“Người thích đùa” Xuân Hương phiêu lưu cùng “Hai Lúa”!

23/08/2008 08:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lần đầu tiên nghệ sĩ Xuân Hương đóng phim truyền hình trong bộ phim dài 30 tập có tên Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa do Hồ Ngọc Sum đạo diễn, biên kịch Đinh Thiên Phúc. Xuân Hương thành công ở hài kịch với “thương hiệu” Những người thích đùa và chị đã nhận giải Cù nèo vàng 2006 của báo Tuổi trẻ cười khi chuỗi biếm kịch này diễn ra lần thứ 4.

Cười trong nước mắt

Những người thích đùa diễn ra lần đầu vào năm 1997, khi đó, Xuân Hương cùng chồng là nghệ sĩ Thanh Bạch chung tay gây dựng. Nhưng khi Những người thích đùa diễn lần thứ 4 thì chỉ còn một mình Xuân Hương đứng ra lo liệu, bởi vợ chồng chị đã chia tay sau 20 năm chung sống. Gắn bó với Thanh Bạch cả trong đời lẫn trên sàn diễn, Xuân Hương không khỏi chạnh buồn khi một mình ngồi lo diễn viên, đạo diễn, kịch bản những vở biếm kịch như: Nhà thương nhà ghét, Hành là chánh, Giáo dục truyền kỳ, Cân tình cảm, Một phiên tòa … để Những người thích đùa 4 mang lại niềm vui cho khán giả.
 
Những người thích đùa giờ chỉ còn Xuân Hương (Ảnh: Internet)

Nói như thế để thấy nỗ lực vượt khó của nữ nghệ sĩ này không chỉ trong nghệ thuật mà còn ở ngoài đời. Thuở nhỏ, Xuân Hương đã phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu vì ly loạn chiến tranh. Ba của chị thoát ly theo kháng chiến khi chị còn trong bụng mẹ. Do chạy loạn nên mới 6 tuổi chị đã được mẹ gởi ở nhà người quen, sống cảnh cơ cực hơn đi ở đợ. Dù trầm luân từ bé như thế, nhưng Xuân Hương vẫn tin yêu vào cuộc sống vì “cuộc đời vui quá không buồn được”. Sau này đi học, ở Liên Xô cũ ngành tạp kỹ, chị đã có khuynh hướng diễn biếm kịch. Thầy dạy chị cảnh báo: “Diễn biếm kịch phải cẩn thận để bảo vệ… nồi cơm”. Vì những vở biếm kịch đem lại tiếng cười cho số đông khán giả nhưng rất dễ đụng chạm đến một bộ phận những người có quyền thế, bạc tiền…

Nghệ sĩ Xuân Hương nhớ lời thầy dạy, đôi lúc chị cũng chạnh nghĩ đến “nồi cơm” của mình. Nhưng không vì thế mà đặt miếng ăn, đồng tiền lên trên hết. Chính điều này đã khiến Những người thích đùa có góc nhìn thời cuộc, mang được tiếng nói công dân của người nghệ sĩ lên sân khấu, với những câu chuyện thời sự vẫn đăng tải trên báo chí. Xuân Hương lấy cảm hứng từ những câu chuyện của nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin rồi đặt vào đó những tình tiết rất Việt thông qua đi thực tế và xem thời sự. Nhưng dẫu sao, để làm người thích đùa, Xuân Hương đã học cách đùa và chị đã biết đùa, đùa để yêu đời hơn dẫu đời còn nhiều cay đắng.

Cuộc phiêu lưu của… Xuân Hương

* “Thương hiệu” của nghệ sĩ Xuân Hương là hài kịch, phim này cũng là phim hài nên chị mới tham gia?

- Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa sẽ phát sóng vào dịp tết năm Kỷ Sửu này, ba ngày xuân rất cần tiếng cười nên phim này phải vui rồi. Khác với nhiều phim diễn viên chính phải trẻ đẹp, Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa không có “chân dài”… mà chỉ toàn mấy vị “sồn sồn” như tôi (vai Tư Măng vợ Hai Lúa), Trung Dân (vai Ba Đời), Thanh Nam (Hai Lúa), Tấn Hoàng… Phim sẽ có rất nhiều tình tiết để… cười! Tôi đọc kịch bản thấy nhiều chuyện thú vị, có đất diễn nên tham gia.

* Cười người nông dân, vậy đây sẽ là tiếng cười phê phán như những biếm kịch mà chị đã tham gia?

- Hoàn toàn không cười để phê phán, ngược lại cười để yêu thương nông dân hơn. Thời @ này, người nông dân chịu rất nhiều biến động. Chuyện phim kể một đôi vợ chồng bán ruộng vườn lên thành phố mở… nhà hàng mưu sinh nhưng thất bại. Cũng có những tình huống ngờ nghệch, lóa mắt buồn cười trước cảnh phồn hoa đô thị để rồi cười… ra nước mắt. Phim muốn gởi thông điệp: phải biết sống với thực tế của mình chứ đừng mơ mộng viễn vông nếu không sẽ hỏng cả cuộc đời. Dẫu sao, người nông dân ở đâu, thời nào vẫn là người nông dân với những phẩm tính tốt đẹp và luôn chịu thiệt thòi. Cuộc sống hằng ngày không thể thiếu người nông dân, nên đóng phim về họ thôi thúc tôi phải làm một cách hoàn hảo như món nợ phải trả.
 
Ẩn sau vẻ hài hước của nghệ sĩ Xuân Hương là một cái nhìn 
đau đáu về thời cuộc

* Lần đầu đóng phim truyền hình, lại vào vai vợ Hai Lúa, chị đã chuẩn bị sẵn “vốn sống” về nông thôn và nông dân chưa?

- Người diễn viên giỏi phải biết diễn như thật, diễn như không diễn. Với vai Tư Măng tôi không cần “diễn”. Hồi nhỏ tôi ở nhà quê, hai bên nội, ngoại của tôi là nông dân thứ thiệt. Các công việc nhà nông như cày, cáy, gặt, đập… tôi rành “6 câu”. Bảo đảm khi tôi xuống ruộng mà không có đoàn làm phim bên cạnh đố ai biết tôi là diễn viên.

* Đạo diễn đã “điều tra lý lịch” biết chị như thế nên mới giao vai này, chứ bề ngoài chị rất... hip-hop?

- Chắc đạo diễn Hồ Ngọc Sum đã nhìn xuyên qua mình, thấy mình có cái gì đó rất… lúa. Về bản chất máu thịt của một con người, không có gì che đậy được kể cả hàng hiệu hay son phấn. Tôi đã sáng tạo thêm vào phim các chi tiết như cho nhân vật Tư Măng ăn trầu, mà tôi ăn trầu thì như các cụ hồi xưa vậy (cười). Tư Măng sẽ ăn trầu ngồi xe hơi, chơi chứng khoán… Tôi muốn có cảnh ăn trầu vì muốn lưu giữ các nét đẹp văn hóa nông thôn, vì càng ngày đô thị hóa càng mất đi những tập tục đẹp.

Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa hay nói khác đi đó là cuộc phiêu lưu của chính tôi để khám phá lại những gì thuộc về mình. Qua chuyện phim này, tôi thấy cuộc sống có hiện đại đến mấy, con người sống lừa lọc nhau như thế nào thì giá trị cuối cùng vẫn như người nông dân sống tràn đầy tình cảm.
 
Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm