Gang of five: 5 chàng 'ngự lâm' lạc bước tân kỳ

24/07/2018 06:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu nhìn lại lịch sử nghệ thuật thời kỳ Đổi mới (sau năm 1986), nhóm "Gang of five" ở Hà Nội giống như 5 chàng ngự lâm lạc bước trong nền mỹ thuật đã ì ạch mấy chục năm. Những tác phẩm của họ thời đó - cũng như vài tác giả trong văn chương thời đó - đã thật sự là giọng nói khác, thái độ khác, mang lại hy vọng.

1.Triển lãm Gang of five - Lạc bước tân kỳ bắt đầu từ ngày 20/7 tại The Factory (TP.HCM) không phải là cuộc tái hợp của nhóm này, mà chỉ là dịp để họ và người xem cùng nhìn lại một đoạn đường lịch sử đã qua. Triển lãm giới thiệu gần 40 tác phẩm hội họa và rất nhiều tư liệu có tính cách lịch sử như các phim tài liệu, hình ảnh, bài phỏng vấn, bài bình luận…

Gang of ˆ ve gồm có Trần Lương, Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng và Phạm Quang Vinh. Đến nay, chỉ mỗi Phạm Quang Vinh chuyển hướng làm quản lý (hiện là Giám đốc NXB Kim Đồng), 4 người còn lại gần như toàn tâm toàn ý với sáng tạo, trở thành những tên tuổi tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Ngoài vẽ tranh, Trần Lương còn là một giám tuyển hoạt động năng nổ, uy tín ở phạm vi quốc tế.

Chú thích ảnh
Nhóm "Gang of Five" năm 1993, từ trước ra sau, trái sang phải: Đặng Xuân Hòa, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh.

Khi triển lãm này diễn ra tại Hà Nội cuối năm 2017, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp có một nhận diện khá... điện ảnh. Chị viết: “Năm cái tôi ấy đứng cạnh nhau trong bức ảnh đen trắng, dán trên vách tàu điện, vừa như năm kẻ đi tàu trông chả lấy gì làm giàu có, cũng khó đảm bảo trong số kia không có người lậu vé, óc vơ vẩn nghĩ về bữa rượu ở xưởng vừa rồi, hoặc âu lo với điều gì chả bé chả to! […]. Nhưng đồng thời họ cũng giống như một băng nhóm nào đó đang chằm chằm nhìn vào mình - một khách lậu vé, nhảy lên chuyến tàu của riêng họ.”

Nghĩa là về nhận diện, Gang of five có đủ tố chất của “băng nhóm” và “nhóm nghề”, phá cách và hàn lâm.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Họa sĩ và người mẫu” (màu bột trên giấy, 1991) của Phạm Quang Vinh

2. Nói về triển lãm lần này, Trần Lương cho biết: “Giản dị lắm! Chỉ như mượn chuyện Gang of five để nhắc lại giai đoạn trước, ngay sau mở cửa, vốn còn nhiều khuất lấp. Nghệ sĩ nội địa tồn tại thế nào và muốn gì? Điều kiện hạ tầng ra sao? Vụ tái hợp này không có thay đổi hoặc chuyển hướng gì cả. Chỉ là “tôi còn cầm bút vẽ”, “tôi dám bày ra và công nhận hiện thực như vốn có”.

Ngay từ khởi điểm, ngoài tinh thần muốn làm khác, muốn đổi mới cách vẽ, nhóm này mỗi người đã là một cá tính, một quan điểm tạo hình. Nếu Trần Lương đầy tinh thần nhập thế, với những tác phẩm giàu tính phản biện, thì Hồng Việt Dũng lại muốn xuất thế, tĩnh lặng và thanh thoát. Nếu Đặng Xuân Hòa “cày xới” hình ảnh cá nhân, đời sống thường nhật, không khí gia đình, thì Hà Trí Hiếu vừa ngợi ca vừa hơi biếm nhại đồng quê, văn hóa Bắc bộ. Phạm Quang Vinh thì vẽ về những bề bộn từ việc bài xích nhiều vốn cổ, về sự bát nhát của văn hóa giao thời.

Gọi “lạc bước tân kỳ” là hoàn toàn xác đáng. Bởi vì các tác phẩm của họ thời đó “chẳng giống ai”, khác khá nhiều về tư duy và tạo tác. Họ giống như các chàng lính ngự lâm, đúng hơn là các chàng Don Quijote xứ Mancha, cỡi con ngựa ốm yếu vào cối xay gió. Họ đã chiến đấu trong tin tưởng và ngờ vực, hoan lạc và tuyệt vọng… để mở cho được một cánh cửa nhỏ trong hội họa. Bởi bối cảnh lúc ấy đang bị chi phối khá nặng nề từ quan niệm cứng nhắc về hiện thực và tuyên truyền.

Sự kiện lần này do The Factory (TP.HCM) và Art Vietnam (Hà Nội) phối hợp thực hiện, dưới sự giám tuyển của Lê Thuận Uyên. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 9/9.

Xuất xứ danh xưng

Từ đầu thập niên 1990, nhóm được họa sĩ Nguyễn Quân đặt tên là Bè lũ năm tên. Tên gọi nghe có vẻ “thiếu văn hoa”, “hơi giang hồ” rõ ràng muốn phản ánh những dự phóng mà nhóm muốn làm với việc vẽ. Sau triển lãm thành công tại Hà Nội, do nhóm được mời đi triển lãm ở nhiều nước, nên nhà thơ Dương Tường dịch ra tiếng Anh là Gang of five cho tiện gọi. Dù tinh thần và ý nghĩa vẫn như vậy, nhưng nghe Gang of five thì có vẻ dễ chịu hơn.

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Bức tranh sơn dầu Bình văn được họa sĩ Lê Văn Miến vẽ vào khoảng 1898- 1905 (trước thời điểm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương ít nhất 20 năm).

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm