ Nghiêm Thị Hằng. Chúng tôi thành đồng tác giả”.

Đã có tới 50 ca khúc phổ thơ, đã thử sức khi đưa Biển mênh mang thi tứ của Xuân Diệu vào khuông phách, khi hòa âm Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu, ghép 2 mẫu tự tiếng Việt vào cùng một giai điệu, có thể nói, Bùi Anh Tú đã thành công trong việc nhạc hóa thơ ca.

Chú thích ảnh
Bài hát “Chim cúc cu” của Bùi Anh Tú (phổ thơ Nghiêm Thị Hằng) trong sách “Tập bài hát 3”

Một gia đình âm nhạc ở quê lúa Thái Bình

Trong sách Âm nhạc 6, ở trang 58 còn có bài Bác Hồ - Người cho em tất cả của cặp đôi tác giả Hoàng Long - Hoàng Lân (phỏng thơ Phong Thu), 2 người cậu ruột của nhạc sĩ Bùi Anh Tú. Năm 1970 thấy các cháu mình mê nhạc, 2 cậu Hoàng Long - Hoàng Lân từ Hà Nội nhắn tin tặng cây đàn guitar. Ba của Bùi Anh Tú, đang dạy tiểu học ở Hà Tây, đạp xe lên Hà Nội, chở cây đàn về Thái Bình cho các con mình. Cây đàn hướng nghiệp ấy đã giúp 3 anh chị em nhà họ Bùi trở thành văn nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Nhạc sĩ Bùi Anh Tú kể, có những lần cậu cháu, anh em họp mặt đông đủ ở Thái Bình, sau việc lễ nghĩa, Tết nhất, lại rủ nhau tổ chức mini live show gia đình! Thuê dàn âm thanh, mời thêm bạn bè mang nhạc cụ tới, lập ban nhạc có đủ đàn, trống, kèn… chơi nguyên một chương trình các bài hát của 2 cậu và các cháu.

Sinh ở Sơn Tây quê ngoại, nhưng lớn lên ở quê nội Thái Bình, chính đất “chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình” là giai điệu cuộc đời của Bùi Anh Tú. Thái Bình dạy cậu bé Bùi Anh Tú đồng cam cộng khổ với nhân dân thời chống Mỹ cứu nước! Dạy mót lúa trên đồng, bắt cá dưới sông, dạy gánh nước ăn, kiếm củi đun…

Ba đi dạy học xa, 6 anh chị em không chỉ biết giúp mẹ nấu cơm mà còn biết giúp mẹ lấy xỉ than sau khi đun thải ra, nhào với vôi cho vào khuôn sắt, phơi khô thành những viên gạch vuông thành sắc cạnh! Gạch ấy xây nhà!

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Bùi Anh Tú viết nhiều về Thái Bình. Bài Thái Bình quê hương tôi hiện là nhạc hiệu Đài Phát thanh Thành phố Thái Bình. Bài Anh hãy về thăm quê em được nhiều cặp song ca nổi tiếng như: Việt Hoàn - Anh Thơ, Tuấn Anh - Tân Nhàn, Xuân Hảo - Lương Nguyệt Anh, Việt Hoàn - Thu Hà, Ngọc Ký - Ngọc Liên; Minh Dũng - Thu Hương… chọn thể hiện.

Và vì đây là một tình khúc về sự thủy chung nên Anh hãy về thăm quê em thành bài hát đám cưới ở đất Thái Bình: “Anh ơi hãy đến thăm quê hương em Thái Bình/ Những cánh đồng phù sa ngạt ngào hương lúa chín/ Thương anh em vẫn chờ nong tằm xanh bãi quê/ Em dệt đôi áo mới, cho tình yêu chúng mình// Quê hương em sớm chiều vang tiếng hát/ Bàn tay em gieo hạt cho đồng lúa thêm xanh/ Thái Bình ơi xôn xao những chuyến đò/ Nhớ thương lời hẹn hò/ Dù mai có đi xa vẫn một lòng thiết tha/ Gửi về quê hương ta một tình yêu bao la”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Bùi Anh Tú trong chân dung “áo lính”

Từ anh lính kèn thành chuyên viên giáo dục âm nhạc

Vào năm 1977, từ đất Thái Bình, chàng trai 18 tuổi Bùi Anh Tú nhập ngũ thở thành một người lính.

Tân binh Bùi Anh Tú được điều về Quân đoàn 4 đóng quân tại miền Nam. Được vài ba tháng thì được tuyển vào trường quân nhạc học kèn clarinet. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp, anh lính kèn trở lại Quân đoàn 4, đóng quân tại TP.HCM kịp có mặt trong đội quân nhạc của quân tình nguyện Việt Nam, giúp nhân dân Campuchia chống lại bè lũ diệt chủng Pôn Pốt.

Năm 1981, Bùi Anh Tú giải ngũ thi vào khoa sư phạm âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương rồi học thêm chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội lấy bằng thạc sĩ. Từ năm 2006, anh làm chuyên viên phụ trách âm nhạc ở Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bằng con mắt của một chuyên viên, nhạc sĩ Bùi Anh Tú đưa ra cái nhìn tổng quát: Giáo dục âm nhạc ở Việt Nam được coi là mới so với các môn học khác. Mãi tới năm học 2002, âm nhạc mới được dạy học chính thức trong nhà trường nhưng chỉ học đến lớp 9. Theo chương trình mới 2018, âm nhạc được học từ lớp 1 đến lớp 12 như các môn học khác. Đây là bước tiến, đáp ứng nhu cầu giáo dục toàn diện. Ở trung học phổ thông, âm nhạc là một định hướng nghề nghiệp và học sinh cần được học những kiến thức nâng cao, chuyên sâu. Do đó, đội ngũ giáo viên cần phải có chuyên môn cao, mới đáp ứng được việc dạy. Vì thế, thời gian đầu sẽ gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Ở nhiều địa phương còn thiếu nhiều giáo viên âm nhạc ngay ở cấp cấp tiểu học và trung học cơ sở!

Trước tình hình trên, ngành giáo dục và đào tạo đã có những định hướng giải quyết tích cực. Bộ đã ban hành nhiều thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức nhiều hội thảo, các lớp tập huấn. Các trường đại học trong cả nước cũng đã chuẩn bị các phương án đào tạo đội ngũ giáo viên âm nhạc để đáp ứng nhu cầu trong nhà trường đặc biệt là ở trung học phổ thông. Những khó khăn sẽ chỉ là bước đầu. Âm nhạc rồi sẽ trở thành môn học được yêu thích và đáp ứng đầy đủ những yêu cầu như các môn học khác ở nhà trường.

Vài nét về nhạc sĩ Bùi Anh Tú

Nhạc sĩ Bùi Anh Tú sinh 1959, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội. Anh từng giảng dạy tại Khoa Âm nhạc Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương (nay là Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), từng làm biên tập viên Nhà xuất bản Âm nhạc. Từ 2006, anh là chuyên viên phụ trách môn âm nhạc ở Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện Bùi Anh Tú cư ngụ tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm