Nếu lệnh 'không học thêm' áp dụng cho tiến sĩ...

15/06/2016 06:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Các đây vài ngày, trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo của Thành phố: “Dứt khoát năm nay TP.HCM không có chuyện dạy thêm học thêm”.

1. Chỉ đạo của người đứng đầu thành phố đưa ra đúng tại buổi làm việc với người đứng đầu Bộ nắm “quốc sách hàng đầu” của đất nước rõ ràng là thông điệp có sức nặng.

Về lý thuyết, chúng ta có quyền tự hào mình là một dân tộc hiếu học. Nhưng thực tế chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau rằng trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học là chuyện khác. Nền giáo dục đang mang trong mình sức ép học hành, thi cử và thành tích lớn hơn là tình yêu tri thức và niềm say mê học tập một cách tự thân.

Và như vậy, dù được khoác lên mỹ từ “tự nguyện” thì việc học thêm vẫn là một gánh nặng mà xã hội và cơ chế đã đè lên vai học sinh. Các em không còn cách nào khác, nó là nhu cầu bắt buộc đến mức gần như trở nên chính đáng bởi những thực tế: Chương trình giáo dục của chúng ta hiện đang quá nặng, phần lớn giáo viên chỉ kịp dạy lý thuyết chứ chưa thể dạy các em những kỹ năng.


Đừng bắt các em học thêm sau giờ học chính khóa

Chương trình giáo dục rập khuôn, không khai thác được khả năng riêng biệt của từng cá nhân. Chuyện văn mẫu, “sáng tạo tập thể” trở nên quen thuộc. Học sinh được quy về mẫu số chung, như một giáo viên tiểu học nói rằng: “Gà, ngan, vịt đều bắt đi bơi cả”. Ngay cả khả năng tiếp thu của các em học sinh cũng khác nhau, giáo viên không thể dừng lại và giúp tất cả, chứ đừng nói đến chuyện phát huy sở trường từng em. Lớp học thêm trở thành sự lựa chọn số 1 của nhiều học sinh để... học giỏi.

Thêm nữa, có bao nhiêu vị phụ huynh đủ dũng khí phản kháng lại một guồng quay của xã hội? Từ một lộ trình học tập được vạch ra như một cuộc chạy đua đến khuôn mẫu để đánh giá một người thành công trong xã hội.

Nếu dũng cảm giúp con nói không nhưng chẳng may chúng không phải thiên tài để tạo nên sự nổi trội, thì con em và đúng ra là chính chúng ta là một kẻ thất bại. Mà thất bại đơn giản nhất ngay trước mắt là ở các kỳ thi. Vì thế, dù cứ cấm, cứ ngăn nhưng các trường, các em và phụ huynh vẫn ngấm ngầm hoặc công khai lao vào học thêm với mục đích rất rõ ràng.

2. Nhưng tôi nghĩ, sự “thực dụng” của các em còn thua xa động cơ của sự học ở một cấp cao hơn, cấp tiến sĩ. Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ, trong đó có nhiều nhà khoa học và quản lý đúng nghĩa, xứng tầm với học vị của mình.

Nhưng thực tế cũng không thiếu tiến sĩ giấy cầu danh ở học vị với nhiều mục đích khác nhau. Hôm trước, ngày 13/6, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải yêu cầu các cơ sở đào tạo tiến hành rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo tiến sĩ từ năm 2013 đến nay.

Tâm thư về dối trá học đường và tương lai đất nước

Tâm thư về dối trá học đường và tương lai đất nước

Buổi họp phụ huynh cuối năm tại một trường trung học, giáo viên thông báo, lớp có 50 em, có 49 học sinh đạt loại giỏi và chỉ duy nhất một em đạt loại khá.

Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo này phải báo cáo về tổng số giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, tổng số giáo sư, tiến sĩ, các thông tin về đào tạo tiến sĩ, tổng số tiến sĩ tốt nghiệp từ 2013 đến 2015...

Báo cáo gửi về Bộ trong tháng 6, cơ sở nào không gửi báo cáo, không kê khai online đúng hạn, nội dung báo cáo không thống nhất với dữ liệu công khai của cơ sở đào tạo hoặc giảng viên trùng với cơ sở đào tạo khác mà không có minh chứng… sẽ bị đình chỉ tuyển sinh đào tạo.

Một nền giáo dục tốt, trước hết phải là một nền giáo dục trung thực, trung thực với chính mình, không chạy theo những danh hiệu hào nhoáng. Tiếc rằng, ngay cả ở bậc học cấp cao nhất là tiến sĩ cũng bị “chạy đua” khi “dạy thêm” tràn lan đến mức cần phải tuýt còi rà soát.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm