Nghệ thuật vì người khó khăn vùng dịch: Hội họa tiếp tục xông xáo

21/07/2021 08:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 19/7/2021, trên trang cá nhân, Xèo Chu, họa sĩ nhí vừa đoạt giải Dế Mèn 2021, đã đấu giá 4 bức tranh được 650 triệu đồng để hỗ trợ y bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Xèo Chu - Vẽ là kể một câu chuyện mới về hiện thực

Xèo Chu - Vẽ là kể một câu chuyện mới về hiện thực

Ở mùa giải năm nay, một họa sĩ nhí được xướng danh đó là Xèo Chu với những bức tranh vẽ thể hiện cái nhìn trong trẻo, thuần khiết đến mức “vô nhiễm” của cậu bé sinh năm 2007.

Nhóm văn nghệ sĩ “Sài Gòn mình thương nhau…” bằng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, bán tranh đã nhận về hơn 800 triệu đồng… Đây chỉ là 2 trong khá nhiều chương trình đấu giá và bán tranh đã, đang và sẽ diễn ra, mà mục đích chính là tương trợ những hoàn cảnh khó khăn liên quan đến Covid-19 ở TP.HCM.

1. Gần đây các họa sĩ như Lương Lưu Biên, Nguyễn Công Hoài, Trần Quốc Giang, Nguyễn Minh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Thảo Hiền, Dương Tuấn… (còn rất nhiều) đã và đang đấu giá tranh vì mục đích vừa đề cập. Chuyên trang Vietnam Art Space (VAS) đang tổ chức triển lãm và đấu giá tranh trực tuyến Hướng về Sài Gòn - Kết nối yêu thương khá quy mô.

Sống Foundation đang triển lãm trực tuyến Câu chuyện dòng sông và đấu giá gây quỹ River Ơi cho việc phát triển bền vững, nhưng đến nay cũng quyết định chuyển hướng sang chương trình Be Strong Saigon, vì thấy ưu tiên hơn. Nhóm họa sĩ 33A và các họa sĩ gốc Hà Tây cũ ủng hộ tranh (bao gồm khung, phí vận chuyển trong nước) để đấu giá gây quỹ Gieo gạo vì người khó khăn ở Sài Gòn. Danh sách này còn rất dài, khó kể hết một lúc, nhưng tất cả nghĩa cử đều thật đáng quý.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hội An” (acrylic trên toan, 86cm x 106cm, 2015) của Doãn Hoàng Lâm, triển lãm và đấu giá tại triển lãm “Câu chuyện dòng sông”

Về tiêu chí chọn lựa tranh, họa sĩ Trần Thảo Hiền (ban quản trị VAS) cho biết: “Các họa sĩ gửi từ 3 - 7 tranh, với thông điệp tình yêu, hạnh phúc và hòa bình. Tranh cần đủ các điều kiện đẹp về mỹ thuật như màu sắc, bố cục, tạo hình, cần có sự gần gũi, dễ treo trong nhà, nên những tranh yếu kém sẽ bị loại”.

Trang VAS đã thu hút gần 150 tác phẩm của các họa sĩ như Phạm Kiên, Tạ Văn Quân, Nhất Tự, Đình Hùng, Bùi Trọng Dư, Hoàng Phúc Quý, Đỗ Hiếu, Nguyễn Tấn Hiền… Triển lãm Câu chuyện dòng sông có tranh của Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Văn Thể, Phạm Bình Chương, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng, Hùng Rô, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thắng, Trung Liêm…

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hạ vàng” (màu trên giấy xuyến chỉ, 35cm x 100cm, 2021) của Nhất Tự đấu giá trên trang VAS

Nhiều họa sĩ vừa kể trên đây đã có thị trường của riêng mình, nên tác phẩm họ tham dự ở đây là vì cộng đồng, chứ không phải vì “tranh không bán được” như một số người thị phi, “ác miệng”.

Quan điểm chọn tranh của họa sĩ Nguyễn Minh (nhóm 33A) là: “Tiêu chí đầu tiên của tác phẩm phải là đậm nét thương hiệu của họa sĩ, chất lượng tác phẩm luôn đóng vai trò quan trọng, hơn cả chuyện bán được hay không. Chất lượng của tác phẩm sẽ quyết định đến đa phần thành công của cuộc đấu giá hoặc triển lãm sau đó”.

Nguyễn Minh nói thêm: “Trong cuộc đấu giá chung tay cùng Sài Gòn, tôi và các nghệ sĩ nhóm 33A mong muốn góp chút sức nhỏ bé của mình. Mỗi tác giả có thể ủng hộ trên tinh thần tự nguyện và tự lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt nhất, với các điều kiện như kích thước không quá to, giá bán đề ra không quá 50% giá bán thực tế, tranh đã bao gồm khung và miễn phí vận chuyển trong nước. Cuối cùng, quan trọng nhất, đó là định mức ủng hộ của nghệ sĩ là 50% hoặc 100%, thật may mắn là các nghệ sĩ 33A đa phần đã chọn ủng hộ 100%. Tất cả đều hy vọng sẽ góp được chút công sức nhỏ bé để đồng hành với quỹ Gieo gạo, vì những bà con đang gặp khó khăn trong dịch bệnh tại Sài Gòn”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Ballerina” (tổng hợp, 120cm x 90cm, 2018) của Lương Lưu Biên đã đấu giá vì Sài Gòn

2. Nhìn lại qua một năm rưỡi đại dịch, hội họa luôn xông xáo và khá hiệu quả trong các chương trình đấu giá, bán tranh vì thiện nguyện. Theo một thống kê chưa đầy đủ, số tranh mà giới mỹ thuật, sưu tập vì cộng đồng trong 2 năm qua đã hơn 1.500 bức, đóng góp cả chục tỷ đồng.

Lâu nay, đa số họa sĩ làm việc riêng tư, một mình, nên trước việc phải hạn chế đi lại hay thậm chí là giãn cách xã hội, dù khá lo lắng, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục công việc của mình trong xưởng vẽ. Chính điều này giúp cho giới mỹ thuật liên tục có tác phẩm mới, mà một số ngành nghệ thuật sáng tạo tập thể thì khó có được như vậy.

Hơn nữa, nhu cầu mua tranh gốc treo trang trí và sưu tập đã tăng nhanh trong cộng đồng người Việt. Theo ước tính của nhà đấu giá Lý Thị, nếu những năm 2010, số người Việt mua tranh theo hướng sưu tập vào khoảng 300 người, thì đến năm 2020 đã hơn 1.000 người. Chính vì vậy mà các tác phẩm vì thiện nguyện, nếu có đủ chất lượng - thường thì giá bán thấp hơn - sẽ thu hút các nhà sưu tập chuyên nghiệp.

Một người mua tác phẩm để ủng hộ Sài Gòn từ trang VAS, muốn giấu tên, nói: “Khi chưa có Covid-19, công việc bận rộn đến mức không còn có thời gian để xem tranh, để trang hoàng nhà cửa luôn. Đại dịch đến, lo lắng thì rất nhiều, phải ngồi nhà theo dõi tin tức y tế, nhưng chẳng lẽ suốt ngày cứ đọc tin dịch bệnh, thấy nặng nề quá, nên muốn tìm cái gì đó tích cực hơn. Tôi đã quay lại xem tranh trên các trang mạng, thấy tranh giúp mình bình yên hơn, đã bắt đầu mua vài bức về treo. Từ khi làm nhà cách đây vài năm, tôi đã có ý mua tranh, mà đến giờ mới thực hiện được”.

Họa sĩ Võ Trân Châu (đại diện nhóm “Sài Gòn mình thương nhau…”) chia sẻ: “Ban đầu chúng tôi chỉ muốn làm vài hoạt động nho nhỏ, tùy theo sức của mình, nhưng rồi các họa sĩ vào cuộc với các tác phẩm chất lượng, các nhà sưu tập thì quá nhiệt thành, nên mới có được thành công ngoài mong đợi như vậy”.

Tối 20/7, họa sĩ Xèo Chu tiếp tục đấu giá các tranh của mình trên trang riêng để hướng đến các y bác sĩ và bệnh nhân tại Sài Gòn. “Nếu con là bác sĩ chuyên dịch bệnh thì đã đăng ký đi chữa bệnh rồi, nhưng con chỉ là học sinh thôi, nên không biết làm gì để trợ giúp mọi người. May mắn con có vẽ tranh, được một số bà con khuyến khích nên mạnh dạn đưa lên Facebook cá nhân xem sao, thế là được ủng hộ. Con cũng mới dùng Facebook đây thôi, nên còn lóng ngóng lắm, khi làm đấu giá, được mẹ và người thân trợ giúp rất nhiều, nếu tự làm, chắc cũng chưa được như vậy đâu” - Xèo Chu chia sẻ.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm