Góc nhìn 365: Covid rồi sẽ là ký ức

30/12/2021 13:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa chút lo lắng về thông tin biến chủng Omicron đã “ghé thăm” Việt Nam, hẳn ít người chú ý tới một bộ sưu tập đặc biệt vừa được báo giới nhắc tới trong mấy ngày qua - bộ sưu tập những hiện vật liên quan tới dịch Covid-19.

Góc nhìn 365: Những đám cưới online trong mùa dịch

Góc nhìn 365: Những đám cưới online trong mùa dịch

Có bao giờ, bạn nghĩ tới việc tổ chức - hoặc tham dự - những đám cưới online, mà ở đó tất cả những nghi thức cần thiết đều diễn ra qua mạng internet?

Gồm hơn 500 hiện vật khác nhau, đa phần đều bằng... giấy, chúng được gom nhặt trong 4 tháng bởi một chuyên gia sưu tập có thâm niên, anh Huỳnh Minh Hiệp. Sống tại TP.HCM trực tiếp trải qua những diễn biến khốc liệt nhất của đợt dịch thứ tư, và cũng tham gia chống dịch trên “tuyến đầu”, Hiệp nói rằng anh muốn lưu giữ những gì gắn với một giai đoạn không thể nào quên của nơi mình sinh sống…

Như lời kể, hành trình sưu tập ngần ấy hiện vật của Hiệp không đơn giản. Anh phải mất nhiều thời gian tìm kiếm, lựa chọn, xin lại của người dân và cả những tỉnh thành khác. Khá thú vị, ngoài những thứ được bạn bè gửi từ Hà Nội hay miền Trung, có cả một nhà sưu tập đã thu thập được vài chục hiện vật nhưng cũng sẵn lòng tặng lại Hiệp.

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Minh Hiệp sưu tầm và lưu giữ gần 500 phiếu đi chợ, mua hàng trong đợt dịch Covid-19. Nguồn: Báo điện tử Công Luận

Để rồi, mỗi hiện vật trong bộ sưu tập đặc biệt mà anh có lại mang mình một câu chuyện riêng. Đó là những tấm phiếu đi chợ đầy đủ ở các phường, quận tại TP. HCM, rồi cả ở một số địa phương khác với những khoảng thời gian được phép đi chợ rất khác nhau. Đó là những tấm phiếu với nội dung đặc biệt như đăng ký nhờ bộ đội đi chợ hộ, cho phép người dân đi tập thể dục, yêu cầu quay đầu xe khi không đủ điều kiện qua chốt hay cảnh cáo một số quán xá vì tụ tập đông người.

Thậm chí, giống như những hiện vật “độc” luôn được ưa chuộng, Hiệp có cả tấm phiếu đi chợ mà một địa phương thu hồi (vì cách dùng từ) trước khi phát cho người dân. Rồi, cũng không thể bỏ qua chiếc bao đựng gạo hỗ trợ của Chính phủ, sổ theo dõi sức khỏe F0, bộ đồ bảo hộ của bác sĩ và cả tờ giấy bàn giao hài cốt của người đã mất do Covid-19 mà anh kể rằng đã làm mình ứa lệ khi nhận được.

Trong tương lai, bộ sưu tập ấy sẽ được giới thiệu trong một cuộc trưng bày, theo dự kiến của Hiệp. Như lời kể, anh muốn thế hệ sau có thể hình dung Covid-19 đã xuất hiện tại Việt Nam như thế nào, với những hiện vật mà rất có thể sẽ không bao giờ được tạo ra một lần nữa.

***

Ngay từ bây giờ, tôi đã tin: Sẽ rất nhiều người hào hứng và xúc động khi bộ sưu tập của Hiệp được trưng bày rộng rãi.

Chú thích ảnh
Vỏ chai đựng vaccine được ông Hiệp lưu giữ. Nguồn: Báo điện tử Công Luận

Đơn giản, bởi ngần ấy hiện vật sẽ gợi lên ở mỗi người những ký ức riêng về chuỗi ngày sống trong đại dịch. Ở đó có nỗi buồn của sự mất mát, có sự xúc động từ sẻ chia tình người trong đại dịch, có niềm vui khi nhớ về những thử thách mà chúng ta vượt qua - và có cả nụ cười vì những bối rối, lúng túng trong giai đoạn đầu tiên khi cộng đồng đối mặt với loại virus đang làm đảo lộn toàn thế giới.

Trong quá khứ, chúng ta cũng đã từng có những triển lãm về thời bao cấp nườm nượp người xem - nơi mà mỗi cá nhân đều có thể hồn nhiên tự quay sang bắt chuyện và chia sẻ với người bên cạnh, trong sự đồng cảm cực lớn của dòng hồi ức về một thời gian khó.

Bởi, với sự nhân văn và lạc quan của người Việt Nam, không có gì lạ khi cảm giác chua chát gần như không xuất hiện - để thay bằng sự hào hứng, chân tình và cởi mở của mỗi người khi nhớ lại quá khứ vất vả khi xưa.

Những làn sóng của bệnh dịch đã dần trôi qua và sẽ trôi qua, kể cả khi biến chủng Omicron vừa xuất hiện. Giống như trong quá khứ, thế giới cũng đã từng trải qua những trang đầy u ám về bệnh dịch - để rồi sau mỗi u ám ấy, đại dịch lại là cú hích để nhân loại có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khi con người phải tự học cách sáng suốt hơn, thông minh hơn để tiến tới văn minh trong quá trình phát triển của mình. Người Việt Nam, với những gì đã trải qua, cũng không là ngoại lệ.

Covid rồi sẽ là ký ức.Và, như câu nói của Ethel Barrymore, diễn viên nổi tiếng nhất nước Mỹ trong nửa đầu thế kỷ XX, này bạn có thể ngoảnh đầu nhìn quá khứ và nở nụ cười với chính mình sẽ là ngày bạn trưởng thành.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm