16/03/2009 15:11 GMT+7 | Văn hoá
Theo ước định ban đầu qua ảnh chụp của Mok Kim Chuan (chuyên gia nghệ thuật Đông Nam Á, nhà đấu giá Sotheby’s) thì nhà sưu tập Lê Thái Sơn đang sở hữu một tác phẩm của bậc thầy người Indonesia là Affandi (1907-1990), là tác giả có tranh đắt giá bậc nhất hiện nay trong khu vực Đông Nam Á. Trong E-mail, Mok Kim Chuan cho rằng tác phẩm sơn dầu này (khổ 66x117cm) được Affandi vẽ khoảng những năm 1950 với phong cảnh ở Ấn Độ, còn con đường để nó đến Việt Nam thì chưa xác được định rõ, có thể bằng đường ngoại giao. Ông Chuan cũng đề nghị chủ nhân mang tranh sang Singapore tu sửa vì một vài hỏng hóc do lịch sử, và nhân dịp này các chuyên gia của Sotheby’s sẽ đối chiếu sử liệu để gọi tên và định giá lại tác phẩm. Theo mức giá hiện nay của Affandi, một tác phẩm trên 1 mét vuông như vậy, lại vẽ ở thời kỳ giữa của cuộc đời sáng tác, mức giá không thể dưới 400.000USD. Tác phẩm này cần phục chế đôi chút, giá có thể xuất phát ở mức 200.000USD. Chính các trao đổi này làm cho Lê Thái Sơn e ngại việc mang tác phẩm đi, vì theo anh thì tiền phục chế là 10 - 15% giá trị tác phẩm. “Đây là quy tắc áp dụng cho các danh họa trên thế giới, nếu họ định giá khởi điểm cao hơn nữa, thì tôi sẽ không đủ tiền trả cho việc tu sửa, chẳng lẽ mang tranh về” - Thái Sơn tâm sự.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đắn đo, nhà sưu tập này đang tiếp tục trao đổi với đối tác để mang tranh sang Singapore tu sửa, vì với anh, đời sống của tác phẩm vẫn quan trọng hơn. Đây cũng là người đi “lối hẹp” trong sưu tập, nên có rất nhiều tác phẩm mua về thì “tình trạng” đã rất tệ, nhưng theo anh, nếu không mua thì chẳng còn tác phẩm thứ hai. Anh cũng cho biết ở Việt Nam, vài nhà sưu tập khác đã từng mang tranh, hoặc thuê chuyên gia nước ngoài qua phục chế, còn với anh thì đây là lần đầu. Anh cũng tâm sự, cơ chế quản lý của mình còn chưa thật thuận tiện trong việc này, mang tranh quý đi lại, không phải dễ!?
Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng từng khẳng định: “Tôi có được đọc một số bài viết trong nước gần đây của một số họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật, và tôi thực sự bị “sốc” về những sai lạc liên quan đến tính chất của sơn dầu cũng như kỹ thuật vẽ mà các tác giả của những bài viết đó khẳng định”. Từ ý kiến của họa sĩ này, chúng ta cũng sẽ thấy được vấn đề phục chế, tu sửa tranh sơn dầu sẽ chẳng dễ dàng chút nào, nếu ngay các họa sĩ cũng đã sai lầm về kỹ thuật!
Những “nhà” phục chế tự phát
Tại Sài Gòn, Hà Nội, Huế... đều có những người tự nghiên cứu mà làm nghề phục chế. Ở mảng tranh giấy dó, sơn mài có vài người làm khá thành công. Nhiều nhà sưu tập cũng cho biết mình thường xuyên dùng thợ địa phương, đem ra nước ngoài thì tốn kém và nhiêu khê lắm.
Lưu Quốc Bình, người đang gìn giữ di sản của Lưu Công Nhân (1929-2007) với khoảng 257 bức sơn dầu, gần 190 bức màu nước, rất nhiều ký họa, cho biết anh cũng suy nghĩ rất kỹ về vấn đề làm nhà trưng bày, để làm sao tác phẩm có thêm thời gian sống, và sống tốt. Lưu Công Nhân là bậc thầy vẽ màu nước, thể loại tranh “một nét”, vẽ sai thì không thể sửa, nên nếu để hư mà phục chế thì muôn vàn khó khăn.
Giám đốc của gallery Thavibu (Thái Lan) cũng cho biết sở dĩ ông thích các tác giả đương đại Việt Nam, ngoài chuyện muốn tránh tranh giả, tranh nhái, cũng còn ở vấn đề chất lượng của tác phẩm. Ông cho rằng các họa sĩ ngày nay, khi tiếp xúc với quốc tế, họ đã có thêm được ý thức về việc gia cố nền cho tác phẩm được bền đẹp. Ông nói phục chế là việc bất đắc dĩ và rất tốn kém.
Trong một trả lời phỏng vấn, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn nói: “Chưa có nhiều người Việt đứng ra mua tranh với giá cao tại những trung tâm đấu giá lớn, với mục đích vừa khuyến khích mỹ thuật nước nhà, vừa thực sự yêu quý tác phẩm như những nhà sưu tầm ở Trung Quốc, Malaysia, Indonesia... Dẫu sao, nước ta còn nghèo, nhà sưu tầm Việt Nam cũng còn nghèo, đôi khi, việc mua tranh vẫn còn là câu chuyện của thân quen, xin cho, và thậm chí, cò kè mặc cả”. Chính vì vậy, nên khi mua tác phẩm, ai nhanh chân cũng cố gắng tìm cho được những tác phẩm tốt, chất lượng tương đối hoàn hảo, để giữ được lâu dài hơn, để khỏi tốn tiền phục chế. Bởi nếu mua những đề tài “tranh độc” như của Lê Thái Sơn, các tác phẩm vẽ trong hoàn cảnh đặc biệt như nạn đói năm 1945, hay gắn liền với một sự kiện, những ký họa chiến tranh... thì những hư hại do thời gian là khó tránh khỏi. “Vấn đề là chúng ta phải trở thành những nhà phục chế tự phát để tự giữ tác phẩm, khi nào “bó tay” thì hãy nghĩ đến chuyện mang ra nước ngoài tu sửa” - Lê Thái Sơn nói.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất