Hình tượng Steve Jobs qua tranh nghệ sĩ Việt

07/10/2012 16:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Người ta nói về Steve Jobs rất nhiều trong các cuộc hội thảo khoa học, qua những trang báo,...nhưng rồi những điều ấy theo thời gian sẽ bị phai nhạt. Tôi muốn làm một điều gì đó để ghi nhớ đến vị thiên tài mà sau trăm năm nữa vẫn vẹn nguyên. Tôi đã nghĩ đến hội họa...”, ý tưởng của Tiến Sĩ kinh tế Nguyễn Đức Tiến đã được hiện thực hóa qua 21 bức sơn mài của họa sĩ Bùi Văn Khoa và một bức điêu khắc của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ trong triển lãm mang tên Tư duy khác biệt đang diễn ra tại Thư viện quốc gia (Hà Nội).



Không gian phòng triển lãm, chính giữa là bức điêu khắc chân dung Steve Jobs của nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ

Steve Jobs - đồng sáng lập hãng Apple - được đánh giá là một trong 20 người Mỹ có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được sánh ngang với những tên tuổi lớn như George Washington, Thomas Edison và Alber Einstenin. Báo Time đã nhận định: “Ông ấy là vị cao tăng của thời đại máy tính”, “Người nghệ sĩ của làng công nghệ”.

Nguyễn Đức Tiến - một Tiến sĩ kinh tế - luôn đam mê khám phá những tri thức lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về Steve Jobs và hãng Apple. Không muốn những tìm tòi của mình về Steve Jobs khô khan trên những trang giấy, một ý tưởng táo bạo đã lóe lên đấy là lấy hội họa để truyền tải ngôn ngữ khoa học. Táo bạo bởi trên thế giới chưa một danh họa nào vẽ về Steve Jobs, táo bạo hơn là anh không phải là một họa sĩ, đúng hơn là một người ngoại đạo tuyệt đối. Bằng lòng thành kính với vị danh nhân vĩ đại, sự nhiệt huyết của một người ham kiến thức, anh đã từng bước hiện thực hóa ý tưởng ấy.



Họa sĩ Bùi Văn Khoa bên tác phẩm Tầm nhìn

Đi tìm họa sĩ vẽ ý tưởng của mình là quá trình gian nan nhất của anh. Nhiều họa sĩ đã hứa hẹn rất hay nhưng rồi những bức tranh họ vẽ ra không thể làm anh hài lòng. Một ngày, anh đã vô tình gặp họa sĩ Bùi Văn Khoa, người họa sĩ duy nhất trầm tư nghe anh thuyết trình và không một lời hứa hẹn khi ra về. Sau hai ngày, vị họa sĩ ấy đã mang tới cho anh một bức tranh đầu tiên về Steve Jobs, nhìn vào tranh anh vui sướng vì đã tìm được người họa sĩ hiểu mình.

Hai người thuộc hai lĩnh vực, hai hướng tư duy hoàn toàn khác nhau nên khi cùng làm việc họ đã gặp không ít những khó khăn. Để ý tưởng và nét vẽ trùng khớp với nhau họ đã phải trao đổi rất nhiều. “Tư duy của họa sĩ sẽ quyết định tác phẩm, nhưng người làm nên cái thần cho tranh lại do Tiến quyết định” – chia sẻ của họa sĩ Bùi Văn Khoa. Ông cũng cho biết mình thật may mắn và có duyên làm việc liên quan tới những danh tài. Trước đây ông từng là một trong những người thiết kế lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần này lại có vinh dự được vẽ về vị danh nhân tài danh của thế giới.



Các tác phẩm được đặt cạnh máy tính bảng hiện đại

Tuy nhiên đó lại là áp lực lớn với họa sĩ. Ông đã phải nghiên cứu rất nhiều để làm sao vừa thể hiện được chân dung Steve Jobs lại vừa tái hiện và cập nhật toàn bộ di sản do Steve Jobs cùng công ty Apple để lại cho thế giới ngày nay. Họa sĩ Bùi Văn Khoa cho biết: “Tôi đã cân nhắt từng chi tiết trong nét vẽ, trong phối màu. 21 bức tranh phải có bố cục khác nhau, gam màu khác nhau làm sao để không có sự trùng lặp”.

Sử dụng hình tam giác cân làm hình bài trí bố cục cho tranh, họa sĩ Bùi Văn Khoa đã tạo cảm giác khác lạ cho người xem khi thưởng thức tác phẩm của mình. Theo họa sĩ thì hình tam giác cân là hình của các phiến đá được người Ai Cập cổ sử dụng làm Kim tự tháp. Lấy hình tam giác cân vẽ những bức tranh về Steve Jobs, họa sĩ muốn thể hiện lòng khâm phục tới vị danh nhân tài ba như khâm phục trước sự bền vững của những Kim tự tháp Ai Cập.



Hy vọng, sơn dầu Lukas, 100cm x 120cm

21 bức tranh là 21 câu chuyện về con người Steve Jobs và quá trình hình thành, phát triển của hãng Apple. Qua bức Làn sóng thứ nhất, người xem sẽ hiểu được sức lan tỏa cả thế giới khi Steve Jobs sáng tạo ra ipod và kho nhạc số iTunes. Tuy nhiên tạo nên cảm xúc sâu lắng nhất trong tâm trí người thưởng lãm đấy là ánh mắt của Steve Jobs trong bức tranh mang tên Hy vọng. Khi mắc bệnh ung thư, Steve Jobs không ngừng cầu nguyện sống đến ngày con mình tốt nghiệp trung học. Ánh mắt khi Steve Jobs tặng con trai chiếc xe đạp mà không phải là đống của cải kếch xù như đặt trọn niềm tin vào tương lai con trai mình. Ông hy vọng con trai của mình có thể phát huy cả di sản ông để lại sống động như vầng trời âm ỉ cháy đằng sau lưng.

Với mong muốn gìn giữ những bức họa về Jobs hàng trăm năm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiến đã đầu tư những chất liệu tốt nhất để họa sĩ Bùi Văn Khoa vẽ tranh. Từ sơn đến vải cho tới những cây cọ vẽ đều của hãng Lukas (thương hiệu số 1 về vật liệu hội họa của Đức). Việc sử dụng chất liệu sơn dầu Lukas không những tăng tuổi thọ cho những bức tranh mà còn tạo được độ mịn, bóng cho những bức sơn dầu.



Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiến

Tâm đắc với nguyên lí của Steve Jobs về sự hoàn thiện cả bên trong và bên ngoài, Nguyễn Đức Tiến đã rất chú trọng tới việc trưng bày những bức tranh. Anh đã cẩn trọng tới từng giá đỡ cho tranh. Quả thực những tác phẩm trong triển lãm không chỉ đẹp ở mặt trước mà còn hoàn thiện ngay cả mặt sau của nó. Những bức tranh thêm phần toàn mĩ khi đặt bên cạnh những chiếc máy tính bảng tiện ích. Đây chính là sự hiện đại và khác biệt của một triển lãm về một “phù thủy” công nghệ thông tin.

Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ lại khám phá chiều sâu con người Steve Jobs qua bức tượng chân dung cao hơn 2m được đặt chính giữa phòng trưng bày. “Bộ tác phẩm hội họa, điêu khắc lần này của chúng tôi ví như những vật chứng sống tái hiện lại đầy đủ các đặc trưng nổi trội của nhân vật lịch sử, với những cuộc cách mạng công nghệ tại nước Mỹ và lan tỏa ra toàn thế giới cho tới ngày nay”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiến còn tiết lộ sắp tới sẽ mang những bức họa về Steve Jobs vào TP.HCM triển lãm và tiến xa hơn là sang Mỹ.

Triển lãm chỉ diễn ra trong ba ngày từ 5/10 đến 7/10, tại Thư Viện Quốc gia, Hà Nội.

Thanh Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm