Nhà văn Trần Chiến và 'Chín bỏ làm mười': Vừa thử độc giả, vừa... thử mình

19/04/2018 19:13 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người tìm đến Hà Nội vì mê cái lãng đãng thi vị. Còn với nhà văn Trần Chiến, ông tìm cách len qua màn sương mờ huyền ảo để soi tỏ những góc khuất ẩn trong từng nếp sống thị dân.

Nhẩn nha mãi, đến 4 năm sau khi ra mắt tiểu thuyết Cậu ấmA đây rồi Hà Nội 7 món (hai tác phẩm từng được trao giải Tác phẩm tại giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2015), nhà văn Trần Chiến mới phát hành tiếp Chín bỏ làm mười. Như thường lệ, ông dẫn độc giả đến với Hà Nội, nhưng không phải bằng một con đường dễ đi.

Len lỏi theo từng con ngõ thò thụt, ẩn khuất trong mỗi nếp nhà ống được khắc họa chân thực trong Chín bỏ làm mười là những xung đột rất điển hình của Hà Nội thập niên 1960, trong sự hỗn tạp va chạm của tư tưởng mới - cũ, của “nông thôn hoá thành thị” với lối sống thị dân mới chớm, và còn có nỗi lo cơm áo gạo tiền đến “đờ đẫn” cả thần sắc.

Yêu Hà Nội như bản năng

Bối cảnh của Chín bỏ làm mười gói gọn trong con phố Hàng Nồi, với 7 ngôi kể: chú bé Nam “mọt sách”, Tâm Mun, Lẫm “biết tuốt”, Hiếu “cơm”, Lâm “đồng cô”, dân phòng Đỗ Xuân Biếc và thủ từ Khiêm trông coi đền Song Mã. Mỗi người một vai trò, đảm nhận chức năng phát ngôn cho chính mình đồng thời đại diện cho một giai tầng xã hội.

Chú thích ảnh
Nhà văn Trần Chiến nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2015

Theo đó, truyện không theo lối viết chương hồi bình thường mà liên tục thay đổi ngôi kể. Thêm nữa, tác giả cũng không áp dụng trình tự tuyến tính, lối hành văn sắc lẹm giàu hình ảnh ẩn dụ. Thành ra để theo được mạch truyện nhiều độc giả phải mất tầm 30 trang đầu.

Ngay chính nhà văn Trần Chiến cũng thú thật, ông có phần “chóng mặt” lúc đặt bút viết: “Khi viết cũng đắn đo, xem là người này nói xong rồi thì đến ai nói, mà nói cái gì đây, mỗi người phải một giọng khác nhau”. Cách viết đa ngôi này được ông học hỏi từ nhà văn Lý Nhuệ (Trung Quốc). Trông có vẻ “loạn” thế, nhưng đều có logic với dụng ý cả.

Chín bỏ làm mười bắt nguồn từ đơn đặt hàng của NXB Phụ nữ với nhà văn Trần Chiến. “Đề bài” nội dung của NXB là phải có tuổi thơ và về một vùng miền nào đó. Không đắn đo nhiều, Trần Chiến chọn ngay Hà Nội. “Viết về vùng khác nó vụng dại thì viết sao được. Tôi thân và hiểu Hà Nội rồi, có nhiều cái để viết”. Ông cũng thú nhận, mình yêu Hà Nội như một “bản năng”, từ sự gắn bó, thân quen đến “thuộc lòng”.

Mất một năm rưỡi để tiểu thuyết hoàn thành. Một là vì “chóng mặt”, hai là nhà văn Trần Chiến ưa viết lách theo kiểu nhẩn nha. “Tôi cũng thử học cụ Tô Hoài “cứ ngồi vào bàn rồi tự chữ nó bò ra” mà không làm được”, ông nói.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết “Chín bỏ làm mười”

Một Hà Nội những năm 1960

Thông qua Chín bỏ làm mười, nhà văn Trần Chiến muốn phản ánh những mâu thuẫn văn hoá điển hình của Hà Nội những năm 1960. Những mẫu thuẫn mà theo ông, là “diễn ra từng ngày, từng giờ, từ ngoài phố, trong bếp đến lên cả trên giường ngủ”.

Đó là cuộc đấu không cân sức giữa một bên là khao khát tự do cá nhân nảy mầm từ nếp sống thị dân mới chớm, với bên kia là định kiến truyền thống chắc nịch. Mọi sự khác biệt đều bị đẩy ra rìa xã hội. Điều ấy thấy rõ ở cậu bé Mọt sách với bài tập làm văn bị hội đồng giáo viên lên án, Lâm “đồng cô” không làm bạn được với ai ngoài hai đứa trẻ và rồi chịu kết cục đáng thương.

Hay cả xu hướng “nông thôn hoá thành thị”. “Người ta sống trong biệt thự nhưng lại theo nếp nông thôn. Những kiểu ứng xử vốn phù hợp với thôn quê thì được bê nguyên lên phố thị” . Theo nhà văn Trần Chiến, đây là vấn đề điển hình mà ông muốn khắc hoạ trong Chín bỏ làm mười.

Cũng không thể không nhắc đến những va chạm sinh hoạt từ cảnh sống chung đụng. “Tất cả diễn ra trong mấy bức tường của căn nhà ống. Cấu trúc tạo nên sự riêng tư nửa vời, sinh ra những bất tiện, oái ăm”, nhà văn Trần Chiến nhận định, “Cái cá nhân vẫn chưa có điều kiện để được phát triển tối đa”. Ông cho rằng những xung đột ấy cuối cùng cũng phải được “điều trị” bằng lý tính, cụ thể là hệ thống pháp luật và đạo đức, giáo dục.

Dù vậy, Hà Nội những năm 1960, theo nhà văn Trần Chiến cũng không thiếu những cái đáng yêu. Đó là sự đùm bọc, là sự gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau theo cách nhiều khi vô duyên nhưng lại vô tư. “Nhưng đó không phải thứ tôi muốn nhấn mạnh ở đây”, nhà văn Trần Chiến kết luận.

Nhà văn Trần Chiến

Nhà văn Trần Chiến sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông là con của nhà sử học Trần Huy Liệu, cháu của học giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, đều là hai tên tuổi lẫy lừng trong giới trí thức Việt Nam.

Trần Chiến từng viết về người cha trong cuốn sách tiểu sử - hồi ký Cõi người (2012). Các tác phẩm khác của ông có thể kể đến như tiểu thuyết Đèn vàng, tập truyện Gót thị Mầu đầu Châu Long, Hoa nước, Cậu ấm, A đây rồi Hà Nội 7 món,…

Trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017: Vui buồn lẫn lộn

Trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2017: Vui buồn lẫn lộn

Diễn ra vào hôm qua 4/2, Lễ trao giải thưởng 2017 của Hội nhà văn Việt Nam cho thấy hai gam màu tương phản: nỗ lực nâng cao chất lượng của Hội và bức tranh thơ Việt trong năm qua.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm