'Hổ' từ trống đồng đến cung đình và dân gian

21/01/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa phối hợp với Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập tư nhân tổ chức trưng bày chuyên đề Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam.

Khai mạc trưng bày 'Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam'

Khai mạc trưng bày 'Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam'

Chào đón Xuân Nhâm Dần 2022 đang tới gần, sáng 18/1/2022, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Khu di tích Lịch sử Đền Hùng và một số nhà sưu tập tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam".

Cũng như hình tượng rồng trong mỹ thuật Việt, hổ cũng là một hình tượng nghệ thuật gắn liền với những biến động của văn hóa lịch sử dân tộc. Nhưng khác với rồng là con vật hư cấu, hổ vừa là con vật linh thuộc tứ tượng, vừa xuất hiện trong đời thật và gần gũi đi vào ca dao tục ngữ.

Cùng với khối lượng đồ sộ các hiện vật mỹ thuật trong bảo tàng, trưng bày chuyên đề hổ với hơn 30 hiện vật sưu tầm và tư liệu đi kèm, đem đến thêm một hình tượng xuyên suốt trong mỹ thuật Việt, một lát cắt dọc để công chúng hiện đại hôm nay hiểu hơn về thẩm mỹdân gian qua các thời kỳ của dân tộc.

Chú thích ảnh
Không gian trưng bày chuyên đề “Hổ trong mỹ thuật Việt Nam”

Từ “Lễ hội săn hươu” trên đồ đồng Đông Sơn

Nông nghiệp ổn định và tạo ra lương thực dư thừa, thuật luyện kim, thủ công phát triển, là bối cảnh thuận lợi cho cư dân Đông Sơn bước vào sáng tạo nghệ thuật phục vụ đời sống tinh thần.

Trong số rất nhiều những nghiên cứu về Đông Sơn, tác giả Nguyễn Việt từng có bài viết Lễ hội săn hươu có nói tới nhiều hoạt cảnh săn bắt được khắc trên thạp, trống đồng. Trong đó ở một số tiêu bản đồ đồng Đông Sơn, có hình tượng hổ đi cùng đàn hươu mà sự thể hiện toát lên một “không khí hòa bình”. Nắp “thạp đồng kiểu Điền” có tượng bò ở giữa và đàn hươu, hổ đi xung quanh. Các cảnh săn bắt thể hiện một“năng lực mô tả” đặc trưng trong nghệ thuật Đông Sơn.

Trong các hiện vật trưng bày lần này,hổ xuất hiện trong các dàn cảnh quen thuộc trên trống đồng. Hổđại diện cho sức mạnh tầng mặt đất đi cùng với hươu, nai, trâu, voi, rắn… Chim trên trời, cá dưới nước, thể hiện sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái Đông Sơn và phần nào toát lên bầu không khí yên bình, no đủ, khi con người và tất cả các loài vật tự nhiên sống chung trong chuỗi sinh thái.

Việc đặt hổ trong chuỗi hoạt cảnh, tương quan với các loài vật mang ý nghĩa quan trọng trong hệ sinh thái của mình, cho thấy tầm quan trọng của loài vật này trong đời sống cư dân Việt cổ. Dù có miêu tả cảnh săn hổ thể hiện sự chủ động chế ngự của con người đối với muôn loài, nhưng những hình ảnh về hổ vẫn được thể hiện khách quan, thăm dò và ước lệ. Hổ như hình tượng vừa xa lạ vừa huyền bí thuộc về chuỗi tự nhiên, con người thể hiện niềm tôn trọng, kính sợ và tôn thờ sức mạnh oai linh có thể liên quan đến tín ngưỡng vạn vật hữu linh thời kỳ này.

Chú thích ảnh
Hổ trên hiện vật đồ đồng Đông Sơn

Đến cặp bài trùng “rồng - hổ”

Trên cơ sở tầng văn hóa Đông Sơn, tiếp thu những quan niệm về tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ) trong văn hóa Hoa Hạ phương Bắc, hình tượng hổ trong văn hóa Việt Nam từ thời kỳ này có sự biến chuyển mang ý nghĩa thay đổi gắn với cặp khái niệm “rồng - hổ” biểu thị sự vật đối lập nhưng nương tựa vào nhau, “tương sinh tương khắc”. Tứ tượng mang ý nghĩa về phong thủy đại diện cho 4 phương, 4 mùa trong năm, các đức tính, nguyên tố trong tự nhiên, vị trí các chòm sao trong thiên văn học cổ. Theo đó, hổ trở thành một thần thú mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo.

“Quan niệm về thanh long- bạch hổ trong văn hóa Việt được đề cập sớm nhất có lẽ bắt đầu từ Thiên đô chiếu của vua Lý Thái Tổ: “long bàn hổ cứ”. Đây là cụm từ chỉ địa thế rất mực xung yếu quan trọng”- nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương.Và cũng từ đây, bên cạnh hình tượng rồng, hổ đi vào mỹ thuật Việtvới sắc thái pha trộngiữa tâm linh lẫn cảm thức dân gian, thăng trầm phụ thuộc vào hoàn cảnh đất nước.

Nếu như hình tượng rồng thời Lý đại diện cho nhà vua, được đặc biệt chú trọng trong việc xây dựng mô-típ - hình tượng thì hổ thời này không được nhắc tới nhiều, có thể bởi từ quan niệm cặp đối lập rồng-hổ kể trên. Tới thời Trần, đất nước 3 lần chống quân Nguyên Mông, tinh thần thượng võ lên cao, hình tượng hổ đi vào mỹ thuật cung đình và dân gian với sức mạnh cổ vũ tinh thần thượng võ.Cũng như hình tượng rồng,hổ thời kỳ này được tạo hình khỏe khoắn, sinh động, thể hiện sự dũng mãnh, oai phong đồng thời được coi như linh thú trấn yểm bảo vệ lăng mộ.

Chú thích ảnh
Hổ trong hiện vật 10 thế kỷ đầu công nguyên

Trong các hiện vật thời Trần (thế kỷ 13-14), hổ xuất hiện trên gốm hoa nâu trong hoạt cảnh đuổi bắt ngựa, trên lưng có cắm cờ hiệu.Tượng hổ ở lăng Trần Thủ Độ (Hưng Hà, Thái Bình), lăng vua Trần Hiến Tông (Đông Triều, Quảng Ninh) là các tác phẩm điêu khắc hiếm hoi còn lại của thời Trần, mở đầu cho truyền thống đặt tượng ở 2 bên trục thần đạo các lăng mộ.

Thời Mạc- Lê Trung Hưng thế kỷ 15, đất nước sau nhiều biến động, mỹ thuật dân gian ngầm phát triển trong đời sống nhân dân. Hổ xuất hiện trên các hiện vật gốm Chu Đậu (Hải Dương) thế kỷ 15, gốm Bát Tràng (Hà Nội) với nhiều tiêu bản như bình gốm hoa lam, kendy, đĩa gốm men lam và nhiều màu…với phong cách khác biệt. Những hình hổ này hoàn toàn không mang ý nghĩa tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng hay sự sợ hãi, sùng bái như các thời kỳ trước mà thường là các đồ án trang trí vui tươi, sinh động. Cách tạo hình hổ này cũng phù hợp và thống nhất với phong cách tạo hình dân gian trong giai đoạn mỹ thuật Việt Nam thời Mạc - Lê Trung Hưng.

Tới thời Lê- Trịnh, với sự nới lỏng việc ban phong chức tước và hậu đãi với tầng lớp quan lại, đây là thời kỳ nở rộ của các hình thái kiến trúc lăng mộ. Quần thể lăng mộ quan lại được xây dựng to lớn với hệ thống tượng hổ và điêu khắc dày đặc. Tạo hình tượng hổ mang tính tả thực cao. Vị trí tượng hổ ở ngoài cùng được coi như hộ môn thú canh gác lăng mộ. Như vậy, trong các triều đại tự chủ, hình tượng hổ được sử dụng nghiêng về việc mượn sức mạnh oai linh hổ để thể hiện sức mạnh dân tộc, hổ làm nhiệm vụ trấn giữ, hộ vệ, thanh trừ trong quân sự.

Chú thích ảnh
Hổ trên gốm hoa nâu thời Trần

  

“Cởi bỏ” uy quyền đi vào dân gian

Nghệ thuật tranh dân gian và hệ thống điêu khắc- kiến trúc gỗ đình làng là 2 khía cạnh đặc sắc của mỹ thuật dân gian Việt Nam. Trong cả 2 hệ thống này, hổ là đề tài ưa thích được khắc họa bởi các nghệ nhân dân gian. Nhưng cũng từ đây, hình tượng hổ được thỏa sức sáng tạo cởi bỏ uy quyền lề lối để mang những sắc thái gần gũi, sinh động, vui tươi phục vụ mục đích tinh thần của tầng lớp dân dã.

Hổ trong chạm khắc đình làng thường tham gia vào các hoạt cảnh đầy ý nghĩa như: Hổ chạy theo chân Đinh Bộ Lĩnh trong cảnh mả táng hàm rồng, người cưỡi hổ (đình Chu Quyến), người cầm giáo đâm hổ (đình Tây Đằng), người đánh hổ và người voi săn hổ (đình Chảy) hay đến hổ cày ruộng (đình Hùng Lô), Người nắm đuôi hổ, níu râu rồng (đình Hương Canh), 3 mẹ con hổ (đình Trùng Hạ)… Với điêu khắc đình làng, hổ đã gia nhập thế giới gần gũi, thân quen, giản lược về hình thức. Cũng như các hình tượng chạm khắc khác trong sáng tạo của nghệ thuật đình làng Việt, hổ hiện lên hóm hỉnh, mộc mạc, vui tươi, đầy sức sống của nghệ thuật dân gian.

Ngũ hổ là bức tranh dân gian đặc sắc thuộc dòng tranh Hàng Trống mang ý nghĩa kết hợp của các luồng tư tưởng văn hóa, phản ánh tín ngưỡng tối cổ của người Việt trong quan niệm tôn thờ thế lực tự nhiên. Màu sắc trong tranh ngũ hổ hài hòa dựa trên nguyên lý ngũ hành. Đường nét tạo hình mang tính ước lệ cao được thể hiện theo lối đơn tuyến bình đồ, không theo quy luật xa gần. Kết hợp với các họa tiết như mây ngũ sắc, cờ, kiếm, tinh tú… tạo nên một tổng thể uy nghiêm, cảm giác về sự linh ứng.

Chú thích ảnh
Tượng hổ trong lăng mộ thế kỷ 15-17

Bênh cạnh tranh ngũ hổ, hình tượng con hổ còn được sử dụng trong các tranh bùa chú trấn trạch. Bài viết Hình tượng con hổ trong mỹ thuật dân gian của người Việt, nhà nghiên cứu Trang Thanh Hiền còn nói đến: “Cặp tranh Thanh Long - Bạch Hổ của dân gian Kim Hoàng là một ví dụ điển hình. Rồng xanh chầu bên trái, hổ trắng phục bên phải thì mọi tà ma đều tránh xa. Không những vậy sự thị hiện của rồng chầu hổ phục còn đem lại sinh khí tốt tươi cho gia chủ - một thuật phong thủy rất phổ biến trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ngoài ra những chiếc bùa trấn trạch hiện nay vẫn thường xuyên được sử dụng khi làm lễ tân gia, nhập trạch, ta vẫn thấy hình tượng con hổ được hiện diện, dù rằng cuộc sống của người Việt đã vô cùng hiện đại. Dẫu không còn liên quan đến núi rừng, nhưng việc trấn trạch bằng hình tượng một con hổ ngồi khoan thai một chân đưa lên phía trước thị uy, chính là sự mượn oai hổ - linh hùm để xua đuổi tà ma, chướng khí, ngõ hầu mang đến một cuộc sống bình an”.

Hổ đi từ nghệ thuật cung đình đến dân gian, đi qua các triều đại phong kiến với vị thế đối lập trong cặp hổ - rồng, đôi khi hình tượng hổ đại diện cho cái ác, có phần bị áp chế, nhưng luôn có ý nghĩa/ hiệu lực trừng tà. Qua thăng trầm của các triều đại, hổ quay trở về với điêu khắc đình làng trong vẻ hồn nhiên, giản dị như tiếp nối hình tượng hoang sơ của nghệ thuật Đông Sơn. Hổ đi vào tranh dân gian với hình tượng được sùng bái, mang tính tâm linh trong sự trở về với tín ngưỡng cổ xưa của người Việt Nam.

Qua mấy nghìn năm lịch sử, con hổ trở thành một linh thú mang nhiều nét tính cách của xã hội Việt Nam.“Trí khôn của ta đây”, “Hổ phụ sinh hổ tử”, “Hổ dữ chẳng ăn thịt con”, ông Ba Mươi...là những câu chuyện, ca dao tục ngữ người Việt đã gán cho hổ vừa thể hiện 2 quan điểm song song đối với sức mạnh của hổ, vừa như mượn hổ để răn đe, ẩn dụ hay phóng chiếu các nét tính cách sang dân tộc mình, mong cầu đến những may mắn, tốt đẹp.

Chú thích ảnh
Hổ trên gốm Chu Đậu thế kỷ 15
Chú thích ảnh
Tượng hổ gốm Bát Tràng thế kỷ 18
Chú thích ảnh
Hổ trên chạm khắc đình làng thế kỷ 16-18
Chú thích ảnh
Tranh Ngũ hổ - tranh dân gian Hàng Trống

  Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm