Khám phá Tây Bắc cùng “Vua Mèo” Vi Hòa

23/12/2009 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lần đầu tiên, có một phim tài liệu (TL) chuyên sâu về văn hóa Tây Bắc bằng cách khai thác chất folklore nguyên gốc - Khát vọng Tây Bắc (KVTB, 21 tập, 30 phút/tập) cũng là phim tài liệu dài nhất của Trung tâm Phim tài liệu - phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam tính đến nay, do NSƯT Vi Hòa tổng đạo diễn. Hoàn thành 31/10, phim bắt đầu phát sóng từ 23/12 trên VTV1 lúc 22 giờ 20 phút vào các tối thứ Hai, Tư, Sáu, liên tục trong 2 tháng, để đón chào năm mới Canh Dần. (Sau đó lời bình phim được dịch qua tiếng Anh để phát trên VTV4 ra nước ngoài và dịch qua các tiếng dân tộc để phát VTV5).

Vùng cao - gắn bó cuộc đời


ĐD Vi Hòa (trái) cùng ĐD trẻ Mã Anh Lâm tại huyện vùng cao Văn Bàn trong chuyến làm phim
Sự gắn bó hòa quyện trong máu với mảnh đất của hoa ban, không chỉ của những người dân Tây Bắc, mà chính ở tổng đạo diễn Vi Hòa, người có 33 năm tuổi nghề.


Từ năm 1976 đến 1994, khi là quay phim - đạo diễn tại Hãng phim TL & KHTƯ, Vi Hòa (người Tày) đã dành phần lớn thời gian sáng tác về miền núi phía Bắc. Điều giản dị, bởi dân tộc Tày và tính cách phóng khoáng, chân thật, thượng võ của người vùng cao, thiên nhiên, phong tục núi rừng hằng đồng điệu, cuốn hút.

Phim TL nhựa 30 phút Người Mông và cây súng kíp (1984), tác phẩm đầu tay của ông với tư cách biên kịch và đạo diễn đã tạo tiếng vang, với hình ảnh các chàng trai, cô gái Mông phi ngựa từ núi cao hùng vĩ xuống thảo nguyên bạt ngàn hoa Simacai, Bắc Hà, là khởi sự cho biệt danh “Vua Mèo” của ông sau này. Tại Đài THVN 15 năm qua, sau một số phim truyền hình, Vi Hòa chuyên sâu vào mảng tài liệu. Nhuận bút, chi phí sản xuất phim theo chế độ gần như cào bằng giữa phim quay ở ngay Hà Nội với phim làm ở rừng sâu núi thẳm, từ lâu không thay đổi, khiến tâm lý ngại khó ngại khổ càng có lý để “tránh” lên miền núi. Nhiều đạo diễn chuyên tìm đề tài ở đồng bằng thành phố, hay liên hệ với nước ngoài làm phim, vừa nhàn lại có “màu”, thì ông Hòa cứ “ngược”, say sưa đề tài dân tộc, chịu thiệt, gian khổ, mang tiếng “dại”. Anh em đồng nghiệp từ lâu gắn cho ông cái tên “Vua Mèo” chuyên trèo lên núi, làm phim về miền núi.

   Khát vọng Tây Bắc được thực hiện bởi một lực lượng đông đảo. Có tới 9 đạo diễn: NSƯT Vi Hòa (làm 7 tập), NSƯT Thới Xuân Nga (2 tập), Thanh Nguyên (5 tập), Bùi Tuấn (2 tập), Bùi Phùng, Giang Sơn, Phan Hùng, Nghiêm Nhan, Trần Quốc Huy mỗi đạo diễn làm 1 tập.

Hai năm trước, NSƯT Chu Hòa và Vi Hòa khi cùng làm ở Phòng Phim tài liệu, Ban Chuyên đề, đã có ý tưởng làm phim về vùng Tây Bắc, nơi có 26 dân tộc với nền văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc. Báo động đỏ về vốn di sản lâu đời đã ở cấp toàn cầu, và tại Việt Nam, vốn quý lâu đời ấy đang mai một. Cần phải có một phim dài tập đi sâu giới thiệu phân tích, bình luận những bản sắc độc đáo, những nét đặc trưng nhất, đó còn là cách để góp phần gìn giữ, khôi phục, tiếp diễn các giá trị phong phú, đặc thù của một miền tươi đẹp.


KVTB từ lúc mời các nhà nghiên cứu, nhà văn của các địa phương viết kịch bản (KB) tới khi hoàn tất toàn phim, mất 1 năm ròng. Đây là thời gian làm rất kỹ đối với phim tài liệu truyền hình, song lại hiệu suất cao với khối lượng công việc lớn. Đó là chưa kể thời gian tổng ĐD và cộng sự đã đi tiền trạm nhiều lần để chọn cảnh, liên hệ sản xuất. Sở Văn hóa, Hội Văn nghệ cùng các trí thức, nghệ sĩ của 6  tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và đoàn làm phim tạo thành đội ngũ hàng trăm người tham gia KVTB. Sáu tỉnh tạo thành khối rubic đa dạng, thống nhất, huyền thoại, bí ẩn đầy sức sống.


Bên nhà văn Mã A Lềnh trong cảnh quay
 tại một gia đình người Mông ở Sapa


Kết nối tình yêu

Những tác phẩm văn chương về miền Tây Bắc được công chúng biết đến rộng rãi, lại của những nhà văn Hà Nội chính hiệu. Tô Hoài đi thực tế để có Truyện Tây Bắc (1953). Đinh Trọng Đoàn lên Lào Cai dạy học, lấy tên ân nhân cứu sống mình - Ma Văn Kháng - làm bút danh, viết Đồng bạc trắng hoa xòe. Nguyễn Huy Thiệp xong Sư phạm Sử, phải lên Sơn La làm thầy 10 năm trời thấm mà nên Muối của rừng , Những ngọn gió Hua Tát.

Nhưng ở KVTB, tổng ĐD chủ trương mời 13 nhà nghiên cứu người dân tộc và văn nghệ sĩ người Kinh sống lâu năm ở miền núi, coi đó là quê mình, viết KB. Đây là những KB thông tin, chưa phải KB điện ảnh, song là “bột” quý, bởi không ai hiểu rõ hơn họ về mảnh đất họ đang sinh sống. Nếu nhà rông, cồng chiêng và những đàn voi là biểu tượng Tây Nguyên, thì trắng muốt hoa ban, rực rõ thổ cẩm, nhà sàn, những điệu múa xòe là hồn cốt của Tây Bắc, nơi có nhiều “mường” (cánh đồng lớn) chứa đựng bao vẻ đẹp, với những cánh đồng nức tiếng.

Nào “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (Mường Thanh Điện Biên, Mường Lò - Yên Bái, Mường Than - Than Uyên, Lào Cai, Mường Tấc - Phù Yên, Sơn La”; rồi “Tứ Mường” của Hòa Bình: “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”.

“Vậy có dàn dựng hay diễn xuất không?” NSƯT Vi Hòa khẳng định: “Không. Không có bất cứ yếu tố “văn công” nào. Tất cả là thổ cẩm chính cống, những người dân tộc đang sống tại các bản. Thực tế, các phong tục vẫn diễn ra đây đó, nhưng có bị giản lược, biến thái khá nhiều. Rất kỳ công, tốn sức, tâm trí cùng quyết tâm cao nhằm đưa đến người xem văn hóa bản nguyên của các dân tộc, với hình ảnh đẹp, âm thanh chân thực sống động, bộ phim là dấu ấn đáng nhớ trong đời làm phim của chúng tôi”.
 
Hứa hẹn những chuyến chu du lý thú

     Qua Miền bí ẩn (tập 1) giới thiệu chung, khán giả sẽ đến Hòa Bình ở tập 2 Dấu ấn một vùng đất - KB của tác giả Quách Văn Ạch (người Mường). Tập 3 Âm vang xứ Mường viết bởi Nguyễn Thành Viên - Bùi Huy Vọng. Tập 4 Tình người Sơn La do Lò Lả, một người Thái chính hiệu viết. Quay tại Điện Biên, tập 5 Mường Then - Mường Trời làm từ KB của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Nguyễn Thị Lâm Hảo (Hội VN Điện Biên). Tập 6 Già Poong kể chuyện Mường Phăng (Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên), ta gặp người liên lạc của đại tướng năm xưa, già Poong đã ngoài 90 tuổi, vẫn gác giữ “rừng Đại tướng”.

     Nhà thơ Dương Soái (Chủ tịch Hội Văn nghệ Yên Bái) viết KB tập 8 và 10, sẽ đưa khán giả đến Yên Bình chiêm ngưỡng Viên ngọc xanh Thác Bà, tới Bậc thang lên Mù Căng Chải . Rồi nhà văn Ngọc Bái (nguyên Giám đốc Sở VH - TT Yên Bái) lại đưa chúng ta xuống Dưới ba tầng trời ở Mường Lò (tập 11) và tập 18. Người xem sẽ cùng lãng mạn nơi Chín bậc cầu thang ở Điện Biên (tập 13) rồi sang Sơn La xem Thông điệp từ những pho sách cổ (tập 14). Tập 15 của bộ phim trở lại Trên quê hương vợ chồng A Phủ (KB Đỗ Đức Thọ). Những điệu xòe không tuổi (tập 17, tác giả Phương Liên - Sở VH Lai Châu) quay tại Mường So, Phong Thổ, Lai Châu, nơi có 36 điệu xòe, nhiều lớp nghệ sĩ tài năng làm đất này thành mường nổi tiếng nhất của người Thái trắng về truyền thống dân ca, dân nhạc, dân vũ, với những vòng xòe khổng lồ chưa từng thấy, vài ngàn người tham gia.

     Lần đầu tiên, ta sẽ hiểu kỹ về Nơi thượng nguồn sông Đà (tập 19) ở Mường Tè, Sìn Hồ, Lai Châu... Tập cuối cùng lại mở ra nhiều hứa hẹn bất ngờ, bằng Lời chào của người Dao, do một người Mông viết KB - nhà báo Mã Anh Lâm (Đài TH Lào Cai) - con trai nhà văn Mã A Lềnh.


Gia Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm