18/06/2021 21:04 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 18/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Thực trạng và giải pháp".
Đây là cuộc toạ đàm tiếp nối sự kiện được tổ chức vào ngày 10/6 vừa qua, nhằm huy động những đóng góp trí tuệ, tâm huyết cho mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng tầm rõ rệt về cả chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP; từng bước đưa Hà Nội trở thành 1 trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Chủ trì tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương. Cùng dự có Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam Michael Croft; Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro và nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học...
Thành phố Hà Nội tiếp tục xác định và khẳng định tiềm năng, lợi thế trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa, thúc đẩy phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, tạo nên diện mạo, môi trường văn hóa mới, đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển bền vững Thủ đô.
Chính vì vậy, Đảng bộ thành phố quyết định lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại; không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố.
Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung phân tích tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; đánh giá nguồn lực kinh tế các ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương và Thạc sĩ Phạm Thị Nhung - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng các tài nguyên văn hóa. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa.
Hà Nội còn là một thành phố có cơ cấu dân số vàng, có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cùng với sự gia tăng về số lượng các các tổ chức giáo dục với kết cấu hạ tầng hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Đó cũng là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế để chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số.
Thành phố Sáng tạo Hà Nội là một câu chuyện mới cho một thế kỷ mới, đại diện cho một thương hiệu và hình ảnh của Hà Nội - đó là hướng tới tương lai, hướng tới hòa nhập và phát triển bền vững. Thành phố Sáng tạo đem lại một nền tảng cho hợp tác và phát triển, đó không chỉ là hợp tác giữa các sáng kiến trong khu vực của thành phố mà còn là những cơ hội hợp tác mới giữa Hà Nội và các Thành phố Sáng tạo khác của UNESCO trong khu vực và trên thế giới. Danh hiệu này đại diện cho sự tiếp nối truyền thống - vì nó được xây dựng dựa trên di sản của Hà Nội như một Thủ đô văn hóa và một Thành phố vì Hòa bình. Tất cả những điều này tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. (Ý kiến của ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam) |
Tại sự kiện, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tham góp cho Hà Nội những sáng kiến, kinh nghiệm tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Trong đó tập trung vào nội dung tạo cơ chế đầu tư tài chính, thu hút vốn và hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học công nghệ cho phát triển công nghiệp văn hóa; chú trọng giáo dục sáng tạo văn hóa; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa…
Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý chỉ ra: Hà Nội còn hạn chế nhất định trong việc đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Từ đó, bà Lê Thị Minh Lý đề xuất Hà Nội cần đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Một mặt, cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, những đóng góp tích cực của các đại biểu tại tọa đàm với mục tiêu phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người trong phát triển công nghiệp văn hóa sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến trong hiện thực hóa mục tiêu đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, từng bước đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.
Ông Nguyễn Văn Phong khẳng định, đối với lĩnh vực sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội luôn coi chủ thể của quá trình này là doanh nghiệp, nghệ sĩ, nghệ nhân và quần chúng nhân dân. Nhà nước giữ vai trò tạo ra hành lang pháp lý, điều kiện hỗ trợ để các chủ thể sáng tạo được cống hiến và hưởng thụ quá trình sáng tạo.
Thảo Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất