Đạo diễn 'Ông cố vấn' Lê Dân qua đời: Trái tim điện ảnh không muốn ngừng đập

27/02/2016 07:03 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lê Dân tên đầy đủ là Lê Hữu Phước, sinh năm 1928 tại Tây Ninh, qua đời tại nhà riêng (quận 12, TP.HCM) lúc 11h30 ngày 26/2/2016, thượng thọ 89 tuổi, theo âm lịch. 

Nếu tính từ phim Hồi chuông Thiên Mụ (năm 1957), Lê Dân đã có gần 60 năm gắn bó với phim ảnh, nhưng mãi đến giữa năm 2015, ông vẫn ôm ấp làm một phim sử thi, dựa vào cuộc đời của Đam San, anh hùng huyền thoại của vùng đất Tây Nguyên.

Ông còn muốn làm phim về cuộc đời Đức Phật, về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, về chuyện phiêu lưu đường rừng... Đặc biệt, ông còn muốn cùng nữ minh tinh Kiều Chinh làm một phim điện ảnh trước khi thật sự giải nghệ. Nhưng tất cả còn dở dang.

Đạo diễn Lê Dân, hình chụp tháng 7/2014 tại tư gia. Ảnh: Văn Bảy 

Lê Dân là cựu học sinh Trường Pétrus Ký (Sài Gòn), du học ngành luật tại Pháp từ cuối năm 1946. Đến năm 1950, sau khi đến xem LHP Cannes, ông đã quyết định chuyển hướng, theo học phim ảnh tại Paris.

Sau năm 1954, ông trở lại Sài Gòn, bắt đầu làm nhiều phim, ngoài Hồi chuông Thiên Mụ, ông còn được biết đến với Loan mắt nhung (1970), Tình Lan và Điệp (1971), Sau giờ giới nghiêm, Nhà tôi (1972), Hoa mới nở (1973), Xóm tôi, Trường tôi (1974)...

Một quảng cáo về phim 'Hồi chuông thiên mụ'

Sinh trong một gia đình trí thức ở tỉnh Tây Ninh, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông theo bộ đội xuống Đồng Tháp Mười kháng chiến. Cuối năm 1946, cơ sở tan vỡ, mất liên lạc với tổ chức, ông quay về Sài Gòn. Để tránh gặp rắc rối với chính quyền thực dân, gia đình gom góp tiền cho ông sang Pháp du học.

Ngay sau 30/4/1975, Lê Dân đã được mời quay những thước phim đầu tiên cho Đài Truyền hình TP.HCM, làm Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Giải phóng, rồi về làm tại Hãng phim Giải phóng…

Đã có nhiều câu hỏi về sự “thuận lợi đặc biệt” này nhưng ít khi nào Lê Dân chia sẻ thẳng thắn lý do. Mãi đến giữa năm 2014, trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, Lê Dân mới cho biết: “Bởi tôi từng là một trong 14.000 điệp viên hoạt động tại miền Nam trước 1975 (theo tài liệu của Mỹ); đời tôi 6 lần chết hụt thì có đến 5 lần do hoạt động tình báo, chính trị”.

Một phim nổi tiếng vượt thời gian của Lê Dân

Và cũng vì vậy, chỉ vài năm sau 1975, khi đất nước còn rất khó khăn, Lê Dân đã có những phim ấn tượng, được đầu tư lớn như Con mèo nhung (1981), Pho tượng (1982)… rồi Xương rồng đen (1991), Người con gái đất đỏ (1995)... Năm 1994, ông nổi tiếng với bộ phim truyền hình Ông cố vấn, nhưng đang làm và phát sóng 10 tập thì bị ngưng vì lý do kinh phí.

Nhưng có lẽ, cũng một phần do quan niệm của bản thân. Ông cho rằng người làm tình báo thường có đời sống hai mặt giả và thực, phải "thành thật" với cả hai thì mới hy vọng tồn tại để phục vụ lý tưởng sâu kín của mình. Khi làm phim về đề tài này, hấp dẫn và thách thức là phải làm sao để nói cho được sự thành thật hai mặt đó.

Nói về khả năng phim ảnh của mình, Lê Dân rất thẳng thắn: “Thú thực, tôi không phải là người có tài năng. Cuộc đời tôi là một chuỗi ngày phấn đấu không ngừng nghỉ. Do đó, sự thành công của tôi phần lớn do khổ luyện mà thành”, ông từng tâm sự như vậy với Thể thao & Văn hóa.

Chưa có thống kê đầy đủ về số phim (điện ảnh, truyền hình, tài liệu, phóng sự, phim ngắn…) mà Lê Dân đã làm, nhưng vẫn đủ để gọi là đồ sộ. Ngoài việc giữ kỷ lục về số lượng phim tham dự các LHP quốc tế, ông còn được xem là đạo diễn có mắt xanh khi đã phát hiện, làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên nổi tiếng. Có thể kể như Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng, Túy Hồng, Băng Châu, Huỳnh Thanh Trà, Diễm My, Việt Trinh, Thanh Thúy...

Đạo diễn Lê Dân: Tôi là một điệp viên làm phim tình báo

Đạo diễn Lê Dân: Tôi là một điệp viên làm phim tình báo

Bộ phim Ông cố vấn do Hãng phim Hội Nhà văn sản xuất, nhà nước tài trợ, dự kiến sẽ làm 50 tập, nhưng cuối cùng đến tập thứ 10 thì dừng lại với lý do “hết kinh phí”.

Ông còn là nhà giáo dục, phê bình, nghiên cứu về phim ảnh; là tác giả các sách Nghệ thuật diễn xuất, Nghệ thuật viết kịch bản điện ảnh và truyền hình, Ngôn ngữ điện ảnh

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, ông luôn ao ước điện ảnh nước nhà vươn lên vị trí cao trên diễn đàn quốc tế và chiếm lĩnh được thị trường thế giới. Nhưng ông cũng rất tiếc vì khả năng sáng tạo và công sức đóng góp của mình không được như mong muốn… Hướng về tương lai, ông kỳ vọng vào lớp trẻ, tin vào sức bật của họ trong môi trường hoạt động ngày một sáng sủa hơn.

Có thể khẳng định, với phim ảnh nói chung, trái tim của Lê Dân không bao giờ muốn ngừng đập.

Đạo diễn, NSƯT Lê Dân, từng đạo diễn nhiều phim như Loan mắt nhung, Tình Lan và Điệp, Ông cố vấn, Người con gái đất đỏ, Xương rồng đen...
Khoảng một năm gần đây, Lê Dân chuyển về sống trong một căn phòng rất nhỏ gần nghĩa trang Bình Dương, nơi người vợ mà ông rất yêu quý đã an nghỉ. Ngày 9/2, ông đột quỵ tại đây, bạn bè đưa đi cấp cứu, sau hơn hai tuần nằm viện và hôn mê sâu, gia đình chuyển ông về nhà được hơn một ngày thì qua đời. 

Lễ nhập quan diễn ra lúc 20h ngày 26/2, quàn ở nhà riêng tại số 123/30 Phan Văn Hớn, khu phố 4, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM. Lễ di quan tiến hành lúc 6h sáng ngày 29/2, an táng tại nghĩa trang Bình Dương. Theo di nguyện và sự chuẩn bị từ trước, ông được nằm cạnh vợ mình.
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm