Xem hội họa ngẫm văn chương

16/03/2013 08:18 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - Xem sự bứt phá của các họa sĩ trẻ, với những hình tượng “siêu thực tại” trong triển lãm “Năng lượng cố đô”, mới thấy giới mỹ thuật đã có những bước tiến dài về tư duy sáng tạo so với giới văn chương.

1. Có thể 2013 sẽ là một năm đầy sáng tạo của hội họa xứ Huế. Bởi ngay đầu năm, vào ngày 13/3 đã có một không khí lạ tràn vào mảnh đất vốn u trầm này. Sự gặp gỡ của 55 nghệ sĩ trẻ đến từ 17 tỉnh thành cả nước trong cuộc triển lãm mang tên: “Năng lượng cố đô” đã báo hiệu cho một sự chuyển dòng.

Người ta nhận thấy có một cái gì đó lạ lẫm, khác biệt trong thế giới mà các họa sĩ trẻ đang trưng ra. Người xem cũng khó tìm thấy được đâu là thực tại được các họa sĩ tô vẽ. Hiện thực đã bị quên lãng hay đang có một lớp hiện thực khác ẩn sau những họa tiết tưởng như là kỳ quặc ấy?

Tác phẩm Miền ký ức của Đặng Thị Thu An

Trong các tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông, Miền ký ức của Đặng Thị Thu An, Sự trống rỗng của Nguyễn Đinh Duy Quyền, Manequin của Hoàng Trung Dũng đã không còn sự nỗ lực bắt chước hiện thực nữa mà người họa sĩ đang hướng đến một siêu thực tại. Tác phẩm của họ là sự gắn kết giữa hiện thực và thế giới của mơ tưởng, thế giới của những giấc mơ. Hình họa không hướng tới diễn tả đúng sự vật mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính, thậm chí phá sản quan niệm thẩm mỹ truyền thống.

Các tác phẩm này đi ra từ trí tưởng tượng và liên tưởng, chúng khiến người xem chênh chao giữa thực tại và mơ mộng. Khiến người xem vừa bị mê hoặc, vừa thấy sợ hãi, bất an. Cảm tưởng như mình đang trôi vào những giấc mơ hoang tưởng, đang thụ cảm sự phi lý và những cơn dư chấn trong nội tâm...

Khi tranh không còn mô phỏng thực tại thì sự va đập của màu sắc, họa tiết tạo ra những tín hiệu gợi lên những ý niệm về một dạng thức thực tại khác. Một thực tại nằm ở một chiều logic khác, không bị quy chụp bởi các nguyên tắc. Các họa sĩ đang dần chạm vào tâm thức của xã hội đương đại khi họ không cố tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ thông thường mà cố trưng ra một thế giới khước từ diễn giải, tạo ra những xung đột, va chấn trong tiềm thức.

2. Và thực tế là, so với văn chương trẻ Huế nói chung và Việt Nam nói riêng thì hội họa trẻ đã đi khá xa. Tất nhiên hội họa và văn học có những điểm khác biệt của nó. Khác biệt về chất liệu, cách tổ chức hình tượng, không gian, thời gian... nhưng dẫu sao chúng có một điểm chung, đó chính là tư duy của người sáng tạo.

Xét thấy hiện nay, trong văn chương, đặc biệt là truyện ngắn đang lâm vào bế tắc, khủng khoảng. Truyện ngắn nhìn chung đang bị đóng khung trong cái công thức mô phỏng cổ điển. Nhà văn trẻ vẫn trượt đi một cách bình yên, một cách đáng sợ trên lối tư duy nghệ thuật tiền hiện đại. Tác phẩm luôn phải có tính chất chuyện, phải tương hợp với hiện thực, phải chảy đúng logic lý tính, phải phán ánh hiện thực...

Loay hoay mãi trong nỗ lực bắt chước hiện thực dần đưa nhà văn trẻ lâm vào sự khốn cùng của lối viết. Nhà văn không chịu triển khai những khả thể hư cấu như hội họa đã làm... họ trình ra một thứ hiện thực gượng ép, xơ cứng, thô ráp không hề có dấu vết của các cấp độ sáng tạo.

Và như thế, nhà văn trẻ sẽ luôn xa lạ với cảm thức, tâm thức của thời đại hơn so với các họa sĩ trẻ hiện nay.

Dạ Tuyết
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm